Giá nhiều mặt hàng máy móc và đồ gia dụng như tủ lạnh, điều hoà và xe ô tô tại Hoa Kỳ đang tăng mạnh trong thời gian gần đây, nguyên nhân chủ yếu do giá thép tăng cao kỷ lục. Kể từ tháng 3/2020 đến nay, giá thép tại Hoa Kỳ đã tăng 215%.
Trong tuần trước, giá thép cuộn cán nóng (HRC), loại thép được sử dụng phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp, đã chạm mức cao nhất mọi thời đại 1.825 USD/tấn. Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, giá thép HRC thường chỉ dao động trong khoảng 500 USD – 800 USD/tấn. Vậy điều gì đang thúc đẩy giá thép tại Hoa Kỳ tăng mạnh?
Khi Hoa Kỳ phong toả trong những tháng đầu năm 2020 nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, nhiều nhà máy sản xuất thép tại nước này đã đóng cửa vì lo ngại nền kinh tế sẽ rơi vào một cuộc suy thoái sâu, kéo theo đó là sự sụt giảm lâu dài về nhu cầu sử dụng thép.
Tuy nhiên, sự sụt giảm nhu cầu sử dụng thép không kéo dài lâu, trái ngược với nhận định của các hãng sản xuất. Ở giai đoạn đầu của đại dịch, việc nhiều người dân Hoa Kỳ ở nhà đã khiến nhu cầu về trang thiết bị gia dùng tăng vọt, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng thép.
Ông Thorsten Schier, chuyên gia phân tích thị trường kim loại tại hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets (Anh), cho biết “Nhu cầu về thép trong thời kỳ đại dịch Covid-19 diễn ra lớn hơn so với dự đoán ban đầu do những thay đổi trong thói quen tiêu dùng. Thay vì tiêu tiền vào các kỳ nghỉ du lịch, người tiêu dùng lại đổ xô mua máy cắt cỏ, ô tô mới hoặc các loại hàng hoá sử dụng thép nhiều”.
Việc nền kinh tế Hoa Kỳ tái mở cửa và phục hồi mạnh mẽ càng khiến nhu cầu sử dụng thép của các ngành công nghiệp tăng mạnh. Ví dụ, giá dầu thô neo ở mức cao và nhu cầu sử dụng nhiên liệu tăng cao trở lại đang kích thích các hãng khai thác năng lượng mở rộng sản xuất; kéo theo đó là nhu cầu sử dụng lượng lớn thép.
“Tôi cho rằng giá thép vẫn chưa đạt đỉnh, phần lớn mọi người cho rằng giá thép sẽ được duy trì ở mức cao cho tới hết quý 3 năm nay, thậm chí cho tới năm 2022 trong bối cảnh nguồn cung thấp và nhu cầu thì ở mức cao”, theo ông Thorsten Schier.
Nhu cầu sử dụng thép tại Hoa Kỳ hiện tăng cao đến mức nhiều hãng sản xuất thép đã phải ngưng tiếp nhận các đơn hàng mới do quá tải và tình trạng này có thể kéo dài đến cuối mùa hè này để giải quyết các đơn hàng còn tồn đọng. Đồng thời, thời gian giao hàng cũng tăng gấp đôi, lên mức trung bình 11 tuần.
Bên cạnh đó, tình trạng độc quyền nhóm cũng khiến nguồn cung thép tại Hoa Kỳ bị phụ thuộc lớn hơn vào một nhóm nhỏ các doanh nghiệp. Trong năm ngoái, ngành thép nước này đã chứng kiến hai thương vụ hợp nhất lớn, sự hợp nhất giữa Cleveland-Cliffs và AK Steel với quy mô thương vụ đạt 1,1 tỷ USD và Cleveland-Cliffs mua lại phần lớn tài sản của ArcelorMittal với quy mô lên đến 1,4 tỷ USD. Hai thương vụ này đã biến Cleveland-Cliffs trở thành hãng sản xuất thép cuộn cán dẹt và quặng sắt vê viên (pellet) lớn nhất khu vực Bắc Mỹ.
Theo ông Thorsten Schier, việc nguồn cung thép phụ thuộc lớn vào Cleveland-Cliffs và tập đoàn United States Steel Corporation khiến các doanh nghiệp này không có nhiều động lực để tăng cường sản lượng do nhiều nguồn cung hơn đồng nghĩa với việc giá thép sẽ giảm xuống.
Bên cạnh đó, các nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng là yếu tố ảnh hưởng đến thị trường thép Hoa Kỳ. Sự thiếu hụt chip điện tử hiện nay đang ảnh hưởng mạnh đến hoạt động sản xuất xe ô tô mới. Một khi vấn đề này được giải quyết thì sản lượng xe ô tô mới sẽ tăng vọt trở lại, kèm theo đó là nhu cầu mạnh về thép. Do đó, ông Thorsten Schier nhận định giá thép khó có thể giảm xuống trong ngắn hạn.