Hội thảo “Giới thiệu về vai trò áp dụng SXSH trong các cơ sở công nghiệp nông thôn”

Sáng ngày 24/4/2015, tại thành phố Hồ Chí Minh, Cục Công nghiệp địa phương (Cục CNĐP) chủ trì, phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương, tổ chức hội thảo “ Giới thiệu về vai trò áp dụng

 

Tham dự hội thảo có TS. Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, bà Đỗ Thị Minh Trâm - Phó Cục trưởng Cục CNĐP, Bộ Công Thương, cùng đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng của Bộ Công Thương, các Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. 

  Ông Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, bà Đỗ Thị Minh Trâm - Phó Cục trưởng Cục CNĐP đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chương trình SXSH thông qua Quyết định số 1419 của Thủ tướng Chính phủ, ký ngày 07/9/2009 về “Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020”.

Mục tiêu của chương trình SXSH là được áp dụng rộng rãi tại cơ sở SX công nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững.

Cụ thể hơn, trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, 90% cơ sở SX công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp; 50% cơ sở SX công nghiệp áp dụng SXSH, tiết kiệm được từ 8 - 13% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm; 90% doanh nghiệp vừa và lớn có bộ phận chuyên trách về SXSH; 90% các Sở Công Thương có cán bộ chuyên trách đủ năng lực hướng dẫn áp dụng SXSH cho các cơ sở SX công nghiệp. 

                    TS. Lê Hoàng - Vụ Khoa học và Công nghệ giới thiệu về các chính sánh trong SXSH

 TS. Lê Hoàng - Vụ Khoa học và Công nghệ Bộ Công Thương đã lần lượt giới thiệu tại hội thảo về vai trò SXSH trong các cơ sở công nghiệp nông thôn với chuyên đề “Áp dụng SXSH trong doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa”, bao gồm các nội dung: Khái niệm về SXSH; Những lợi ích từ ứng dụng SXSH; Phương pháp thực hiện SXSH; Các bước thực hiện SXSH; Điều kiện để thực hiện thành công SXSH và tình hình thực hiện SXSH tại Việt Nam.

Tại hội thảo, TS. Lê Hoàng đã đưa ra những minh chứng cụ thể về lợi ích khi tham gia chương trình SXSH, của  Xí nghiệp luyện kim màu 2 - Công ty Kim loại màu Thái Nguyên về giải pháp SXSH giai đoạn 1 lò quay số 1. Về hiệu quả kinh tế, đơn vị đã thực hiện 15 giải pháp, với chi phí đầu tư là 3.012 triệu đồng, tiết kiệm mỗi năm được 925 triệu đồng và sau gần 4 năm đã hoàn vốn đầu tư. Về hiệu quả môi trường, đã đảm bảo sức khỏe cho người lao động (do không phải tiếp xúc trực tiếp với nóng bụi); Giảm đáng kể thải bụi ra môi trường; Giảm lao động thủ công; Nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên & năng lượng: quặng giảm 4,45%, than giảm 7,1% và điện giảm 12%.

Cũng tại đơn vị này, giải pháp SXSH cho giai đoạn 2 lò quay số 2, đon vị đã có kết quả khả quan hơn, tăng năng suất, giảm 5% chi phí SX ( giảm tiêu thụ điện và than khoảng 7%, giảm tiêu thụ quặng từ 4% - đến 5% cho 1 tấn sản phẩm). Thời gian thực hiện đầu tư là 6 tháng với tổng vốn đầu tư là 6 tỷ đồng và thời gian hoàn vốn là 6 năm. Về hiệu quả môi trường, đã cải thiện điều kiện làm việc, giảm bụi, nhiệt độ và nguy cơ xảy ra tai nạn tại khu vực làm việc; Giảm lượng khí thải ra môi trường.

Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành chế biến gỗ và chế biến thủy hãi sản ở các địa phương Bình Dương, Đồng Nai và Đồng bằng sông Cửu Long. Đa phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thông suốt và vận dụng được chương trình SXSH tại đơn vị, chưa có kế hoạch cụ thể trong chiến lược SX, cộng vào đó là một vài yếu tố như: sử dụng nhân lực ở trình độ thấp, dẫn đến kỷ luật lao động mang tính chưa cao, trong sản xuất còn thủ công, máy móc thiết bị còn lạc hậu, trang thiết bị không đồng bộ, gây ra năng suất lao động thấp, năng suất sản phẩm không đạt, gây ra khói bụi ô nhiễm môi trường…

Ý kiến của đại diện các Sở Công Thương, doanh nghiệp tại hội thảo đã xoay quanh câu chuyện về kinh phí để hoạt động. Theo đại diện của các địa phương như: Ninh Thuận, Long An, ngoài số tiền Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng/năm, để duy trì hoạt động cho chương trình SXSH tại các địa phương, hiện chưa đủ để chi phí cho các hoạt động, như  đào tạo đội ngũ của đơn vị có trình độ để tư vấn cho các cơ sở, doanh nghiệp về SXSH, tổ chức các hội nghị, hội thảo để tuyên truyền về những lợi ích khi doanh nghiệp tham gia... Ngoài ra, theo đại diện của địa phương Ninh Thuận, trong khi triển khai chương trình SXSH vẫn còn có một số chính sách chưa rõ ràng, còn thiếu thông tin, gây ra khó khăn cho công tác vận động các cơ sở tại địa phương tham gia SXSH. 

                                                                     Toàn cảnh hội thảo 

Tại hội thảo, Ban Tổ chức đã lần lượt trả lời các ý kiến thắc mắc của các doanh nghiệp, như thông tin hỗ trợ về đào tạo về nhân lực cho các cán bộ để tư vấn cho các cơ sở, doanh nghiệp. Theo Ban Tổ chức, hiện đã có trên 40 giáo trình được đăng tải trên Website: sxsh.vn và các hướng dẫn thông tin khác từ các bộ, ngành chuyên môn, để bước đầu hỗ trợ cho các đơn vị.