Tham gia Hội đồng có PGS.TS. Phạm Văn Thuần - Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục - Chủ tịch Hội đồng; thư ký Hội đồng, TS. Hà Thanh Hương - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo - Giáo dục chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Học viện Quản lý giáo dục; các Phản biện, Ủy viên Hội đồng là các chuyên gia đến từ các Học viện, trường Đại học.
Tham dự buổi đánh giá Luận án, có PGS.TS. Nguyễn Thị Yến Phương và TS. Nguyễn Thị Thanh - Người hướng dẫn khoa học; đại diện cơ sở đào tạo có PGS. TS. Trần Hữu Hoan - Phó Giám đốc Học viện; TS. Đỗ Minh Chiến - Bí thư đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng - nơi NCS đang công tác; các đồng chí đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Lãnh đạo cùng cán bộ một số trường Đại học, Cao đẳng trực thuộc Bộ Công Thương; các nhà khoa học; các đồng nghiệp nơi NCS đang công tác.
Mục đích của luận án là Nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận về phát triển đội ngũ giảng viên các trường Cao đẳng theo tiếp cận năng lực và cơ sở thực tiễn của hoạt động phát triển đội ngũ giảng viên ngành Điện công nghiệp ở các trường Cao đẳng trực thuộc Bộ Công Thương các tỉnh miền Bắc; Đề xuất một số giải pháp phát triển đội ngũ giảng viên ngành Điện công nghiệp ở các trường Cao đẳng trực thuộc Bộ Công Thương các tỉnh miền Bắc theo tiếp cận năng lực nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo tại các trường Cao đẳng trực thuộc Bộ Công Thương các tỉnh miền Bắc đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực ngành Công thương nói chung và nhân lực ngành Điện công nghiệp nói riêng.
Qua quá trình nghiên cứu, luận án của NCS đã đưa ra được 05 giải pháp, gồm:
(1) Tổ chức cụ thể hóa khung năng lực đội ngũ giảng viên ngành Điện công nghiệp và triển khai áp dụng khung năng lực vào các hoạt động phát triển đội ngũ giảng viên ở các trường Cao đẳng trực thuộc Bộ Công Thương các tỉnh miền Bắc;
(2) Tổ chức định kỳ rà soát, bổ sung quy hoạch đội ngũ giảng viên ngành Điện công nghiệp trong các trường Cao đẳng dựa vào năng lực phù hợp với kế hoạch gắn với chiến lược và thực tiễn phát triển của nhà trường;
(3) Phân cấp quản lý thực hiện phát triển đội ngũ giảng viên ngành Điện công nghiệp ở các trường Cao đẳng trực thuộc Bộ Công Thương các tỉnh miền Bắc theo tiếp cận năng lực;
(4) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ giảng viên ngành Điện công nghiệp ở các trường Cao đẳng trực thuộc Bộ Công Thương các tỉnh miền Bắc phù hợp với yêu cầu của khung năng lực;
(5) Tổ chức hoàn thiện và thực hiện các chính sách tạo động lực làm việc để phát huy năng lực của đội ngũ giảng viên ngành Điện công nghiệp ở các trường Cao đẳng trực thuộc Bộ Công Thương các tỉnh miền Bắc.
Kết quả nghiên cứu, NCS đã hoàn thành các nhiệm vụ và đạt được mục đích. Cụ thể, luận án đã xây dựng cơ sở lý luận về phát triển đội ngũ giảng viên ngành Điện công nghiệp tại các trường Cao đẳng thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp; Xây dựng được cơ sở thực tiễn về phát triển đội ngũ giảng viên ngành Điện công nghiệp ở các trường Cao đẳng các tỉnh miền Bắc, trực thuộc Bộ Công Thương, theo tiếp cận năng lực; Xây dựng được 5 giải pháp phát triển đội ngũ giảng viên ngành Điện công nghiệp ở các trường Cao đẳng, các tỉnh miền bắc, trực thuộc Bộ Công thương theo tiếp cận năng lực và có các Khuyến nghị cho Bộ Công Thương, Bộ lao động - Thương binh và Xã hội; Các trường Cao đẳng trực thuộc Bộ Công thương các tỉnh miền Bắc; các đơn vị quản lý giảng viên ngành Điện công nghiệp và với giảng viên ngành Điện công nghiệp.
Các thành viên Hội đồng đánh giá cao các đóng góp của NCS, đề nghị NCS sửa lại một số lỗi về văn phong, chế bản,.. Với 7/7 phiếu thông qua, 3/7 phiếu xuất sắc các thành viên Hội đồng đề nghị Học viện Quản lý giáo dục cấp bằng Tiến sĩ ngành Quản lý giáo dục cho NCS Hoàng Minh Hải.