Phân bón tăng giá và nỗi lo của người nông dân
Trong hai năm, giá phân bón được đánh giá là tăng cao kỷ lục khoảng 50 năm trở lại đây. Nguyên nhân là do xung đột Nga - Ukraine và những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 khiến giá nguyên liệu đầu vào cho phân bón cũng khan hiếm và tăng cao.
Mặc dù thời gian qua, Bộ Tài chính đã đề xuất mức thuế 5% với mặt hàng phân bón xuất khẩu để góp phần tăng nguồn cung trong nước và giúp hạ nhiệt giá phân bón. Tuy nhiên, việc bình ổn giá phân bón không chỉ phụ thuộc vào doanh nghiệp mà phụ thuộc rất nhiều vào chính sách điều hành của nhà nước.
Thực tế cho thấy các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đang phải đối mặt với tình trạng nguyên liệu đầu vào tăng quá cao. So với thời điểm này năm ngoái, giá một số loại nguyên liệu đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần.
Đáng chú ý, giá khí tự nhiên, giá dầu đã tăng đột ngột cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong khi đó, khí tự nhiên là nguyên liệu chính cho hầu hết các loại phân đạm - chi phí này chiếm 70-90% chi phí sản xuất ammoniac. Giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao Lưu huỳnh tăng gấp đôi; ure tăng 89%... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Phân bón là vật tư đầu vào quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và cũng chiếm tỷ trọng cao trong chi phí sản xuất nông nghiệp. Do vậy, giá phân bón tăng cao đã làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, sức cạnh tranh của hàng nông sản và đời sống người nông dân, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do tác động của thiên tai, dịch bệnh kéo dài.
Các mặt hàng phân bón đồng loạt tăng cao, kéo theo chi phí đầu vào tăng không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân mà còn bào mòn nguồn lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Việc giá phân bón tăng cao, làm cho chi phí sản xuất nông nghiệp tăng theo, thu nhập giảm, người nông dân sẽ là những đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất.
Hỗ trợ trả chậm phân bón - Nét đẹp văn hóa, đậm tính nhân văn
Chia sẻ gánh nặng với bà con nông dân, Công ty Supe Lâm Thao đã phối hợp với các nhà phân phối cả nước hỗ trợ bán chậm trả hàng chục ngàn tấn phân bón cho bà con nông dân.
Riêng tỉnh Phú Thọ, Công ty CP Supe Phốt phát & Hóa chất Lâm Thao đã phối hợp với Hội nông dân tỉnh hỗ trợ phân bón chậm trả cho bà con nông dân. Thời gian hỗ trợ trả chậm là 6 tháng.
Năm 2021, Công ty đã cung ứng trực tiếp cho bà con 8.617 tấn phân bón, 8 tháng đầu năm 2022, Công ty đã cung ứng được 3.300 tấn phân bón.
Việc cung ứng phân bón trả châm cho bà con nông dân vừa giúp người dân vẫn có phân bón kịp thời vụ khi chưa có kinh phí vừa được sử dụng các sản phẩm phân bón đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây trồng, đặc biệt là tránh mua phải hàng giả, kém chất lượng.
Đến nay hầu hết bà con nông dân các huyện đã đăng ký với số lượng lớn phân bón của công ty theo hình thức này.
Ngoài việc hỗ trợ trả chậm phân bón, cán bộ kỹ thuật của Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao còn thường xuyên hỗ trợ bà con nông dân về kỹ thuật bón phân, chăm sóc hoa màu sao cho hiệu quả, tiết kiệm lượng phân bón mà cây trồng vẫn lớn nhanh, cho năng suất cao. Xây dựng hàng nghìn mô hình sử dụng phân bón Lâm Thao khép kín cho bà con ở mọi miền đất nước.
Đây là nét đẹp văn hóa, thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, được gìn giữ qua các thế hệ cán bộ, người lao động công ty suốt từ khi thành lập đến nay.
Nhờ có nhiều cải tiến trong công tác tiêu thụ sản phẩm, phát triển các sản phẩm mới cũng như cơ chế chính sách bán hàng, kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty 8 tháng đầu năm 2022 tăng so với cùng kỳ. Cụ thể: doanh thu đạt 2.263 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ; về giá trị sản xuất công nghiệp là 2.302 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Tổng phân bón sản xuất 510.123 tấn; tổng phân bón tiêu thụ 359.841 tấn.