Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc chỉ đạt 47,4 điểm trong tháng 4/2022. Chỉ số này ở dưới mức 50 điểm cho thấy hoạt động sản xuất chế tạo của Trung Quốc đã suy yếu trong bối cảnh nước này phong toả nghiêm ngặt nhiều khu vực lớn để kiểm soát đại dịch Covid-19 theo chính sách “Không Covid-19” (Zero Covid-19). Chỉ số PMI chính thức của Chính phủ Trung Quốc tập trung vào nhóm doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhà nước.
Hàng chục thành phố lớn của Trung Quốc, bao gồm các trung tâm công nghiệp – kinh tế như Thâm Quyến và Thượng Hải đã bị phong toả hoàn toàn hoặc một phần trong những tháng gần đây. Điều này làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất chế tạo của Trung Quốc, gây tắc nghẽn nghiêm trọng một số cảng container lớn nhất thế giới và khiến các chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứt gãy.
Chuyên gia phân tích cấp cao Zhao Qinghe thuộc NBS cho biết một số doanh nghiệp Trung Quốc đã phải giảm hoặc ngưng hoàn toàn hoạt động sản xuất, nhiều doanh nghiệp cho biết hoạt động vận chuyển gặp nhiều khó khăn và đặc biệt, giá nguyên vật liệu thô vẫn ở mức “tương đối cao”.
Một số nhà phân tích cảnh báo Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế cao khi các biện pháp phong toả nghiêm ngặt khiến hàng trăm triệu người tiêu dùng nước này bị “mắc kẹt” trong nhà và hoạt động sản xuất đình trệ. Các nhà phân tích cho rằng Chính phủ Trung Quốc cần cung cấp nhiều gói kích thích kinh tế quy mô lớn để đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% trong năm nay hoặc sẽ cần phải chấp nhận mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn.
Ngoài các rủi ro liên quan đến đại dịch Covid-19, xung đột quân sự Nga – Ukraine, nền kinh tế Trung Quốc còn đối mặt với sự sụt giảm liên tục trong hoạt động tiêu dùng và đà suy thoái kéo dài của thị trường bất động sản. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý 1/2022 đã tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù con số này cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng 4,4% của các nhà phân tích nhưng các dữ liệu kinh tế của nước này trong tháng 3/2022 đã suy yếu đáng kể, với sự sụt giảm doanh số bán lẻ và tỷ lệ thất nghiệp chạm mức cao nhất kể từ hồi tháng 5/2020.
Giới chức Trung Quốc đã cho biết sẽ có nhiều biện pháp hỗ trợ để củng cố niềm tin tiêu dùng và giải quyết tình trạng thất nghiệp. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng các mục tiêu này sẽ chỉ có thể đạt được khi chính sách “Không Covid-19” được nới lỏng.
Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm hơn 4% trong tháng 4/2022, xác lập mức giảm theo tháng mạnh nhất trong 28 năm trở lại đây trong bối cảnh thị trường chứng khoán nước này phản ứng tiêu cực với các thông tin kinh tế tiêu cực cũng như chịu tác động từ cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine.