Hội nghị thường niên ADB: Tin tưởng lạm phát ở Việt Nam giảm từ tháng 5

Chính phủ sẽ cố gắng giữ lạm phát ở mức 11,75%. Các chuyên gia quốc tế cho rằng, lạm phát ở Việt Nam sẽ giảm từ tháng 5.

Thông điệp về nỗ lực kiềm chế lạm phát được đại diện Chính phủ Việt Nam đưa ra tại Hội nghị cấp cao về kinh doanh tại Việt Nam, sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần thứ 44 diễn ra tại Hà Nội ngày 3-5.

Cố gắng giữ lạm phát khoảng 11,75%

Một số chuyên gia bày tỏ lo ngại khi chỉ số CPI của Việt Nam sau 4 tháng lên đến 9,64%, cao hơn cả chỉ tiêu 7% được Quốc hội phê duyệt cho cả năm 2011. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu xác nhận kiềm chế lạm phát đang là mục tiêu rất khó khăn.

Theo ông Giàu, mục tiêu giữ lạm phát 7% được đưa ra khi trên thế giới chưa xảy ra những diễn biến bất thường như giá cả tăng cao, diễn biến phức tạp ở khu vực Bắc Phi và thảm họa sóng thần tại Nhật Bản hồi tháng 3. “Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình để cố gắng giữ được con số xấp xỉ năm 2010 là 11,75%”- Ông Giàu nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cũng cho biết, năm nay mục tiêu hàng đầu là chống lạm phát. “Chúng tôi phấn đấu lạm phát năm nay xấp xỉ năm 2010. Dĩ nhiên những tháng còn lại rất căng thẳng và Chính phủ phải có nhiều nỗ lực. Dự báo tăng trưởng GDP năm nay ước khoảng 6,5%, thấp hơn so với năm 2010”, ông nói.

Không nên sao chép mô hình nước khác

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện cơ sở hạ tầng được coi là chìa khóa để giúp Việt Nam phát triển trong tương lai.

Phó Thủ tướng dẫn chứng việc các tập đoàn lớn thế giới như Intel và Samsung khi mới vào Việt Nam đầu tư khó tìm được lao động có chuyên môn và chất lượng. Sau đó, phía Việt Nam đã rất nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của các đối tác, thậm chí còn tốt hơn cả mức các đối tác mong muốn. Vì vậy, các tập đoàn trên đã đồng ý triển khai tiếp giai đoạn 2 của dự án tại Việt Nam.

“Nguồn lao động có chất lượng chính là một điểm “nghẽn” của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, không phải là năng lực của lao động Việt Nam không tốt mà chỉ vì họ chưa được đào tạo bài bản, và chưa có cơ hội tiếp xúc với những ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao. Thời gian tới Việt Nam sẽ tập trung đầu tư lĩnh vực con người. Trong đó, đầu tư vào nguồn lao động có kỹ năng, và lực lượng quản lý sẽ là những ưu tiên hàng đầu”- Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, giai đoạn 2011 - 2020, Việt Nam đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và cần lượng vốn đầu tư phát triển rất lớn. Riêng trong giai đoạn 2011 - 2015, Việt Nam cần khoảng 300 tỷ USD ưu tiên cho ba lĩnh vực là cơ sở hạ tầng, phát triển con người và hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế.

Đây là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của Việt Nam bên cạnh những bất cập của nền kinh tế như chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, cân đối vĩ mô chưa vững chắc...

Các chuyên gia dự hội nghị cho rằng, nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ (vốn được coi là lợi thế cạnh tranh lớn của Việt Nam) không còn là lợi thế cạnh tranh tuyệt đối nữa. Ngược lại, nó còn trở thành cản trở đối với nhiều tập đoàn nước ngoài do thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao khi Việt Nam đã trở thành nước của thu nhập trung bình.

Giáo sư Kenichi Ohno, chuyên gia kinh tế của ADB cho rằng tăng trưởng của Việt Nam không thể dựa mãi vào FDI và ODA, tài nguyên thiên nhiên, các dự án lớn, đầu tư vào chứng khoán và bất động sản. Nguồn lực thực sự cho tăng trưởng phải là giá trị do người dân và doanh nghiệp trong nước tạo ra.

GS Kenichi cũng chỉ ra 3 điểm bất cập trong hoạch định chính sách của Việt Nam là thiếu cấu trúc chính sách chặt chẽ; phối hợp giữa các bộ kém; ngân sách, nhân lực, khung pháp lý cần thiết cho việc thực hiện không được cung cấp đầy đủ, thiếu sự tham gia của các bên liên quan.

“Việt Nam không nên sao chép chính sách đã áp dụng ở nước khác mà không tính đến bối cảnh trong nước. Những nước đi trước như Singapore cũng từng phải tự xoay sở bằng nỗ lực của chính mình qua những lần thử nghiệm và thất bại mới đưa ra được chính sách phát triển có hiệu quả. Chỉ nên lựa chọn vài chiến lược để tích cực thực hiện”- GS Kenichi khuyến nghị.

Trao đổi với báo chí, ông Ayumi Konishi, Giám đốc ADB tại Việt Nam cho rằng, Nghị quyết 11 của Chính phủ là bộ biện pháp đúng đắn để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế Việt Nam. Song, bất cứ chính sách nào, kể cả đúng, cũng cần có một khoảng thời gian để phát huy và đạt thành công.

Việc kiểm soát chính sách tiền tệ chặt chẽ là cần thiết nhưng cần một độ trễ tác động. “Chúng tôi tin là từ tháng 5, tỷ lệ lạm phát theo tháng của Việt Nam sẽ giảm”, ông nói.