Hội thảo Khoa học công nghệ trong lĩnh vực môi trường

Vừa qua tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Khoa học công nghệ trong lĩnh vực môi trường với sự tham gia của trên 350 nhà khoa học, chuyên gia, đại biểu đại diện cho các Bộ/ngành, địa phương, các viện nghi

Với 03 chủ đề trọng tâm, gồm: nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong dự báo, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường; ứng dụng tiến bộ khoa học và phát triển công nghệ trong cải tạo, phục hồi và xử lý ô nhiễm môi trường; khoa học và công nghệ phục vụ bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục hạn chế, vướng mắc thúc đẩy công nghệ môi trường ở Việt Nam phát triển trong thời gian tới.


Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thế Đồng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thế Đồng cho rằng: Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững” là quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, đã được thể hiện tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh đó, khoa học và công nghệ trong lĩnh vực môi trường đóng một vai trò quan trọng, then chốt và phải được quan tâm triển khai một cách tích cực, hiệu quả nhằm đáp ứng và phục vụ thiết thực yêu cầu của thực tiễn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước cũng như các hoạt động bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương. Trong những năm qua, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo vệ môi trường đã có những bước phát triển và đạt được những kết quả nhất định. “Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” cũng là một trong 05 giải pháp cơ bản trong chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã được thể hiện tại Nghị quyết số 24-NQ/TW. Theo tinh thần của Nghị quyết, trong lĩnh vực môi trường, những nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu được xác định là tăng cường nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu phục vụ hoạch định đường lối, chính sách trong công tác bảo vệ môi trường; Phát triển công nghệ môi trường: xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại, khí thải; ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất, kinh doanh; phát triển công nghệ tái chế chất thải. Để đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn tới, ngày 18 tháng 3 năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP “Về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường” (Nghị quyết số 35/NQ-CP), trong đó đã xác định giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường là một trong 07 giải pháp cấp bách, còn trong Quyết định số 418/QĐ-TTg của Thủ tướng cũng được xác định là hoạt động khoa học công nghệ môi trường là một trong 05 nhóm công nghệ ưu tiên trong định hướng phát triển KH&CN đến năm 2020. Cụ thể là: Phát triển công nghệ xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại, khí thải với tính năng, giá thành phù hợp với điều kiện Việt Nam. Ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, công nghệ thân thiện môi trường trong sản xuất, kinh doanh nhằm giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Phát triển công nghệ tái chế chất thải.

          Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực KH&CN của Nghị quyết số 35/NQ-CP và đẩy mạnh các hoạt động KH&CN về bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh và bền vững. Đây là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cần thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và để tập trung phát triển kinh tế - xã hội,  khoa học và công nghệ theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.

          Trên cơ sở đó, giai đoạn 2011 - 2015 các bộ ngành, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều nhiệm vụ, đề tài khoa học công nghệ về bảo vệ môi trường góp phần quan trọng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ môi trường, tập trung ở 03 khía cạnh chủ yếu, đó là: góp phần cung cấp cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng và ban hành các Nghị quyết/Chỉ thị của Đảng về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, xây dựng cơ chế, chính sách và quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; góp phần cung cấp cơ sở lập luận cứ khoa học và thực tiễn để xây dựng, triển khai các mô hình, giải pháp quản lý, bảo vệ môi trường và góp phần từng bước đẩy mạnh triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong dự báo, phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục sự cố, xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường.

Tuy nhiên, hoạt động khoa học công nghệ bảo vệ môi trường còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, về khía cạnh cơ chế, chính sách, thị trường công nghệ môi trường chậm phát triển, chưa tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ và môi trường thuận lợi để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ môi trường, thiếu cơ chế phối hợp để thu hút chất xám và động viên các nhà khoa học, công nghệ trong nghiên cứu triển khai KHCN môi trường. Về khía cạnh kỹ thuật, công nghệ, tài chính, điều kiện kỹ thuật, tài chính phục vụ nghiên cứu triển khai công nghệ ngăn ngừa, xử lý ô nhiễm... còn rất hạn chế; thiếu các giải pháp, kỹ thuật công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường phù hợp với điều kiện vùng, miền địa phương, đặc biệt tại các khu vực làng nghề, nông thôn hoặc tại các lưu vực song còn thiếu cả về cơ sở vật chất, nhân lực cho bảo vệ môi trường nên còn bị ô nhiễm nghiêm trọng; thiếu nguồn lực kỹ thuật và tài chính phục vụ nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học,…

Tại Hội thảo các đại biểu cũng kiến nghị một số giải pháp thúc đẩy hoạt động KH&CN lĩnh vực bảo vệ môi trường, giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, cần triển khai một số giải pháp trọng tâm, như: từng bước tăng cường đầu tư nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực môi trường; tăng cường sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý với các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học và với các địa phương, các cơ sở sản xuất trong việc triển khai thực hiện các đề tài, dự án nhằm đạt hiểu quả tối đa trong nghiên cứu, đào tạo và triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu; phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trong lĩnh vực môi trường; tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; phát triển thị trường công nghệ môi trường và ngành công nghiệp môi trường.