“Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng”

Chiều 19/10, Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương tổ chức tọa đàm trực tuyến “Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng”.
thanh huyen
Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền nêu rõ: Việt Nam đang hướng tới trở thành quốc gia số hàng đầu khu vực với mong muốn đưa kinh tế số chiếm 20%GDP vào năm 2025. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngành thương mại điện tử giữ vai trò vô cùng quan trọng.

Trong Ấn phẩm Sách Trắng Thương mại điện tử Việt Nam công bố mới đây, Bộ Công Thương cho biết, bất chấp dịch Covid - 19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ, ngành thương mại điện tử vẫn tăng trưởng 16%, doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD trong năm 2021 và dự báo sẽ chạm mốc 39 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 trong ASEAN, sau Indonesia. 

Ước tính, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở nước ta trong năm nay có thể chạm ngưỡng 60 triệu người. Thương mại điện tử một mặt giúp người tiêu dùng mua bán nhanh chóng, dễ dàng, thuận lợi hơn song cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Có thể kể đến những rủi ro như: bị lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản; bị lừa đảo, hoặc mua phải hàng giả, hàng nhái; hoặc bị từ chối, kéo dài thời gian giải quyết khi có khiếu nại…

Theo số liệu của Bộ Công Thương, các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng tăng nhanh cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng: khoảng 1.500 vụ mỗi năm trong giai đoạn 2016 – 2020, cũng là khoảng thời gian phát triển bùng nổ thương mại điện tử. Trong khi đó, chính sách pháp luật hiện hành, cụ thể là Luật Bảo vệ người tiêu dùng ban hành 12 năm trước, đang thiếu vắng những quy định phù hợp với những mô hình kinh doanh có yếu tố mới, trong điều kiện chuyển đổi số. Nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện nhưng chưa được điều chỉnh.

trinh xuan an
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An

Nhằm hoàn thiện khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn, đặc biệt là trong môi trường thương mại điện tử, trên không gian mạng, Chính phủ đã đề xuất và được Quốc hội nhất trí đưa dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Dự kiến, dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư, khai mạc vào ngày 20/10 tới và xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ Năm vào tháng 5/2023.

Trong bối cảnh như vậy, báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm “Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng” với mong muốn được ghi nhận những đề xuất, góp ý về mặt chính sách để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn, hiệu quả hơn. “Đây chắc chắn sẽ là nguồn thông tin tham khảo tin cậy và hữu ích đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (sửa đổi)”, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền tin tưởng.

trinh anh tuan
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, cho biết: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng hiện vẫn còn là một vấn đề mới đối với Việt Nam.

Về mặt chính sách đã được quy định rải rác ở một số văn bản pháp luật và tập trung chủ yếu vào lĩnh vực thương mại điện tử, như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các luật chuyên ngành, đặc biệt là Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử; Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP; Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 17/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP và sửa đổi một số Nghị định liên quan.

Trên thực tế, ông Tuấn nhấn mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là công tác được thực hiện thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, vào mùa cao điểm mua sắm cuối năm, hay trong bối cảnh dịch bệnh, vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn được chú trọng tập trung và đẩy mạnh nhằm ngăn chặn, hạn chế các hành vi lợi dụng thời điểm cuối năm, hay đại dịch Covid-19 để xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Trong thời gian qua, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng nói riêng. Theo đó, Cục đã đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức ký cam kết với các sàn thương mại điện tử, để trong trường hợp người tiêu dùng có khiếu nại thì các sàn giao dịch điện tử phải tiếp nhận và công bố minh bạch các quy trình tiếp nhận và xử lý khiếu nại của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động phối hợp với các lực lượng chuyên ngành trong lĩnh vực thương mại, quản lý chất lượng, an toàn sản phẩm, như lực lượng quản lý thị trường, thương mại điện tử,... để tăng cường hoạt động chia sẻ thông tin, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng….

lai viet anh
Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương

 

Tuy vậy, theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, cùng với sự mở rộng của thị trường thương mại điện tử (dự kiến đến năm 2025, thị trường này đạt 57 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm hàng đầu khu vực, vượt xa quy mô thị trường năm 2021 là 13,7 tỷ USD), những hành vi vi phạm sẽ ngày càng đa dạng và càng nhiều lên.

Do vậy, các đại biểu cho rằng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng là rất cần thiết.

Hiện, dự thảo Luật đã bổ sung một chương mới quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với người tiêu dùng. Theo đó, giao dịch từ xa bao gồm giao dịch được thực hiện trên không gian mạng, là một trong 3 loại hình quan trọng thuộc giao dịch đặc thù.

Điểm đáng lưu ý là Dự thảo đã bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng. Cụ thể, Dự thảo đã tập trung quy định rõ trách nhiệm của 02 chủ thể là 1. “Tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hệ thống thông tin tự mình thiết lập hoặc thông qua các nền tảng số”; và 2. “Tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số”.

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng thảo luận làm rõ các nội dung, như: Bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng trên không gian mạng theo kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tế áp dụng tại doanh nghiệp; đề xuất các giải pháp để hoàn thiện dự án Luật nhằm bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn trên không gian mạng.

tich phuoc
Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại, Ví điện tử MoMo Đoàn Tử Tích Phước

Ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại, Ví điện tử MoMo Đoàn Tử Tích Phước biết, ý thức được là một trong những đơn vị cung cấp các dịch vụ tài chính, kể từ năm 2016, công tác bảo vệ dữ liệu người tiêu dùng của MoMo đã được áp dụng theo chuẩn cao nhất đối với các dịch vụ tài chính. MoMo không chỉ bảo vệ người dùng trong một vài giao dịch mua bán cụ thể mà bảo vệ cả nguồn tiền, tài khoản, tức là nguồn tiền dự trữ, dữ liệu cá nhân của họ.

Theo đó, người tiêu dùng được bảo vệ bằng xác thực hai bước: bởi mật khẩu và bởi OTP cho mỗi giao dịch. Đối với OTP, áp dụng không phải bằng tin nhắn mà thông qua cuộc gọi, tính an toàn sẽ cao hơn.

Đối với mật khẩu, bên cạnh nhập thông qua thiết bị, chúng tôi cũng ứng dụng công nghệ mới như nhận dạng sinh trắc học, mống mắt, khuôn mặt, vân tay để bảo mật tốt hơn. Bên cạnh đó, MoMo cũng sử dụng những công nghệ mới để phân tích hành vi, phát hiện những yếu tố đáng ngờ để đưa ra những cảnh báo và bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn. Thời gian tới, MoMo sẽ tiếp tục hoàn thiện để tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ người dùng, ông Phước chia sẻ.

dinh ta thi
Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi

Góp ý trực tiếp vào dự thảo Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho rằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng là một vấn đề hết sức mới mẻ ở Việt Nam và kể cả trên thế giới. Vì vậy, việc thiết kế, xây dựng dự thảo luật lần này muốn bảo đảm tính khả thi đòi hỏi cần phải tiếp tục tổng kết, đánh giá từ thực tiễn của Việt Nam, chắt lọc bài học kinh nghiệm của quốc tế để đưa ra được những quy định phù hợp, vừa giải quyết các vấn đề cấp bách vừa bảo đảm tính bền vững, lâu dài.

“Hiện, chúng ta chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng. Do vậy, việc dự thảo có hẳn một chương riêng quy định bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, bao gồm không gian mạng, là rất cần thiết. Đây là vấn đề phức tạp, cần nghiên cứu kỹ và cần có quy định chi tiết”, ông Thi lưu ý.

Nghiêm Lan