Ngày 10/4/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 380/QĐ-TTg về chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng tại hai tỉnh Sơn La và Lâm Đồng. Mục đích của việc thí điểm là tạo cơ sở cho việc xây dựng khung pháp lý về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, thực hiện xã hội hoá nghề rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn và hệ sinh thái, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, đảm bảo nguồn nước cho thuỷ điện và các hoạt động kinh doanh du lịch.
Rừng trồng tại tỉnh Sơn La. Ảnh: Minh Long
Rừng Sơn La cùng với hệ thống rừng Tây Bắc có vai trò quan trọng không chỉ trong việc phòng hộ, điều tiết nước cho hai công trình thuỷ điện Hoà Bình và thuỷ điện Sơn La, cùng hơn 100 công trình thuỷ điện vừa và nhỏ đang được xây dựng, mà còn bảo vệ sinh thái, tạo kế sinh nhai cho hàng nghìn hộ dân. Chính quyền tỉnh đã thành lập hệ thống quản lý và chi trả dịch vụ môi trường rừng ở cấp tỉnh, huyện và xã. Đối tượng hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng bao gồm toàn bộ chủ rừng thuộc lưu vực sông Đà và trong phạm vi hành chính của tỉnh Sơn La. Những dịch vụ mà rừng Sơn La cung cấp bao gồm: Điều tiết và cung ứng nguồn nước, bảo vệ đất, hạn chế chống xói mòn... Rừng được giao cho hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng, tổ chức của bản và tổ chức nhà nước để chăm sóc và bảo vệ.
Về nguồn thu dịch vụ môi trường rừng của tỉnh, theo kế hoạch nộp tiền của các đơn vị doanh nghiệp sử dụng dịch vụ môi trường rừng năm 2009 - 2010 là hơn 115 tỷ đồng. Hiện đã tiếp nhận trên 113 tỷ đồng từ nguồn Quỹ bảo vệ và phát triển rừng từ các đơn vị sử dụng dịch vụ trên địa bàn, trong đó có Thủy điện Suối Sập và Công ty CP cấp nước Sơn La.
Xã Chiềng Cọ, TP. Sơn La là một trong 9 xã được thực hiện thí điểm về việc chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Quyết định 380. Theo báo cáo, cả xã có 2.227 ha được chi trả phí này, trong đó có 718 ha thuộc sở hữu của các nhóm hộ. Năm 2009, các chủ rừng đã nhận được 306 triệu đồng “tiền rừng xanh” từ phí chi trả dịch vụ môi trường rừng. Theo bà Cà Thị Chính, người dân ở bản Ót Nọi – xã Chiềng Cọ, TP. Sơn La thì trước năm 2009, người dân nơi đây chưa bao giờ quan tâm tới rừng. “Khi được nghe cán bộ xã phổ biến về dịch vụ môi trường rừng tôi cảm thấy lạ và mới mẻ. Ngày trước, gia đình tôi ngoài việc làm ruộng cấy lúa, trồng ngô, thỉnh thoảng lên rừng nhặt củi đem bán thì nay đã có thêm một công việc mới là chăm sóc và bảo vệ rừng, lại còn được tiền nên rất hăng hái bảo vệ rừng và chăm sóc rừng. Bản chúng tôi họp và chia ra các tốp đi tuần tra, nếu có hiện tượng như đốt, chặt phá rừng sẽ chạy về báo cho người dân trong bản để cùng nhau giải quyết”, bà Chính kể.
Số tiền mà các doanh nghiệp mua dịch vụ rừng là 20 đồng/kWh đối với thuỷ điện, 40 đồng/m3 đối với nước sinh hoạt, 1 - 2% doanh thu từ hoạt động du lịch sẽ được đưa vào quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh để chi trả cho các tổ chức, hộ dân bảo vệ rừng.
Ông Quàn Văn Lẻ, Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ cho biết: “Số tiền mà các chủ rừng được nhận từ phí chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đến tận tay người dân. Hiện nay, cả xã đã có 2 nhà văn hóa được xây dựng từ một phần kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng. Một số cộng đồng là chủ rừng đã dùng tiền này mua cây về trồng thêm rừng hoặc tổ chức các tổ đội tuần tra, canh gác bảo vệ rừng”.
Cùng với Chiềng Cọ, xã Nặm Păm, huyện Mường La (tỉnh Sơn La) cũng được chọn thí điểm để triển khai chi trả phí dịch vụ môi trường rừng. Ông Tòng Văn Pùa, Phó chủ tịch xã Nặm Păm cho biết, cả xã có 3.466 ha rừng thuộc diện được chi trả. Hiện đã chi trả cho người dân tổng cộng 282 triệu đồng. Người dân được mời về trụ sở UBND xã, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện chi trả tận tay chủ rừng. Nhận tiền này, bà con có thêm thu nhập nên rất phấn khởi, tận tâm bảo vệ rừng, tình trạng phá rừng cũng giảm hẳn.
Ông Lù Văn Thu, ở bản Hốc, xã Nặm Păm (57 tuổi) sống gần rừng hơn nửa thế kỷ tâm sự: “Từ ngày người dân được nhận tiền rừng xanh, tôi không thấy thương lái dưới xuôi lên đây lùng mua gỗ nữa, hầu như không còn ai chặt phá rừng. Nhận tiền của nhà nước rồi nên chúng tôi sợ nếu không hoàn thành trách nhiệm sẽ bị phạt. Mỗi khi cháy rừng xảy ra, những người đi dập lửa sẽ được trả công nên mọi người đều hăng hái tham gia cứu rừng”.
Khi thực hiện chương trình về chi trả dịch vụ môi trường rừng, mọi chủ rừng đều phải ký cam kết bảo vệ rừng với uỷ ban nhân dân xã. Sau đó, hàng năm xã sẽ nghiệm thu chất lượng rừng để lập biên bản đánh giá rồi chuyển lên huyện. Cán bộ lâm nghiệp sẽ kiểm tra ngẫu nhiên 5 – 10% mẫu rừng trong xã rồi lập tờ trình để UBND huyện phê duyệt hồ sơ chi trả. Mọi thông tin của từng chủ rừng hay tập thể và số tiền chi trả được niêm yết tại trụ sở UBND xã và nhà văn hoá thôn, bản để người dân theo dõi.
Theo ông Lương Thái Hùng, giám đốc quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Sơn La cho biết: Tổng diện tích rừng của Sơn La tăng thêm khoảng 23.000 ha trong vài năm qua và một trong nhưng nguyên nhân khiến diện tích rừng tăng là nhờ thực hiện chương trình PES.
Chi trả dịch vụ môi trường rừng là kết nối các nhà quản lý rừng ở địa phương với người sử dụng dịch vụ môi trường rừng thông qua chi trả trực tiếp. Những người sử dụng dịch vụ môi trường rừng ở vùng hạ lưu trả tiền cho những người quản lý bảo vệ rừng đầu nguồn. Số tiền mà người dân nhận được từ phí dịch vụ môi trường rừng không nhiều, 126.000 đồng/ha nhưng nó lại đang tạo động lực lớn để người dân giữ rừng. Nhờ có PES mà hiểu biết của người dân đối với rừng đã nâng lên, ý thức tái tạo rừng cũng có sự chuyển biến mạnh mẽ.
Hiệu ứng tích cực từ thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
TCCT
Sau 2 năm thực hiện thí điểm chương trình quốc gia về phí chi trả dịch vụ môi trường rừng (PES), người dân Sơn La được các doanh nghiệp trả công cho việc bảo vệ và chăm sóc rừng, nạn phá rừng và cháy