Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), bao gồm: 1. Hỗ trợ đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp (cơ bản và chuyên sâu); 2. Hỗ trợ đào tạo trực tiếp tại DNNVV hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến; 3. Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động trong DNNVV khi được cử tham gia khóa đào tạo trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 03 tháng.
Dự thảo nêu rõ nội dung chi tổ chức khoá đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp gồm: Chi cho giảng viên, báo cáo viên: thù lao giảng dạy (bao gồm cả thù lao soạn giáo án bài giảng), chi phí ăn, ở, đi lại; chi in ấn, photo, mua tài liệu học tập theo nội dung chương trình khóa đào tạo cho học viên (không bao gồm tài liệu tham khảo); chi thuê hội trường, phòng học, máy chiếu, thiết bị phục vụ học tập; chi tổ chức cho học viên đi khảo sát, thực tế trong nước (nếu có): thuê phương tiện đưa, đón học viên; bồi dưỡng báo cáo viên tham gia chia sẻ kinh nghiệm tại buổi khảo sát, thực tế…
Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong tổng chi phí tổ chức một khóa đào tạo khởi sự kinh doanh tối đa là 100%, quản trị doanh nghiệp cơ bản tối đa là 70% và quản trị doanh nghiệp chuyên sâu là 50%.
Về chi phí đào tạo nghề và chính sách hỗ trợ cho lao động trong DNNVV, dự thảo đề xuất: Lao động làm việc trong DNNVV đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP khi tham gia khóa đào tạo nghề được miễn chi phí đào tạo nhưng tối đa không quá 02 triệu đồng/người/khóa học; mỗi người một lần.