Đông Nam Á đang đón đợt bùng nổ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kể từ khichiến tranh thương mạiMỹ - Trung khiến nhiều doanh nghiệp di dời dây chuyền sản xuất xuống khu vực này.
Bloomberg trích báo cáo ngày 22-10 của Công ty cổ phần Chứng khoán MayBank Kim Eng, trong đó đáng chú ý, dòng vốn đầu tư sản xuất chảy vào Việt Nam tăng 18% trong vòng 9 tháng dầu năm 2018.
Dự án xây dựng dây chuyền sản xuất nhựa PP (polypropylene) của tập đoàn Hyosung, Hàn Quốc, cùng nhiều dự án khác đã góp phần vào xu hướng này.
Từ tháng 1 đến tháng 7, Ngân hàng trung ương Thái Lan công bố chỉ số FDI tăng 53% so với năm ngoái, đạt 7,6 tỉ USD. Dòng vốn đầu tư sản xuất của quốc gia này cũng tăng gần 5 lần. Ở Philippines, FDI đối với khu vực sản xuất tăng lên 861 triệu USD, so với mức 144 triệu USD cùng kỳ một năm trước đó.
Hai chuyên gia kinh tế Chua Hak Bin và Lee Ju Ye của Maybank nhận định "chiến tranh thương mại" Mỹ - Trung sẽ khiến nhiều doanh nghiệp đổ về các quốc gia Đông Nam Á, nhằm đối phó với các đòn trả đũa thuế quan". Ngoài ra, các lĩnh vực như hàng tiêu dùng, công nghiệp, công nghệ và phần cứng viễn thông, xe hơi và hóa chất cũng sẽ "được chú trọng hơn tại Đông Nam Á".
Khu vực của các nền kinh tế mới nổi này đang dần nhận ra những mặt tốt của cuộc chiến thương mại.
Họ trở thành lựa chọn thay thế cho các doanh nghiệp muốn di dời dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan. Theo một khảo sát từ 29-8 đến 5-9, khoảng 1/3 trong số hơn 430 công ty Mỹ tại Trung Quốc đang cân nhắc hoặc đã di dời cơ sở của mình.
Ông Trinh Nguyễn, chuyên gia kinh tế cao cấp của Natixis Asia nhận định: "Căng thẳng thương mại leo thang sẽ càng thúc đấy xu hướng hiện tại phát triển. Đông Nam Á vừa là một thị trường tăng trưởng tốt, vừa là nơi gia công nước ngoài có chi phí sản xuất thấp, tự do thương mại và ít rủi ro địa chính trị".
Theo Bloomberg, hãng môtô nổi tiếng của Mỹ, Harley Davidson, sẽ chuyển một phần khâu sản xuất của họ tới cơ sở đang xây dựng tại Thái Lan, dự tính hoàn thành vào cuối năm 2018.
Ngày 23-10, Giám đốc Tài chính của hãng, ông John Olin, cho biết Harley sẽ tốn thêm 40 triệu USD để chi trả cho các loại thuế quan mới. Doanh nghiệp này phải chịu chi phí khá lớn từ thuế nhập khẩu kim loại, cũng như các loại thuế quan áp lên sản phẩm của họ khi xuất khẩu qua châu Âu hoặc Trung Quốc.
Ngoài ra, hai hãng điện máy Delta Electronics và Merry Electronics cũng lên kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Thái Lan. Hồi tháng 7, Delta Electronics, doanh nghiệp chuyên cung cấp linh kiện năng lượng cho Apple, đề nghị mức giá 2,1 tỉ USD để mua lại một cơ sở sản xuất tại quốc gia này.
Bên cạnh đó, Panasonic đã đóng cơ sở sản xuất ở Mỹ vào đầu năm 2017, chuyển sang ủy thác gia công và xuất khẩu tại Malaysia. Hãng Kayamatics chuyên về các thiết bị internet có hai nhà máy tại Trung Quốc, cũng đang lên kế hoạch di dời dây chuyền sản xuất đến Kuala Lumpur và Penang thuộc Malaysia.
Tuy nhiên, Đông Nam Á chưa chắc đã miễn dịch với cuộc đối đầu thương mại. Một báo cáo ngày 22-10 cho thấy chiến tranh thương mại là nguyên nhân khiến xuất khẩu Thái Lan giảm đột ngột trong tháng 9.