Hội nghị tổng kết công tác khối công thương địa phương năm 2011

Ngày 4 tháng 01 năm 2012, tại trụ sở Bộ Công Thương, Cục Công nghiệp địa phương chủ trì, phối hợp với Vụ Thị trường trong nước tổ chức Hội nghị tổng kết công tác khối công thương địa phương nhằm đánh
Tới dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng; đại diện của các Bộ, ngành Trung ương; đại diện Lãnh đạo của các Cục, Vụ, các Viện, Trường, các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ Công Thương; đại diện lãnh đạo các Hội, Hiệp hội; đại diện Lãnh đạo Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo báo cáo tại Hội nghị, trong năm 2011 tình hình kinh tế có những diễn biến bất lợi ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân. Trong điều kiện phải tập trung kiềm chế lạm phát, giảm mạnh tăng trưởng tín dụng, thắt chặt chi ngân sách nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng liên tục, quý sau cao hơn quý trước, cả năm ước đạt khoảng 6% (GDP quý I tăng 5,43%, quý II tăng 5,67%, quý III tăng 6,11%). Giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá cố định năm 1994 ước đạt 912.551 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ, trong đó khu vực kinh tế nhà nước tăng 3% (Trung ương tăng 3,4 %, địa phương tăng 0,9%), khu vực ngoài nhà nước tăng 15,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,8%. Tổng kinh phí khuyến công năm 2011 được duyệt của cả nước là 158,827 tỷ đồng. Trong đó: kinh phí khuyến công quốc gia là 62,584 tỷ đồng gồm kế hoạch ngân sách năm 2011 được giao 60 tỷ, tiết kiệm theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là 4,5 tỷ đồng và kinh phí năm 2010 chuyển sang là 7,084 tỷ đồng, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ là 96,257 tỷ đồng, tăng 9,61% so với năm 2010.

Trong năm 2011, các Sở Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đáp ứng cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thông qua công tác tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, gặp gỡ giới thiệu cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thực hiện công tác bình ổn thị trường năm 2011 về lượng hàng, giá bán hàng bình ổn, phát triển mạng lưới phân phối và bán hàng lưu động, công tác chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết Nhâm Thìn 2012, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình bình ổn thị trường; Hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành Công Thương.

Các Sở Công Thương cũng đã tập trung chỉ đạo sâu sát và toàn diện trên cơ sở bám sát các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh, thành phố và của Bộ Công Thương cũng như chức năng nhiệm vụ được giao; Chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác để triển khai cụ thể trên từng lĩnh vực quản lý, đồng thời xác định rõ nội dung, tiến độ chi tiết cho từng chương trình, kế hoạch làm căn cứ để triển khai thực hiện.

Các Sở Công Thương đã gắn kết được nhiệm vụ của Ngành từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, kịp thời nắm bắt những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn.



Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại Hội nghị


Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, khuyến công, quản lý thị trường, quản lý điện năng, phát triển hạ tầng thương mại… cũng đã được quan tâm và đạt được nhiều kết quả. Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá; Thị trường và thương mại trong nước tiếp tục phát triển, cung cầu các hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, đáp ứng đủ các nhu cầu về sản xuất và tiêu dùng.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đã biểu dương những nỗ lực của khối công thương địa phương trong việc góp phần bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ năm 2011. Thứ trưởng nhấn mạnh để đạt được các mục tiêu của năm 2012 bên cạnh các giải pháp đã đề ra, các địa phương cần tiếp tục tham mưu, đề xuất đơn giản hóa các thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nhất là các ngành, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu. Thứ trưởng cũng yêu cầu các địa phương phối hợp với các ngành, các cấp tiếp tục thực hiện tốt chương trình bình ổn giá, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và các khu công nghiệp, cụ thể hóa các chính sách khuyến khích, ưu đãi phát triển hạ tầng thương mại, khuyến công, cụm công nghiệp, v.v... Sở Công Thương các tỉnh cần thiết phải xây dựng được mối liên kết vùng, địa phương để tạo nguồn nội lực, cùng nhau vượt khó hoàn thành nhiệm vụ và hướng tới phát triển bền vững.

>>Thái Bình: Kết quả hoạt động sản xuất Công nghiệp, Thương mại năm 2011