Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã cổ phiếu HAG - sàn HoSE) vừa cho biết, công ty đang đón hàng chục đoàn thương lái và đối tác đến thăm và hỏi mua sầu riêng tại vườn mỗi ngày.
Hiện các vườn sầu riêng của Hoàng Anh Gia Lai đều cho trái “nghịch vụ” với sầu riêng trồng ở Việt Nam sẽ cho thu hoạch vào tháng 7 - tháng 9, trồng ở Lào sẽ cho thu hoạch vào tháng 10 - tháng 11.
Tính đến cuối năm 2023, Hoàng Anh Gia Lai đang có 1.500 ha sầu riêng ở Việt Nam và Lào. Trong đó, diện tích trồng sầu riêng tại Lào là 1.200 ha, bao gồm 1.000 ha trồng giống Monthong và 200 ha trồng giống Musang-king có giá trị cao. Qua đó, trở thành một trong những doanh nghiệp trực tiếp sở hữu vườn sầu riêng lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Năm nay, Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục mở rộng diện tích trồng sầu riêng lên hơn 1.970 ha, gần hoàn thành kế hoạch mở rộng lên 2.000 ha như đã đề ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 vừa qua.
Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai cho biết với vụ năm nay, công ty chưa chốt giá bán. Với lợi thế “nghịch vụ”, giá sầu riêng của Hoàng Anh Gia Lai thường có giá bán cao hơn mặt bằng chung. Năm nay, công ty dự kiến có ít nhất 300 - 400 ha sầu riêng cho thu hoạch, cao gấp 10 lần năm ngoái. Trong đó, 200 - 300 ha sầu riêng tại Lào sẽ chính thức cho thu hoạch vụ đầu tiên. Theo đó, tổng sản lượng dự kiến sẽ đạt 800 tấn, cao vượt trội so với năm 2023.
Ông Đoàn Nguyên Đức cũng tiết lộ: "Sầu riêng bên Lào có lợi thế trái mùa tự nhiên, do trồng ở độ cao cao hơn tại Việt Nam, khoảng 1.000 - 1.200 m so với mặt nước biển. Giá bán trái mùa vì thế cũng cao hơn 50%”.
Trước đây, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai từng chia sẻ, tổng giá thành sầu riêng của công ty hiện chỉ khoảng 15.000 đồng/kg và với mức giá bán thông thường sẽ tạo ra biên lợi nhuận gộp lên tới 400%. Với sự thuận lợi từ hoạt động kinh doanh sầu riêng, chuối, và heo, Hoàng Anh Gia Lai tự tin sẽ xoá hết lỗ luỹ kế trong năm 2024 và lợi nhuận kể từ năm nay trở đi sẽ đạt ít nhất 2.000 tỷ đồng/năm.
Để đảm bảo chất lượng, Hoàng Anh Gia Lai đang thuê các chuyên gia Thái Lan và Việt Nam để chăm sóc vườn sầu riêng. Ông Đoàn Nguyên Đức đánh giá sầu riêng là loại cây "khó chiều" và nói về sầu riêng thì Thái Lan đã đi xa hơn rất nhiều so với Việt Nam, nên cần phải học hỏi từ nước này.
Về vấn đề đầu ra, theo Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai, tất cả sầu riêng sẽ được tiêu thụ tại Trung Quốc. Trong đó, các đối tác lớn sẽ trực tiếp đến mua tại vườn và tiêu thụ tại các siêu thị; các đối tác quy mô nhỏ hơn sẽ nhờ thương lái Việt Nam gom mua, đóng gói theo tiêu chuẩn, bán lại, và cũng hướng đến việc đưa vào siêu thị nhằm hưởng mức giá cao hơn.
Nhu cầu về sầu riêng của Trung Quốc đang tăng trưởng ấn tượng trong hai năm trở lại đây. Trong năm 2023, lượng sầu riêng tươi được nước này nhập khẩu đã vượt mức 6,7 tỷ USD, tăng gấp gần 7 lần con số của năm 2017.
“Làn sóng sầu riêng” bùng nổ ở Trung Quốc chủ yếu diễn ra vào nửa sau 2022, khi người tiêu dùng không chỉ xem sầu riêng là một loại trái cây thông thường mà còn là một món quà thể hiện sự giàu có của người tặng.
Sầu riêng tươi tại Trung Quốc đang được bán với giá hơn 10 USD/kg, cao hơn đáng kể so với mức trung bình khoảng 6 USD/kg tại các nước Đông Nam Á. Hiện tại mới chỉ có 3 quốc gia ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc là Thái Lan, Việt Nam, và Philippines.
Trước lo ngại về khả năng sầu riêng "được mùa mất giá" hoặc bị cạnh tranh với Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, ông Đoàn Nguyên Đức đánh giá nhu cầu trường đang rất lớn. Hiện, nguồn cung sầu riêng của các nước Đông Nam Á cho thị trường Trung Quốc mới đáp ứng được 10% dân số nước này.
“Trung Quốc không trồng được sầu riêng vì lạnh. Còn tại Việt Nam, từ đèo Hải Vân trở ra là không trồng được. Việt Nam chỉ có miền Tây, Tây Nguyên, Trung Bộ có khí hậu thích hợp với cây sầu riêng. Nên Trung Quốc nói trồng được sầu riêng là nói vậy thôi. Chưa kể, nếu họ trồng được và trồng từ bây giờ, thì Hoàng Anh Gia Lai đã trồng 4-5 năm rồi. Chúng ta đã đi trước 5 năm.
Về tiêu thụ, phải nhìn nhận rõ là trước đây khoảng 10 năm, Trung Quốc không ăn sầu riêng, Việt Nam cũng thế. Cho đến nay, dù Trung Quốc ăn nhiều nhưng chỉ 50% dân số ăn thôi. Và sầu riêng bên Trung Quốc là loại trái cây rất đắt đỏ, không phải ai cũng ăn được”, ông Đoàn Nguyên Đức phân tích.