Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã cổ phiếu HAG - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 với doanh thu thuần đạt 1.518 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ hoạt động xuất khẩu chuối tăng.
Trong khi đó, giá vốn hàng bán lại giảm tới 19%; giúp lợi nhuận gộp của Hoàng Anh Gia Lai tăng tới 177% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 488 tỷ đồng. Biên lãi gộp theo đó cũng cải thiện mạnh lên mức 32,1%, so với mức 12,2% của quý 2/2023.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh trong kỳ, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận lãi sau thuế 281 tỷ đồng, cao gấp 3,4 lần cùng kỳ năm ngoái mặc dù trong quý này không còn ghi nhận khoản lợi nhuận khác hàng trăm tỷ đồng như quý 2/2023.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Hoàng Anh Gia Lai thu về 2.759 tỷ đồng doanh thu, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng 32%, đạt 507 tỷ đồng. Qua đó, lần lượt hoàn thành 36% mục tiêu doanh thu và 38% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Đáng chú ý, với mức lãi ròng trong nửa đầu năm nay tăng trưởng tích cực, lỗ luỹ kế của Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục được thu hẹp, chỉ còn 904 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 2/2024.
Nếu hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm nay như đã đề ra, 2024 sẽ là năm thứ ba liên tiếp Hoàng Anh Gia Lai cán mốc lợi nhuận nghìn tỷ đồng, tiến sát việc xoá lỗ luỹ kế.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 diễn ra hồi tháng 5/2024, ông Đoàn Nguyễn Đức - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai cho biết, lỗ lũy kế là nỗi ám ảnh của chính bản thân ông khi cổ phiếu HAG liên tục rơi vào diện cảnh báo mấy năm qua vì lỗ luỹ kế.
Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai cũng tự tin khẳng định, việc kiên định theo đuổi mô hình “2 cây, 1 con” - trồng chuối, sầu riêng, và nuôi heo ăn chuối, sẽ giúp công ty xoá hết lỗ luỹ kế trong năm 2024. Qua đó, mở ra giai đoạn tăng trưởng mới cho Hoàng Anh Gia Lai
“Nhiều quỹ lớn chia sẻ với tôi rằng nếu công ty xoá được lỗ luỹ kế thì sẽ có nhiều quỹ đầu tư vào. Chúng tôi không dám đưa vào kế hoạch, nhưng chúng tôi phấn đấu cuối năm nay sẽ xoá được lỗ luỹ kế bằng nhiều cách”, ông Đoàn Nguyễn Đức nói.
Về kế hoạch đầu tư năm nay, Hoàng Anh Gia Lai đang tập trung nguồn lực phát triển mảng trái cây với kế hoạch mở rộng thêm 2.000 ha trồng chuối, nâng diện tích trồng lên 9.000 ha; và phát triển thêm 500 ha trồng sầu riêng nhằm đưa quy mô đạt 2.000 ha. Đồng thời, sẽ bắt đầu áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn.
Tính đến cuối tháng 6/2024, Hoàng Anh Gia Lai đã hoàn thành việc mở rộng diện tích trồng sầu riêng lên mức 1.970 ha, gần đạt mục tiêu cả năm nay.
Ông Đoàn Nguyên Đức kỳ vọng, đến năm 2030, Hoàng Anh Gia Lai sẽ trở thành công ty về nông nghiệp hàng đầu Việt Nam với quy mô vùng trồng cây ăn trái lên đến 30.000 ha vào năm 2030, vươn tầm thành nhà cung ứng sản phẩm nông nghiệp ra toàn khu vực châu Á.
Tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của Hoàng Anh Gia Lai đạt 21.560 tỷ đồng, tăng hơn 600 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu lên tới 9.342 tỷ đồng (chiếm 43,3% tổng tài sản), bao gồm khoản phải thu về cho vay của HAGL Agrico và đơn vị liên quan nhóm này là 1.120 tỷ đồng.
Nợ phải trả của Hoàng Anh Gia Lai ở mức 13.127 tỷ đồng, giảm 1.200 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vay nợ hơn 7.000 tỷ đồng, giảm gần 900 tỷ đồng sau 6 tháng. Chiếm phần lớn trong tổng nợ là nợ trái phiếu tại Ngân hàng BIDV và công ty chứng khoán của ngân hàng này với giá trị hơn 4.000 tỷ đồng.
Với các khoản vay tại ngân hàng, Hoàng Anh Gia Lai giảm vay nợ tại ngân hàng TPBank và ngân hàng Sacombank, ngược lại khoản vay tại ngân hàng LPBank lại tăng từ 750 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 1.500 tỷ đồng.