Đơn hàng dồi dào trở lại, có cam kết 10 triệu sản phẩm
Tính chung 4 tháng đầu năm nay, doanh thu của Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã cổ phiếu TCM - sàn HoSE) ước đạt 51,7 triệu USD và lợi nhuận sau thuế ước đạt 3,4 triệu USD, lần lượt tăng 8% và 36% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, hoàn thành 35,5% kế hoạch kinh doanh và 54% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.
Trong quý 1/2024, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này cũng ở mức cao nhất trong vòng 6 quý gần nhất, đánh dấu sự đảo chiều quan trọng trong xu hướng kinh doanh. Sự hồi phục của Dệt may Thành Công đồng pha với đà hồi phục của các doanh nghiệp dệt may cùng ngành khác nhờ vào số lượng đơn hàng bắt đầu tăng trở lại.
Ban lãnh đạo Dệt may Thành Công cho biết, tính đến đầu tháng 5/2024, công ty đã nhận khoảng 88% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 2/2024 và khoảng 86% cho quý 3/2024.
Dựa trên tình hình xuất khẩu dệt may năm nay cùng với tình hình tiếp nhận đơn hàng hiện tại, Dệt may Thành Công kỳ vọng triển vọng xuất khẩu trong năm 2024 sẽ khả quan hơn so với năm trước.
Đáng chú ý, vào đầu năm nay, Tập đoàn Eland (Hàn Quốc) - cổ đông lớn của Dệt may Thành Công đã có cam kết đặt hàng 10 triệu sản phẩm may, con số này cao gấp đôi so với năm 2023. Hàn Quốc hiện là một trong những thị trường trọng điểm, chiếm khoảng 17,5% tổng doanh thu của Dệt may Thành Công.
Xét về cấu trúc tài chính, tính đến cuối quý 1/2024, tổng nợ vay của Dệt may Thành Công đã giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 626 tỷ đồng - mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Qua đó, chi phí lãi vay của quý đầu năm chỉ còn vỏn vẹn 7 tỷ đồng.
Cơ cấu tài chính lành mạnh như hiện nay không chỉ giúp Dệt may Thành Công giảm tối đa rủi ro về mặt thanh khoản mà còn giúp cho doanh nghiệp có dư địa lớn để có thể mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong tương lai khi mà ngành dệt may phục hồi hoàn toàn trở lại.
Hưởng lợi giá nguyên vật liệu ở mức thấp và thương vụ M&A chiến lược
Bên cạnh yếu tố đơn hàng, sự hồi phục kết quả kinh doanh của Dệt may Thành Công còn đến từ việc giá nguyên vật liệu đầu vào chính như bông và sợi tiếp tục neo ở mức thấp. Qua đó, tạo điều kiện để công ty tích trữ nguyên vật liệu giá rẻ, từ đó có thể cải thiện biên lợi nhuận gộp.
Dựa trên điều kiện thị trường hiện tại, hãng Chứng khoán DSC đánh giá, với việc nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thời trang trên toàn cầu chưa hoàn toàn hồi phục mạnh, giá các nguyên liệu đầu vào chính sẽ khó có thể tăng cho đến hết nửa đầu năm nay.
Trong quý 1/2024, biên lợi nhuận gộp của Dệt may Thành Công đã được cải thiện mạnh, thêm 200 điểm cơ bản, lên mức gần 17% và xác lập quý tăng thứ 4 liên tiếp.
Cũng theo Chứng khoán DSC, trong trung và dài hạn, biên lợi nhuận của Dệt may Thành Công tiếp tục được cải thiện khi công ty đã củng cố chuối giá trị khép kín từ sợi cho tới may, điều mà ít doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam có thể làm được.
Cụ thể, Dệt may Thành Công đã hoàn tất thủ tục M&A Công ty TNHH Dệt may SY Vina với giá trị thương vụ 468 tỷ đồng. Qua đó, giúp công ty có được giấy phép nhuộm; đồng thời, mở rộng thêm mặt hàng vải dệt thoi để phục vụ các đơn hàng sản phẩm may có giá trị cao.
Hiện nhà máy SY Vina có công suất hoạt động là 3 triệu mét/năm, và năm 2023 mới thực hiện 1 triệu mét/năm. Đến tháng 3/2024, nhà máy SY Vina đã vận hành công suất 1,5 triệu mét/năm và lợi nhuận hoạt động đã có kết quả dương nhờ đơn hàng 10 triệu chiếc từ Tập đoàn Eland, ông Trần Như Tùng - Chủ tịch HĐQT Dệt May Thành Công chia sẻ.
Chủ tịch Dệt may Thành Công cũng nhấn mạnh, bên cạnh những tương đồng và thuận lợi về chuỗi sản xuất dệt may, tận dụng nguồn khách hàng và lực lượng công nhân sẵn có, vị trí của Nhà máy SY Vina cũng thuận tiện cho giao thông và vận chuyển logistics, giúp công ty tối ưu hóa chi phí trong bối cảnh Dệt may Thành Công cần chuẩn bị cho việc di dời nhà máy hiện nay ra khỏi nội đô TP.Hồ Chí Minh.
Hiện Chứng khoán DSC dự phóng doanh thu thuần năm nay của Dệt may Thành Công có thể tăng 15% so với năm 2023, đạt 3.826 tỷ đồng; và lợi nhuận sau thuế tăng 38%, đạt 184 tỷ đồng.