Hội nhập và bài toán hiệu suất nền kinh tế

Năm 2014, Việt Nam có những bước tiến mạnh mẽ trong dòng chảy hội nhập kinh tế quốc tế, mà nổi bật là đã kết thúc về cơ bản đàm phán FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA), Hàn Quốc (VKFTA) và Liên minh Hả

TCCT: Thưa Bộ trưởng, năm 2014, công tác đối ngoại của Việt Nam nói chung và ngành Công Thương diễn ra sôi động và rất thành công, Bộ trưởng có thể cho biết rõ hơn về tiến độ đàm phán tham gia các định chế thương mại song phương, đa phương của Việt Nam?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Hội nhập kinh tế quốc tế là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ. Trong 5 năm trở lại đây, sự phát triển của các ngành công nghệ cao, mang đến động lực đổi mới sáng tạo cho tăng trưởng kinh tế chung, và tạo điều kiện tăng trưởng cho các nền kinh tế đang phát triển trên cơ sở dịch chuyển cơ hội phát triển giữa các quốc gia. Do đó, hội nhập kinh tế quốc tế là một điều kiện căn bản để các nước đang phát triển như Việt Nam có thể bắt nhịp, kết nối với dòng chảy đổi mới mô hình tăng trưởng toàn cầu.

Có thể nói, năm 2014 vừa qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt sát sao đối với công tác này. Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ các tháng 2, 3, 6, 7, 9, 10, cũng như trong hai lần làm việc với Bộ Công Thương vào các ngày 10/01 và 02/10/2014, Thủ tướng đã trực tiếp yêu cầu Bộ Công Thương là đơn vị đầu mối, chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan thúc đẩy hoạt động hội nhập kinh tế trên ba nội dung trọng tâm:

1. Thúc đẩy kết thúc đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam với Liên minh Châu Âu, Hàn Quốc, Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan vào cuối năm 2014, sớm ký kết FTA với các đối tác khác để mở thêm thị trường cho những sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh của nước ta;

2. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến về các FTA mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập hoặc đang trong quá trình đàm phán để các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp và người dân chủ động khai thác có hiệu quả;

3. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng các thị trường xuất khẩu tiềm năng, bảo đảm không phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, một đối tác.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan đầu mối, đã cùng các bộ, ngành tham gia nhiều sự kiện quốc tế quan trọng, các hiệp định khu vực thương mại tự do FTA, tăng cường trao đổi hợp tác trong khối ASEAN, APEC, WTO và các tổ chức quốc tế khác.

Nổi bật nhất là trong những tháng cuối năm 2014, được sự đồng ý của Lãnh đạo cấp cao các Bên, Việt Nam đã lần lượt kết thúc về cơ bản đàm phán FTA với Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hàn Quốc (VKFTA) và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan (VCUFTA).

Đây là các hiệp định FTA thế hệ mới toàn diện, từ thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, thương mại dịch vụ, đầu tư đến phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, sở hữu trí tuệ, thể chế và pháp lý... Các hiệp định này sẽ được các bên tiếp tục hoàn thiện về mặt kỹ thuật và hoàn tất các thủ tục nội bộ cần thiết để chính thức ký kết trong nửa đầu năm 2015.

TCCT: Từ cương vị là người đứng đầu ngành Công Thương, xin Bộ trưởng cho biết đánh giá về tác động của những hiệp định này đối với nền kinh tế và hoạt động xuất khẩu nước ta?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Có thể nói ngắn gọn lại là cả 3 Hiệp định này khi đi vào thực thi sẽ tạo cơ hội đối với các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, có lợi thế của nước ta, như cà phê, ca cao, hạt điều, tôm, cá, hoa quả nhiệt đới và hàng công nghiệp như dệt, may, da giày, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí…

Chẳng hạn, tôm là 1 trong 2 mặt hàng thủy sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang Hàn Quốc, chiếm trên 33% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này, nhưng hiện đang phải cạnh tranh với các nước ASEAN khác có năng lực xuất khẩu cao về mặt hàng này như Thái Lan, In-đô-nê-xia để giành được một phần trong tổng hạn ngạch 5.000 tấn dành cho 10 nước ASEAN theo Hiệp định AKFTA. Nhưng ngay khi Hiệp định VKFTA có hiệu lực, ngoài hạn ngạch dành cho ASEAN nêu trên, riêng Việt Nam sẽ được quyền xuất khẩu miễn thuế thêm 10.000 tấn tôm mỗi năm, và tăng dần 10%/ năm đến khi đạt mức 15.000 tấn/năm sau 5 năm. Bên cạnh đó, Hiệp định VKFTA cho phép nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được cắt giảm thuế sâu hơn và nhanh hơn so với AKFTA, đặc biệt những dòng thuế thuộc nhóm nhạy cảm và nhạy cảm cao của Hàn Quốc như nông sản, thủy sản.

Không chỉ tạo thuận lợi cho dòng chảy ngoại thương, các FTA còn góp phần thu hút đầu tư, cải tiến công nghệ và năng lực sáng tạo, từ đó làm tăng hiệu suất cho các ngành sản xuất trong nước; giúp cơ cấu kinh tế chuyển mạnh từ tăng trưởng chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, năng suất lao động và giá trị gia tăng của hàng hóa.

TCCT: Bộ trưởng có thể nói rõ thêm về “tăng hiệu suất cho các ngành sản xuất” đối với các FTA Việt Nam đã ký kết và khai thác?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Hiện Việt Nam đã ký kết và thực hiện 8 FTA song phương và đa phương, bao gồm: Hiệp định thương mại tự do trong khối ASEAN (ATIGA), ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Australia - New Zealand, ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Ấn Độ, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chi Lê.

Theo đánh giá, sản xuất của một số nhóm ngành công nghiệp chế biến có mức tăng trưởng cao, tập trung ở các ngành có thị trường xuất khẩu ổn định, tỷ trọng lớn như: dệt may, da giầy, sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học... đã góp phần đáng kể vào mức tăng 7,6% chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2014, cao hơn nhiều so với 5,9% của năm 2013. Điều này cho thấy công tác phát triển thị trường ngoài nước, trong đó có việc khai thác thị trường FTA rất quan trọng, đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất.

TCCT: Như vậy nghĩa là cơ hội ở các thị trường FTA đã được tận dụng tốt, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Chúng ta đã nắm bắt được cơ hội phát triển xuất khẩu hàng hóa. Kim ngạch xuất khẩu sử dụng các chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi ngày càng tăng, ước cả năm 2014 khoảng 30 tỷ USD, tăng trên 90% so với 2013, bằng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, và xấp xỉ một nửa kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường FTA.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa tận dụng triệt để các cam kết FTA. Một phần do doanh nghiệp không cập nhật được hoặc không nắm được lộ trình xóa bỏ thuế quan trong các FTA, do chưa đáp ứng được tiêu chí xuất xứ, và do chưa có sự đầu tư công nghệ cần thiết để vượt qua các rào cản kỹ thuật.

Nhằm khai thác có hiệu quả hơn, bên cạnh việc phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhà sản xuất, xuất khẩu các cam kết, lộ trình FTA, các loại rào cản của từng thị trường nhập khẩu, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều giải pháp mang tính nền tảng “cơ sở hạ tầng” cho doanh nghiệp. Như trong Chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương do Bộ Công Thương trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đưa ra các nội dung để giải quyết các bài toán về xuất xứ, công nghệ, xây dựng thương hiệu, nhất là với các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực.

TCCT: Thưa Bộ trưởng, với quy mô và tiềm lực hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ứng phó thế nào với sức ép mở cửa thị trường từ các FTA?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Trong đàm phán FTA, chúng ta đưa ra được những phương án cân bằng lợi ích hai bên, và việc mở thị trường cho đối tác không gây sức ép quá mức đến doanh nghiệp và sản xuất trong nước. Như trong 3 FTA với EU, Liên minh Hải quan và Hàn Quốc nói trên, chúng ta dành thuận lợi cho các đối tác với các nhóm hàng công nghiệp như máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, phụ tùng ôtô, điện gia dụng, sản phẩm sắt thép, dây cáp điện… Về cơ bản, việc nhập khẩu các hàng hóa này không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam, mà còn góp phần đảm bảo cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, vừa làm đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào một vài nước.

Tuy nhiên, vẫn sẽ có những nhóm hàng, mặt hàng mà doanh nghiệp trong nước sẽ cạnh tranh với doanh nghiệp đối tác FTA. Để giúp doanh nghiệp phát triển thuận lợi trong môi trường thương mại mở, trong Quyết định số 9307/QĐ-BCT ngày 16/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Chương trình hành động của Bộ Công Thương triển khai Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới có nhiều nội dung liên quan đến nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp, hàng hóa và dịch vụ, trong đó có những đề án về phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển ngành công nghiệp máy nông nghiệp, phát triển thương mại điện tử, chương trình khuyến công quốc gia, hiện đại hóa hệ thống đào tạo kỹ năng nghề cho hoạt động sản xuất, chế tạo công nghiệp…

Mới đây, trong Quyết định số 65/QĐ-BCT ngày 6/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ cũng đề ra một loạt các giải pháp về hạ tầng thương mại, hệ thống phân phối, nâng cao tỷ trọng sản xuất hàng xuất khẩu từ nguyên liệu trong nước, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, các hình thức hợp tác, liên kết phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản xuất và tiêu thụ… với mục tiêu cuối cùng là tạo ra một môi trường thương mại thuận lợi và công bằng, trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ cân nhắc, phân bổ nguồn lực của mình vào nơi có hiệu quả nhất.

TCCT: Như vậy, mấu chốt của hiệu suất nền kinh tế trong môi trường thương mại mở vẫn là doanh nghiệp, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Cơ quan hoạch định chính sách là người luôn cố gắng tạo ra đường truyền “băng thông rộng”, còn hiệu suất đường truyền đến đâu chủ yếu do doanh nghiệp quyết định.

Trong bối cảnh thương mại mở như hiện nay, khi chúng ta đã tham gia 8 FTA và tiếp tục đàm phán các FTA khác, tôi nghĩ sự phát triển bền vững của một doanh nghiệp nằm ở năng lực công nghệ và đổi mới, sáng tạo. Trong các FTA thế hệ mới như hiện nay, mở cửa thị trường không chỉ có giảm thuế mà còn đi kèm theo các điều kiện; biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại điện tử, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ… nếu “anh” không có năng lực công nghệ, làm sao “anh” thâm nhập được thị trường?

Về phần mình, những năm qua Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các đơn vị nghiên cứu các công nghệ, thiết bị mới theo hướng áp dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, năng lượng. Đồng thời xây dựng các hướng dẫn áp dụng sản xuất sạch hơn, hỗ trợ doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ và áp dụng các biện pháp quản lý nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng cũng như tính an toàn và sức cạnh tranh của hàng hóa. Tuy nhiên, mấu chốt vẫn là các doanh nghiệp, và chỉ các doanh nghiệp mới biết rõ nhất điều kiện và năng lực của mình và cần làm gì để đổi mới năng lực đó.

Năm 2015 có ý nghĩa rất quan trọng: năm giữa kỳ thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 theo Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 - năm quyết định để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm là 5,82% do Chính phủ đề ra, năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Và như trên ta đã trao đổi, năm 2015 cũng là năm có nhiều hoạt động đối ngoại như: Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ chính thức được hình thành, các Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Hải quan, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ được hoàn tất và ký kết, đặt nền kinh tế nước ta trước cả cơ hội và thách thức.

Dự báo tình hình kinh tế chính trị thế giới và khu vực năm 2015 tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, tác động đến kinh tế trong nước, giá dầu thô đã và có khả năng sẽ giảm sâu tuy có tác động tích cực đến sản xuất của nhiều ngành, đến tiêu dùng nhưng cũng có ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất công nghiệp và nguồn thu ngân sách…

Với bối cảnh như vậy, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Công Thương trong năm 2015 là rất nặng nề. Việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu được đề ra (tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,2%; kim ngạch xuất khẩu tăng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng CPI khoảng 5%) có ý nghĩa quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra cho Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015).

Trong bối cảnh đó, Bộ yêu cầu tất cả các đơn vị nỗ lực, quyết tâm ngay từ những ngày đầu năm để hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành Công Thương trong năm 2015.

Nhân dịp năm mới Ất Mùi 2015, thay mặt Ban cán sự đảng và Lãnh đạo Bộ Công Thương, tôi xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, nhân viên và bạn đọc Tạp chí Công Thương lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, an khang và thịnh vượng. Chúc Tạp chí Công Thương ngày càng đổi mới, phát triển.

TCCT: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!