Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và Liên minh châu Âu (EU) cho biết, Ủy ban châu Âu đã công bố quy định về việc gia hạn biện pháp tự vệ đối với thép thêm 02 năm nữa, cho đến tháng 6/2026. Trong đó, Việt Nam cũng là một trong số các nước xuất khẩu sang EU chịu ảnh hưởng của việc gia hạn quy định này.
Điều tra của Ủy ban châu Âu cho biết “Việt Nam, Indonesia và Malaysia đã đạt được tốc độ tăng trưởng công suất từ 35% đến 95%, trong khi nhu cầu thép giảm hoặc tăng nhẹ…”
Ủy ban Châu Âu cũng đã thực hiện một số thay đổi đối với biện pháp tự vệ, bao gồm: giảm hạn ngạch tự do hóa từ 4 xuống 1% mỗi năm và đưa ra mức sản lượng nhập khẩu tối đa là 15% trên mỗi quốc gia của hạn ngạch miễn thuế hiện có vào đầu quý đối với các loại sản phẩm thuộc nhóm 1 và nhóm 16.
Các điều chỉnh trên sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024. Biện pháp này sẽ hết hạn vào ngày 30/6/2026, tám năm sau khi được áp dụng lần đầu tiên, đây cũng là thời gian áp dụng biện pháp tự vệ tối đa được phép theo quy định của EU và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ủy ban châu Âu vẫn có thể xem xét việc thực hiện biện pháp này trước ngày 30/6/2026 nếu thấy cần điều chỉnh thêm.
Theo đánh giá sơ bộ của Bộ phận phân tích của hãng Chứng khoán Maybank, với hạn mức mới, EU sẽ áp dụng mức giới hạn 15% đối với thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Việt Nam, do đó các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chỉ có thể xuất khẩu khoảng 140.000 tấn thép HRC/quý tương đương 560.000 tấn/năm mà không phải chịu thêm thuế quan. Trong năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,16 triệu tấn thép HRC sang EU.
Các doanh nghiệp xuất khẩu thép HRC lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Tập đoàn Hoà Phát (mã cổ phiếu HPG) và Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Đáng chú ý, Chứng khoán Maybank nhận định, tổng thể chung, Tập đoàn Hoà Phát sẽ chỉ bị ảnh hưởng nhẹ về mặt sản lượng do tập đoàn này đã và đang đa dạng hóa thị trường. Đồng thời, nhu cầu tại thị trường nội địa đang được cải thiện sẽ góp phần bù đắp vào sự suy giảm xuất khẩu sang EU.
Tuy nhiên, giá bán thép HRC trung bình của Tập đoàn Hoà Phát có thể sẽ bị ảnh hưởng do thị trường EU đang có mức giá bán tốt hơn so với thị trường nội địa và các thị trường khác (ngoại trừ thị trường Bắc Mỹ).
Ngược lại, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ như Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG), Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG), Công ty Cổ phần Tôn Đông Á (mã cổ phiếu GDA) sẽ là những đơn vị hưởng lợi từ quyết định trên của EU, theo Chứng khoán Maybank.
Do nguồn cung thép HRC đầu vào có giá thấp hơn vào thị trường EU bị hạn chế, sẽ khiến mặt bằng giá thép HRC tại đây neo cao như hiện nay hoặc làm chậm tốc độ giảm giá bán HRC ở đây so với các quốc gia khác. Từ đó, chênh lệch giá thép HRC giữa các khu vực sẽ gia tăng hơn, thúc đẩy biên lợi nhuận cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam.