Ai đặt tên cho bức tượng Oscar?
Tượng vàng Oscar chính thức khai sinh trong lễ trao giải của Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ tại Los Angeles năm 1928. Nhưng Oscar không phải là cái tên đầu tiên của giải thưởng điện ảnh danh giá này. Tên chính thức của giải thưởng là Academy Award of Merit.
Đến tận ngày nay, người ta vẫn không thể biết chính xác ai là người đặt tên gọi cho bức tượng vàng này. Theo một giả thuyết, "mẹ đẻ" của cái tên ấy chính là cô thủ thư Margaret Herrick, người mà sau này trở thành Giám đốc Viện Hàn lâm. Lần đầu tiên nhìn thấy bức tượng, cô nói rằng nó giống như ông bác Oscar của cô.
Cùng lúc đó, nhà báo Sidney Skolsky đã lập tức chộp lấy cái tên này để làm nhan đề cho bài báo của ông: “Một nhân viên đã yêu mến đặt tên cho bức tượng nổi tiếng là Oscar”. Song bản thân một diễn viên từng đoạt giải của Viện Hàn lâm - Bette Davis lại khẳng định rằng: cô mới chính là người nghĩ ra cái tên đó. Trong cuốn hồi kí của mình, cô nói đã gọi nó theo tên của người chồng chỉ huy dàn nhạc, ông Harmon Oscar Nelson. Cô kể, cứ mỗi lần nhìn thấy bức tượng này, cô lại liên tưởng đến vòng ba của đức lang quân.
Ai là người thiết kế ra tượng vàng Oscar?
Hình mẫu bức tượng lấy cảm hứng từ diễn viên người México Emilio "El Endio" Fernández. Thiết kế đầu tiên của bức tượng vàng Oscar do giám đốc nghệ thuật MGM Cedric Gibbons đưa ra. Nhưng người cụ thể hóa ý tưởng của Gibbons là nhà điêu khắc George Stanley, người đã tạo ra một bản tượng bằng đất sét trước khi Alex Smith chế ra bản tượng bằng thiếc và đồng được mạ vàng 24 karat với tỉ lệ 92,5 phần trăm thiếc và 7,5 phần trăm đồng.Tượng vàng Oscar là một bức tượng cao 34cm, nặng 3,85kg có hình dáng của một hiệp sĩ được điêu khắc theo phong cách Art Deco, người hiêp sĩ này cầm trong tay một thanh gươm và đứng trên một cuộn phim năm cánh, tượng trưng cho các nhánh gốc của Viện Hàn lâm: diễn viên, biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất và kĩ thuật viên.
Trong thời gian xảy ra Chiến tranh Thế giới thứ hai, vì thiếu kim loại nên tượng Oscar được làm bằng thạch cao trong 3 năm. Sau chiến tranh, Ban tổ chức mời người nhận giải đến để trao lại tượng bằng kim loại mạ vàng, đồng thời nhận lại tượng bằng thạch cao.
Tượng vàng Oscar được sản xuất như thế nào
Để có được những bức tượng hoàn hảo, các nhà sản xuất phải trải qua 17 công đoạn tỉ mỉ và rất cầu kì.
Công việc bắt đầu khi nhà sản xuất nấu chảy hợp kim cao cấp trong một chiếc lò ở nhiệt độ 250-300 độ C. Sau khi ra lò, tượng được đổ vào khuôn thép cẩn thận, nghiêng từ từ để kim loại nóng chảy có thể choán hết chỗ trong khuôn.
Sau đó nếu chưa được hoàn hảo như mong muốn, người ta đổ ra, nấu lại và bắt đầu từ đầu. Thật khó tin khi mà chỉ có một chiếc khuôn duy nhất để sản xuất tượng. Phải mất 3 tháng, 50 chiếc tượng vàng mới được hoàn thành.
Sau khi có được một hình hài hoàn hảo, tượng Oscar được mang đi phủ cát trong 1h rồi đánh bóng bằng vải mềm. Bước tiếp theo, "hiệp sĩ vàng" được tẩy bỏ những chất cặn bám lại trên mình, được “xăm” 4 số duy nhất lên thân nhằm đề phòng việc ăn trộm hay bán lậu nó trên Internet.
Vẫn chưa hoàn thành bởi giờ đây, tượng vàng được tắm trong 4 dung dịch mạ điện riêng biệt gồm đồng, kền (Niken), bạc và vàng 24 cara. Cuối cùng tượng Oscar được đóng gói rồi chuyển đến Los Angeles, sẵn sàng cho sự kiện lớn nhất trong năm.
Các bức tượng Oscar thường được làm dư ra so với số giải trong mỗi chương trình. Lý do là số lượng chính xác về bức tượng vàng chỉ được biết trong buổi tối trao giải. Ban tổ chức giải sẽ bảo quản những bức tương dư thừa để dùng tiếp cho các năm sau.
Địa điểm tổ chức Giải Oscar
Lễ trao giải đầu tiên của AMPAS diễn ra tại khách sạn Roosevelt ở Hollywood. Trong thập niên 1930 và đầu thập niên 1940, các buổi lễ được tổ chức tại khách sạn The Ambassador Hotel hoặc Millennium Biltmore Hotel ở Los Angeles.
Từ năm 1944 đến năm 1946, Nhà hát Trung Hoa Grauman ở Hollywood là nơi tổ chức lễ trao giải trước khi nó dời về thính phòng Shrine Auditorium cho đến năm 1948. Lễ trao giải lần thứ 21 năm 1949 diễn ra tại Nhà hát Giải thưởng Viện Hàn lâm mà sau này là trụ sở chính của AMPAS trên đại lộ Melrose ở Hollywood.
Từ năm 1950 đến năm 1960, địa điểm được lựa chọn là Nhà hát Pantages. Từ năm 1961, đến lượt thính phòng Santa Monica Civic Auditorium ở Santa Monica, California được tổ chức lễ trao giải Oscar. Năm 1968, một lần nữa lễ trao giải trở về Los Angeles, lần này là tại rạp Dorothy Chandler Pavilion nằm trong Trung tâm Âm nhạc Los Angeles. Rạp The Dorothy Chandler Pavilion là nơi tổ chức 20 đêm trao giải liên tiếp cho đến tận năm 1988, sau đó giải Oscar lại được trao luân phiên ở Trung tâm Âm nhạc và thính phòng Shrine Auditorium. Kể từ năm 2002, Nhà hát Kodak (từ năm 2012 đổi tên là Trung tâm Hollywood và Highland, sau đó là Nhà hát Dolby) của Hollywood trở thành địa điểm tổ chức lâu dài đầu tiên của giải thưởng.