Hoàn thiện pháp luật về hòa giải thương mại tại Việt Nam

Hoàn thiện pháp luật về hòa giải thương mại tại Việt Nam do Trần Khánh Linh (Sinh viên Khóa 46, Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội) thực hiện

TÓM TẮT:

Để giải quyết tranh chấp, hòa giải thương mại là một trong các phương thức phổ biến được các bên tin tưởng lựa chọn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, pháp luật về hòa giải thương mại nhìn chung còn chưa đầy đủ, tồn tại nhiều hạn chế. Bài viết này sẽ tập trung phân tích một số điểm cần khắc phục của pháp luật và đề xuất một số kiến nghị để hoàn thiện pháp luật.

Từ khóa: tranh chấp thương mại, hòa giải thương mại, hòa giải viên, trung tâm hòa giải, pháp luật.

1. Đặt vấn đề

Theo Khoản 2, Điều 317, Luật Thương mại 2005, hòa giải thương mại là một trong các hình thức giải quyết tranh chấp trong thương mại được pháp luật công nhận. Theo thống kê của Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC), năm 2021, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, chỉ riêng Trung tâm đã tiếp nhận mới tổng cộng 10 vụ việc hòa giải, trong đó số vụ tranh chấp trong nước chiếm 50% và tranh chấp có yếu tố nước ngoài là 50%; tổng giá trị các vụ tranh chấp lên tới 356 tỷ đồng. Còn năm 2023, Trung tâm này đã tiếp nhận tổng cộng 3 vụ việc hòa giải (nâng tổng số vụ tiếp nhận giai đoạn 2018 - 2023 lên 39 vụ), trong đó số vụ tranh chấp trong nước chiếm 74,3% và tranh chấp có yếu tố nước ngoài là 25,7%. Có thể thấy, nhu cầu về giải quyết tranh chấp về hòa giải thương mại vẫn luôn tồn tại trong đời sống kinh tế, kinh doanh và thương mại. Tuy nhiên, so với các hình thức giải quyết tranh chấp khác như Tố tụng trọng tài, Tố tụng tại tòa án,… đã có Bộ luật, Luật điều chỉnh riêng biệt, thì hòa giải thương mại tại Việt Nam vẫn chỉ được điều chỉnh bằng Nghị định số 22/2017/NĐ-CP và không có bất kỳ văn bản sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn chi tiết nào khác về các nội dung pháp luật hòa giải thương mại trong suốt thời gian vừa qua. Thực tế này đã dẫn tới tình trạng tuy hòa giải thương mại là một hình thức giải quyết tranh chấp được pháp luật thương mại công nhận, tồn tại nhu cầu trong thực tiễn, song do pháp luật còn nhiều “điểm mờ”, tồn tại, hạn chế, do đó các bên trong các tranh chấp thương mại vẫn còn nhiều lo ngại, dè chừng khi lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp này. Đối với các vụ việc đã giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, cũng phát sinh nhiều hậu quả về sau.

2. Khái quát chung về giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải

2.1. Khái niệm, đặc điểm của hòa giải thương mại

Theo một báo cáo từ CEDR (Anh quốc), 75% các vụ hòa giải thương mại quốc tế đạt được thỏa thuận và tỷ lệ sử dụng hòa giải thương mại trong giải quyết tranh chấp đang có chiều hướng gia tăng tại các quốc gia phát triển1. Tuy nhiên, hiện chưa có một khái niệm chính thức về hòa giải thương mại từ tất cả các góc độ.

Từ góc độ ngôn ngữ pháp lý, theo Từ điển Luật học Black’s Law Dictionary “Hòa giải là một quá trình giải quyết tranh chấp riêng tư, không chính thức, trong đó có một bên trung lập thứ ba, được gọi là hòa giải viên, giúp các bên có tranh chấp đạt được một thỏa thuận chung”2.

Từ góc độ tư pháp quốc tế, theo Khoản 2 Điều 1 Luật mẫu của Ủy ban Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại quốc tế UNCITRAL về hòa giải thương mại quốc tế năm 2021 “Hòa giải theo Quy tắc này là một quá trình, cho dù được đề cập bởi thuật ngữ hòa giải, hòa giải hoặc một cách diễn đạt có ý nghĩa tương tự, theo đó các bên yêu cầu một hoặc nhiều người thứ ba (“hòa giải viên”) để hỗ trợ họ trong nỗ lực đạt được một giải pháp thân thiện tranh chấp của họ. Hòa giải viên không có quyền áp đặt ý chí cho các bên giải quyết tranh chấp.”3

Còn theo định nghĩa của Hội nghị Hiến chương Năng lượng (Energy Charter Coference), hòa giải là “một quá trình trong đó một bên thứ ba trung lập, là hòa giải viên sẽ gặp gỡ các bên tranh chấp và tích cực hỗ trợ họ trong việc đi đến một phương án dựa trên lợi ích kinh tế của họ, đánh giá rủi ro, cân nhắc về chính sách chứ không chỉ là một địa vị pháp lý của các bên”4.

Từ góc độ pháp luật Việt Nam, theo Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại “Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này”.

2.2. Hòa giải thương mại có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, về tính chất, hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp mang tính tự nguyện, linh hoạt và có độ bảo mật cao. Việc tham gia vào quá trình hòa giải thương mại hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí tự quyết của các bên trong tranh chấp. Đồng thời, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại có tính linh hoạt, mềm dẻo, có thể tạo điều kiện cho các bên chủ động lựa chọn với mục đích duy nhất là có thể giải quyết dứt điểm tranh chấp với tinh thần thiện chí, hòa đồng5.

Không chỉ vậy, so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác, thì hòa giải thương mại là một phương thức giải quyết tranh cấp có tính riêng tư và bảo mật cao. Các bên có quyền lựa chọn địa điểm, thời gian hòa giải; quy trình, thủ tục áp dụng đối với buổi hòa giải; yêu cầu các bên tham gia hòa giải ký cam kết bắt buộc phải giữ bí mật các thông tin liên quan đến quá trình giải quyết tranh chấp.

Thứ hai, chủ thể trung tâm của hòa giải thương mại là các bên tham gia tranh chấp. Khi các bên tiến hành hòa giải, kết quả hòa giải thành hoặc không thành đều phụ thuộc vào ý chí của các bên. Hòa giải viên sẽ giữ vai trò trung lập, không can thiệp vào việc đưa ra quyết định của các bên tranh chấp, mà chỉ khuyến khích và trợ giúp các bên tìm ra một giải pháp mang tính thực tế mà tất cả các bên liên quan đều có thể chấp nhận sau khi xem xét, nghiên cứu những lợi ích và nhu cầu của họ6.

Thứ ba, về mục đích, các bên tranh chấp tham gia hòa giải không chỉ nhằm giải quyết tranh chấp, mà còn để tiếp tục thực hiện quan hệ pháp luật phát sinh tranh chấp. Bởi so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác hòa giải thương mại là một phương thức đề cao tính tự nguyện, thân thiện trong quá trình giải quyết tranh chấp. Do đó, quá trình hòa giải thương mại thường diễn ra trong môi trường cởi mở, ít áp lực, các bên và hòa giải viên đều nỗ lực tìm ra tiếng nói chung thay vì tìm ra một bên thắng, một bên thua trong vụ tranh chấp. Các bên hòa giải với mong muốn trước mắt là giải quyết tranh chấp, tuy nhiên nguyện vọng sâu xa hơn là có thể tiếp tục quan hệ hợp tác một cách hòa bình và hữu nghị.

Thứ tư, kết quả hòa giải thành không có tính bắt buộc thực hiện. Hòa giải thương mại đề cao sự tự do ý chí, tự nguyện thỏa thuận và tinh thần thiện chí của các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp. Do đó, về nguyên tắc, kết quả hòa giải thành không có tính ràng buộc pháp lý giữa các bên, các bên sau khi hòa giải thành vẫn có thể không thực hiện mà không phải chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý hoặc cưỡng chế thi hành nào. Đặc điểm này cũng là một trong các đặc điểm khiến hiệu quả giải quyết triệt để tranh chấp của phương thức này còn nhiều hạn chế.

3. Thực trạng pháp luật Việt Nam về hoà giải thương mại và một số giải pháp hoàn thiện 

3.1. Thực trạng pháp luật Việt Nam về hòa giải thương mại              

Thứ nhất, quy định về thỏa thuận hoà giải chưa rõ ràng, gây khó khăn cho quá trình tiến hành hoà giải thương mại để giải quyết tranh chấp. Theo khoản 2 Điều 3, Điều 11, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP, “Thỏa thuận hòa giải là thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh bằng phương thức hòa giải” (khoản 2 Điều 3); “1. Thỏa thuận hòa giải có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản hòa giải trong hợp đồng hoặc thỏa thuận riêng; 2. Thỏa thuận hòa giải được xác lập bằng văn bản (Điều 11). Như vậy, dưới góc độ lý luận, thì thỏa thuận hòa giải có tính chất là một giao dịch dân sự, thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên khi tranh chấp phát sinh và khi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại. Do đó, thỏa thuận này phải đáp ứng các điều kiện về chủ thể, hình thức và nội dung để có thể phát sinh hiệu lực khi tranh chấp xảy ra (theo Điều 117, Bộ luật Dân sự 2015). Tuy nhiên, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP lại không có bất kỳ quy định nào về trường hợp thỏa thuận hòa giải vô hiệu, thỏa thuận hòa giải không thực hiện được, gây khó khăn cho các bên tranh chấp có thỏa thuận hòa giải trong thực tiễn khi phát sinh sự kiện, tình huống có khả năng ảnh hưởng đến giá trị, hiệu lực của thỏa thuận. Đồng thời, thực tế, còn xuất hiện tình huống thỏa thuận hòa giải có sự xung đột với thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận chọn Tòa án là nơi giải quyết tranh chấp. Khi mà ngoài việc xác lập thỏa thuận hòa giải, trong cùng một quan hệ pháp luật, các bên đồng thời xác lập thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận Tòa án. Tuy nhiên, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP còn tương đối sơ sài, chưa quy định trường hợp xảy ra xung đột giữa việc thỏa thuận lựa chọn hòa giải thương mại và các phương thức khác; dẫn tới việc giải quyết tranh chấp bị đình trệ, hoặc xảy ra xung đột về thẩm quyền dẫn tới kết quả giải quyết tranh chấp bị vô hiệu.

Ngoài ra, tuy quy định rõ thỏa thuận hòa giải phải được lập bằng văn bản, nhưng Nghị định số 22/2017/NĐ-CP chưa có giải nghĩa cụ thể về các hình thức nào được xem là xác lập thỏa thuận hòa giải bằng văn bản, ví dụ như fax, email, dữ liệu điện tử,… Từ đó, gây khó khăn cho các bên tranh chấp khi lựa chọn được hình thức phù hợp để xây dựng thỏa thuận hòa giải ngoài văn bản “giấy trắng mực đen”, hạn chế khả năng xác lập thỏa thuận hòa giải của các bên, nhất là trong bối cảnh 5.0 hiện nay khi hợp đồng điện tử đã trở thành một xu thế của thời đại. Không chỉ vậy, quy định này cũng đồng thời hạn chế khả năng giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng hòa giải thương mại tại Việt Nam, khi các bên tranh chấp thường có khoảng cách địa lý xa xôi, điều kiện đi lại khó khăn và không có khả năng xác lập thỏa thuận hòa giải trực tiếp thông qua văn bản, giấy tờ truyền thống.

Thứ hai, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP chưa thể hiện được mối quan hệ giữa hòa giải thương mại với các phương thức giải quyết tranh chấp khác như trọng tài, tòa án. Cụ thể, Nghị định này không quy định đến cơ chế hỗ trợ của hai đối tượng nêu trên trong quá trình thu thập chứng cứ, giải quyết tranh chấp; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, triệu tập người làm chứng hoặc chỉ định hòa giải viên tham gia giải quyết tranh chấp. Từ đó, khiến việc giải quyết tranh chấp thông qua hoòa giải thương mại còn thiếu tính thực tiễn và hiệu quả7.

Thứ ba, quy định về tiêu chuẩn hòa giải viên. Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP đã quy định tương đối chi tiết về tiêu chuẩn đối với hòa giải viên, tuy nhiên lại sử dụng các tiêu chuẩn chưa phù hợp.

Một là, phần lớn các tiêu chuẩn vẫn là các tiêu chuẩn định tính như “…có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, độc lập, vô tư, khách quan” và “có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, tập quán kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực liên quan…” dẫn tới việc khó xác định được tiêu chí định lượng, căn cứ cụ thể để lựa chọn và công nhận hòa giải viên thương mại đạt yêu cầu.

Hai là, các tiêu chuẩn định lượng hiện nay còn quy định khá chung chung là “…có trình độ đại học trở lên và đã qua thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 02 năm trở lên”. Việc quy định trình độ học vấn của hòa giải viên thương mại và thời gian công tác là cần thiết, tuy nhiên pháp luật lại không mô tả cụ thể lĩnh vực đào tạo phù hợp với tiêu chuẩn trở thành hòa giải viên thương mại như pháp luật, kinh tế, logistics,… Từ đó, dẫn tới hiểu lầm hòa giải viên không cần đáp ứng yêu cầu bằng cấp liên quan đến lĩnh vực pháp luật, kinh doanh, thương mại cũng có thể trở thành hòa giải viên thương mại, ảnh hưởng sâu sắc tới chất lượng thực hiện của hình thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại khi đa phần tranh chấp phát sinh từ lĩnh vực kinh doanh, thương mại.

Trong khi đó, tại Úc, theo Hệ thống cấp phép hòa giải viên quốc gia, National Mediator Accreditation System - NMAS), tiêu chuẩn hòa giải viên được thực hiện quản lý nghiêm ngặt và được xây dựng dựa trên các quy định pháp lý, bộ tiêu chuẩn về kiến thức, kỹ năng để đủ điều kiện được cấp phép trở thành hòa giải viên. Cụ thể, để được công nhận, người nộp đơn phải có tư cách tốt, có phẩm chất phù hợp và đủ kinh nghiệm; đồng thời cung cấp tài liệu tham khảo từ hai thành viên thuộc tổ chức biết họ trong 3 năm và cho biết là họ có trình độ, kiến thức và kỹ năng thành thạo; tiết lộ về một số vấn đề như tiền án hình sự của bản thân và các vấn đề có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện nghĩa vụ của họ… Đồng thời trước khi được cơ quan công nhận và cấp phép cho hòa giải viên (Recognised Mediator Accreditation Bodies - RMAB) thuộc NMAS thực hiện việc cấp phép cho hòa giải viên theo Bộ iêu chuẩn công nhận và thực hành, ứng viên còn phải hoàn thành khóa đào tạo bắt buộc theo yêu cầu của NMAS hoặc khóa đào tạo hòa giải viên ít nhất có trình độ tương đương (Australian National mediator accreditation system (NMAS). Các quy định này tạo điều kiện cho hòa giải viên thương mại có thể trang bị đầy đủ kiến thức, kĩ năng và trình độ, sẵn sàng tham gia vào việc tiến hành hòa giải thương mại và thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp nhanh chóng và triệt để.

Thứ tư, về quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên. Có thể nói, khoản 1 Điều 9 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP, quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên đã được đề cập tương đối bao quát. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan trong hoạt động nghề nghiệp của hòa giải viên, pháp luật cần tiếp tục bổ sung thêm quy định về nhóm đối tượng là người thân thích của các bên tranh chấp (hoặc của người đại diện) hoặc người khác mà có cơ sở xác định họ khó có thể thiếu khách quan khi giải quyết tranh chấp (ví dụ như, họ là thành viên của doanh nghiệp có tranh chấp, luật sư từng bảo vệ quyền lợi cho một bên tranh chấp…)8 sẽ không có quyền trở thành hòa giải viên và có nghĩa vụ chủ động báo cáo và xin rút khỏi quá trình giải quyết tranh chấp hoặc phải đối diện với các trách nhiệm pháp lý.

Thứ năm, về vấn đề thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại. Hiện nay, tại Nghị định số 22/2017/NĐ-CP chưa có bất kỳ quy định nào về vấn đề này. Điều này đặt ra sự khó khăn cho các bên trong trường hợp hòa giải không thành, hoặc tranh chấp xảy ra kéo dài, thì thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp sẽ được tính như thế nào; thời gian hòa giải thương mại có được tính vào thời hiệu khởi kiện để yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Trọng tài hoặc Tòa án không.

Thứ sáu, về chứng cứ trong hòa giải thương mại. Nghị định số 22/2017/NĐ-CP cũng chưa có quy định về tài liệu, chứng cứ có thể được chấp nhận trong hòa giải thương mại, khiến cho việc thực hiện hòa giải gặp nhiều khó khăn khi hòa giải viên thương mại không có cơ sở để chấp nhận hoặc không chấp nhận các tài liệu, chứng cứ được các bên xuất trình trong quá trình hòa giải. Từ đó, việc công nhận chứng cứ, tài liệu hợp lệ trong quá trình giải quyết tranh chấp hoặc sẽ phụ thuộc vào quan điểm của các hòa giải viên thương mại trong vụ việc đó, hoặc sẽ phụ thuộc vào quan điểm áp dụng tương tự pháp luật các văn bản pháp luật về tố tụng khác, điển hình là Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Trong khi đó, tính chất của hai hình thức giải quyết tranh chấp này hoàn toàn khác nhau. 

3.2. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về hòa giải thương mại

Thứ nhất, về thỏa thuận hòa giải, cần bổ sung quy định cụ thể, chính xác hơn về các trường hợp thỏa thuận hòa giải vô hiệu theo Điều 117, Bộ luật Dân sự 2015; thỏa thuận hòa giải không thực hiện được như tổ chức hòa giải phá sản, giải thể, hoặc hòa giải viên không thể tham gia hòa giải theo chỉ định của các bên tranh chấp;…, hướng dẫn chi tiết hơn về các điều kiện liên quan đến hình thức xác lập thỏa thuận, công nhận thỏa thuận hòa giải có hiệu lực.

Đồng thời, cần bổ sung quy định về cơ chế hỗ trợ, mối quan hệ giữa ba bên Hòa giải thương mại - Trọng tài - Tòa án trong quá trình giải quyết tranh chấp, nhằm tránh tình trạng xung đột về thẩm quyền và tăng tính hỗ trợ của các chủ thể, tổ chức, cơ quan liên quan. Thực tế các trung tâm hòa giải uy tín tại Việt Nam như VMC, MCAC,… đều có liên kết với các trung tâm trọng tài như VIAC, MCAC,… Do đó, việc khuyến khích quy định hỗ trợ giữa Trọng tài và Hòa giải trong quá trình giải quyết tranh chấp như: Hỗ trợ về việc lựa chọn Hòa giải viên, kỹ năng hòa giải, cơ sở, phương tiện phục vụ cho nhu cầu hòa giải... là khả thi. Đồng thời, thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020: “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; Tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”, pháp luật về hòa giải thương mại cần tăng cường hơn nữa vai trò của Tòa án trong giải quyết các xung đột về thẩm quyền, công nhận và cho thi hành kết quả hòa giải thành9. Từ đó, nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, hỗ trợ phương thức này có thể góp phần nhiều hơn vào thành công giải quyết tranh chấp tại Việt Nam.

Thứ hai, về tiêu chuẩn đối với hòa giải viên thương mại, pháp luật cần quy định một bộ tiêu chuẩn cụ thể, chi tiết hơn. Tiêu chuẩn này bao gồm trình độ từ cao học trở lên trong một trong các lĩnh vực đào tạo như pháp luật, khoa học - công nghệ, kinh tế, nhân sự,… hoặc các lĩnh vực liên quan trực tiếp tới lĩnh vực tranh chấp cần hòa giải thương mại; kinh nghiệm công tác tại các tổ chức hòa giải từ 01 năm trở lên; trải qua các chương trình đào tạo ngắn hạn về hòa giải thương mại của các tổ chức hòa giải hợp pháp. Từ đó, nâng cao chất lượng của hòa giải viên thương mại cả về kiến thức và kỹ năng.

Thứ ba, về quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên, cần bổ sung cụ thể quy định về các trường hợp không được trở thành hòa giải viên thương mại trong vụ tranh chấp cụ thể, quyền và nghĩa vụ liên quan của các hòa giải viên thương mại trong trường hợp đó. Từ đó, góp phần đảm bảo tính khách quan, minh bạch, vô tư và liêm chính của quá trình hòa giải.

Thứ tư, về vấn đề thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại. Nghị định số 22/2017/NĐ-CP và các văn bản pháp luật trong tương lai cần bổ sung quy định về nội dung này theo hướng quy định rõ thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng hòa giải; có hay không tính cộng dồn thời gian giải quyết tranh chấp bằng hòa giải vào thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài hoặc Tòa án.

Thứ năm, pháp luật về hòa giải thương mại cần bổ sung quy định về các tài liệu, chứng cứ được cung cấp cho quá trình tiền hòa giải, trong hòa giải thương mại để xác định thẩm quyền của hòa giải viên thương mại, khả năng áp dụng cơ chế hòa giải thương mại để giải quyết tranh chấp và tài liệu, chứng cứ phục vụ cho quá trình hòa giải giữa các bên.

4. Kết luận

Quy định pháp luật về hòa giải thương mại tại Việt Nam thời gian qua vẫn còn tương đối sơ sài, chưa được đánh giá đúng về tầm quan trọng và quan tâm đầu tư kĩ lưỡng. Trong bối cảnh mục tiêu tới năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, sự phát triển của nền kinh tế nói chung và các hoạt động kinh doanh, thương mại nói riêng là “cốt lõi” và “xương sống”. Do đó, pháp luật về hòa giải thương mại cũng cần được tích cực hoàn thiện, bổ sung khẩn trương, để đảm bảo cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh, hoạt động thương mại có một môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, bền vững, đảm bảo kể cả khi phát sinh tranh chấp.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

1Centre for Effective Dispute Resolution, CEDR Mediation Audit 2023 (9th Mediation Audit)

2Black’s Law Dictionary (11th version, 2019), nguyên văn “A method of nonbinding dispute resolution involving a neutral third party who tries to help the disputing parties reach a mutually agreeable solution.”

3UNCITRAL Mediation Rules (2021), Tr. 1, nguyên văn “Mediation under the Rules is a process, whether referred to by the term mediation, conciliation or an expression of similar import, whereby parties request a third person or persons (“the mediator”) to assist them in their attempt to reach an amicable settlement of their dispute. The mediator shall not have the authority to impose upon the parties a solution to the dispute.”

4Energy Charter Conference, Guide on Investment Mediation, nguyên văn: “Mediation is a process in which a neutral third party, a mediator, meets with the disputing parties and actively assists them in reaching a settlement based on their business interests and risks assessments or policy considerations and not only their legal positions”

5Lê Hương Giang (2019) Pháp luật về hòa giải thương mại ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế - Luận án Tiến sĩ Luật học, Thư viện Trường Đại học Luật Hà Nội, tr.51

6Nguyễn Ngọc Bích (2022), Pháp luật về hòa giải thương mại ở Việt Nam - Thực trạng và kiến nghị hoàn thiện - Luận văn thạc sĩ Luật học, Thư viện Trường Đại học Luật Hà Nội, tr.12

7Đặng Thế Hùng (2024), Hoàn thiện khung pháp luật về hòa giải thương mại của Việt Nam đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, Tạp chí Tòa án, <https://tapchitoaan.vn/hoan-thien-khung-phap-luat-ve-hoa-giai-thuong-mai-cua-viet-nam11832.html>

8Phan Hồng Hải (2023), Hòa giải thương mại theo Nghị định số 22/2017/NĐ-CP - Một số vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, <https://danchuphapluat.vn/hoa-giai-thuong-mai-theo-nghi-dinh-so-22-2017-nd-cp-mot-so-vuong-mac-va-kien-nghi-hoan-thien>

9Đặng Thế Hùng (2024), Hoàn thiện khung pháp luật về hòa giải thương mại của Việt Nam đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, Tạp chí Tòa án, <https://tapchitoaan.vn/hoan-thien-khung-phap-luat-ve-hoa-giai-thuong-mai-cua-viet-nam11832.html>

ENHANCING THE LEGAL FRAMEWORK

FOR COMMERCIAL MEDIATION IN VIETNAM

• TRAN KHANH LINH

Student, Faculty of Economic Law, Hanoi Law University

ABSTRACT:

Commercial mediation is a widely trusted and preferred method for resolving disputes. However, in Vietnam, the legal framework governing commercial mediation remains incomplete and faces several limitations. This study analyzes key shortcomings in the existing legal provisions and offers recommendations for improving the legal framework to enhance the effectiveness and reliability of commercial mediation in Vietnam.

Keywords: commercial disputes, commercial mediation, meditatior, mediation center, law.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25 tháng 12 năm 2024]

Tạp chí Công Thương