Nhu cầu tiêu thụ phốt pho vàng trên toàn cầu duy trì mức yếu trong nửa đầu năm nay, thể hiện qua việc giá bán bình quân giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo đánh giá mới đây của SSI Research, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã cổ phiếu DGC - sàn HoSE) vẫn thu hút được thêm khách hàng mới với sản lượng tiêu thụ trong nửa đầu năm nay tăng 14%.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang cấm xuất khẩu phốt pho vàng, Hóa chất Đức Giang đang chi phối đến 1/3 tổng lượng xuất khẩu toàn cầu của loại hoá chất này. Phốt pho vàng là nguyên liệu đầu vào quan trọng, được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm, đặc biệt là sản xuất chip điện tử, chất bán dẫn và pin lithium.
Hiện nhiều tổ chức tài chính nhận định giá phốt pho vàng trên thị trường thế giới đã tạo đáy trong quý 2/2024 với việc mức giá trung bình đạt 98 triệu đồng/tấn, tăng 4% so với quý 1/2024. SSI Research hiện dự báo giá phốt pho vàng trung bình trong cả năm 2024 dự kiến sẽ phục hồi lên mức 108 triệu đồng/tấn, tăng 3% so với năm 2023, và có thể tiếp tục tăng thêm 5% trong năm 2025, đạt bình quân 113 triệu đồng/tấn.
Động lực thúc đẩy giá phốt pho vàng chủ yếu đến từ nhu cầu phân bón phục hồi trong điều kiện thời tiết tốt hơn và nhu cầu từ các nhà sản xuất chip, chất bán dẫn gia tăng với xu hướng phát triển của công nghệ.
Trên thực tế, sản lượng tiêu thụ phân bón tại Ấn Độ, một trong những thị trường xuất khẩu phốt pho vàng chủ chốt của Hóa chất Đức Giang, đã tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm nay sau khi hiện tượng El Nino dần kết thúc. Đồng thời, tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản), khách hàng lâu năm của Hóa chất Đức Giang, cũng đã gia tăng đơn hàng trở lại sau thời gian trì trệ.
Việc giá phốt pho vàng tăng trở lại được kỳ vọng sẽ thúc đẩy lợi nhuận của Hóa chất Đức Giang trong thời gian tới.
Đáng chú ý, ban lãnh đạo Hóa chất Đức Giang cho biết tập đoàn đang có có kế hoạch mở rộng Khai trường 25 để tăng cường tỷ lệ quặng apatit tự khai thác, dự kiến triển khai từ đầu năm 2025.
Chi phí quặng hiện đang chiếm khoảng 60% tổng chi phí nguyên vật liệu sản xuất của Hóa chất Đức Giang. Nếu kế hoạch trên được triển khai thành công, tỷ lệ quặng tự khai thác của tập đoàn này sẽ tăng từ mức 80% hiện nay lên 90% vào năm 2025.
Ban lãnh đạo Hoá chất Đức Giang cũng cho biết đang tiếp tục tìm kiếm các mỏ mới và doanh nghiệp sở hữu mỏ để thực hiện M&A nhằm gia tăng khả năng tự chủ nguồn cung apatit. Đồng thời, tập đoàn đang xin sửa đổi giấy phép khai thác mỏ và gia hạn thêm 05 năm kể từ bây giờ do trữ lượng lớn hơn dự kiến và tập trung mở rộng hoạt động hạ nguồn với giá trị gia tăng cao nhằm tận dụng triệt để khả năng cung ứng phốt pho vàng nội bộ, hướng đến việc giảm xuất khẩu.
Những nỗ lực này được kỳ vọng sẽ giúp tập đoàn cải thiện biên lợi nhuận, nhất là trong bối cảnh giá điện (chiếm khoảng 25% chi phí sản xuất) đang có xu hướng tăng dần qua các năm.
Ngoài ra, Hóa chất Đức Giang đang dần chuyển đổi sang các sản phẩm giá trị cao, điển hình như axit photphoric LCD. Hoá chất Đức Giang cho biết, sản phẩm axit cấp điện tử của tập đoàn hiện nay đã đáp ứng yêu cầu sử dụng cho sản phẩm màn hình LCD nhưng chưa dùng sang sản xuất chất bán dẫn, và tập đoàn cần nghiên cứu thêm về loại dùng cho chất bán dẫn.
Tập đoàn có kế hoạch tiếp cận vào ngành chất bán dẫn nhưng cần thời gian để phát triển và xây dựng cơ sở vật chất mới do yêu cầu chất lượng cao hơn, Hóa chất Đức Giang cho biết.
Axit cấp điện tử là axit photphoric cấp cao nhất, được dùng rộng rãi trong sản xuất vi mạch điện tử và chất bán dẫn. Hoá chất Đức Giang đã đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất axit photphoric cấp điện tử với công suất 30.000 tấn/năm kể từ năm 2022.
Dựa trên điều kiện thị trường hiện tại, SSI Research dự phóng lãi ròng năm 2024 của Hóa chất Đức Giang đạt 3.500 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2023.