“Hồn” Việt trong gốm Chu Đậu

Sau hơn 500 năm thất truyền, giờ đây thương hiệu gốm Chu Đậu lại lẫy lừng thiên hạ bởi những giá trị đỉnh cao về chất liệu và nghệ thuật. Nhiều du khách đã hỏi: Cái gì tạo nên giá trị của gốm Chu Đậu…

Cốt cách của gốm Chu Đậu

Trong thời buổi mà có vô vàn những sản phẩm cùng loại trên thị trường luôn sẵn sàng cạnh tranh nhau thì gốm Chu Đậu vẫn sừng sững, ngày càng vươn cao trong “rừng” hàng hóa, sản phẩm đó. Và cái sừng sững đó chính là những nét độc đáo riêng của gốm Chu Đậu.

Chị Nguyễn Thị Hương, cán bộ của Công ty CP Gốm Chu Đậu cho biết: Sản phẩm gốm Chu Đậu có nhiều loại như các loại bình, bộ ấm pha trà, đồ thờ,… chủ yếu là các vật dụng liên quan đến đời sống văn hóa, tinh thần của con người. Gốm làm hoàn toàn bằng thủ công, được tạo nên trực tiếp bởi bàn tay của những nghệ nhân. Nghệ thuật của nó được thể hiện ở kiểu dáng, màu men và các họa tiết tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa thuần Việt, không lai căng bất kỳ văn hóa nào với những chủ đề chính là cây cỏ, hoa lá, con người… Trên mỗi sản phẩm gốm, các hình vẽ chỉ độc một màu: Màu lam hoặc màu nâu; được những người thợ giỏi vẽ thủ công thể hiện bằng tất cả nỗi niềm, tâm tư, nguyện vọng, suy nghĩ của họ trong đó. Chất liệu tạo nên gốm cũng rất đặc biệt và công phu. Men làm từ tro vỏ trấu thóc nếp, được trộn với đất sét bằng công nghệ nhào nặn đặc thù, sau đó nung với nhiệt độ rất cao. Khi ra lò, gốm có màu men hơi vàng ngà ngà của trấu và có độ sâu; đặc biệt có những vết rạn vệt xoắn, hình đồng tiền cổ, khác hẳn với những vết rạn thông thường như rạn chân chim, hạt ngô, hạt đá; khi gõ vào những chiếc bình, phát ra tiếng kêu bong bong. Chị Hương còn cho biết, có sản phẩm gốm có những đường vân quá đẹp, nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ cứ nằng nặc đòi mua, nhưng Công ty nhất định không bán với bất kỳ giá nào bởi không thể tạo nên cái thứ hai tương tự. Do làm bằng thủ công hoàn toàn, cùng với các bí quyết nên gốm Chu Đậu là sản phẩm rất sạch, an toàn, đặc biệt còn có độ bền với môi trường và tự nhiên rất cao.

Để gốm Chu Đậu có cốt cách và vị thế đáng nể trong hàng ngũ gốm Việt Nam, khác hẳn với rất nhiều sản phẩm kiểu “ăn sổi” đang có mặt trên thị trường hiện nay, có lẽ cũng là bởi xuất xứ đáng trân trọng của nó được hòa quyện với “hồn” Việt trong từng sản phẩm. Theo các nhà Sử học, gốm Chu Đậu có nguồn gốc cao quý, xuất hiện cách đây khoảng 500 năm, vào thời Lý, Trần, Lê, Mạc. Sau 500 năm thất truyền, con đường trở về của gốm Chu Đậu cũng là câu chuyện thú vị.

Bắt đầu từ lá thư tay của ngài Makoto Anabuki - Đại sứ người Nhật tại Việt Nam. Năm 1980, nhân chuyến công tác, ông đến bảo tàng Tokapi Saray Istanbul ở Thổ Nhĩ Kỳ và thấy một chiếc bình cổ Hoa lan rất đẹp, hình dáng củ tỏi, cao 54 cm, có ghi dòng chữ Hán: “Thái hòa bát niên Nam Sách Châu Tượng nhân Bùi Thị Hý bút”. Chiếc bình này được mua bảo hiểm với mức 25 triệu USD. Sau đó, ông đã liên hệ với các cơ quan chức năng Việt Nam xác định dòng của chiếc bình gốm cổ đó. Cũng tình cờ, vào năm 1986, tỉnh Hải Dương (lúc đó là Hải Hưng) đang có chiến dịch khôi phục lại hai làng nghề: Chiếu và gốm. Sau khi được biết về lá thư tay của ngài Đại sứ Nhật, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã cho khai quật 6 lần để tìm cổ vật và đã phát hiện nhiều cổ vật gốm có giá trị. Cùng với các cơ quan chức năng, tỉnh Hải Dương đã xác định Cụ tổ của làng gốm Chu Đậu là bà Bùi Thị Hý, người làng Chu Đậu, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Gia đình Bà có 3 đời làm tướng triều Lê, được Vua cho làm những sản phẩm gốm để phục vụ triều đình.

Tuy đã tìm ra được “lý lịch” của gốm Chu Đậu; nhưng làm thế nào để khôi phục và phát huy những giá trị của nó thì quả là điều quá khó đối với tỉnh Hải Dương lúc bấy giờ. Và cùng với chiến dịch khôi phục làng nghề chung của đất nước, có nơi thực hiện được tốt, có nơi thì thất bại hoàn toàn; số phận gốm Chu Đậu lại một phen lận đận, tưởng chìm vào lãng quên bởi gặp quá nhiều khó khăn.

Âu cũng là cơ duyên! Gốm Chu Đậu dường như được bà Cụ tổ phù hộ cho gặp ông Nguyễn Hữu Thắng, là người con của huyện Nam Sách, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Thành viên của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội. Với sự nhạy bén và tinh tường của một chuyên gia kinh tế; hiểu rõ ý nghĩa và những giá trị lớn lao của gốm Chu Đậu, bằng tất cả tâm huyết của mình, ông quyết chí khôi phục làng nghề này. Năm 2001, Công ty CP Gốm Chu Đậu được ra đời, là thành viên của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội với nhiệm vụ chính là khôi phục nghề gốm.

Khôi phục nghề gốm, giữ gìn bản sắc riêng cho sản phẩm

Được các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển, Công ty CP Gốm Chu Đậu tiến hành đầu tư các hạng mục từ xây dựng cơ sở hạ tầng; mời các nghệ nhân về để tìm ra các bí quyết; đào tạo nghề cho công nhân; tổ chức sản xuất và tìm đầu ra cho các sản phẩm… Do thương hiệu gốm Chu Đậu được nhiều nước trên thế giới biết đến, nên những năm đầu, 70% sản phẩm gốm của Công ty được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài và chủ yếu là thị trường Đức, Nga và Tây Ban Nha. Những năm gần đây, do thương hiệu gốm Chu Đậu đã được quảng bá rộng rãi, nhân dân nhiều nơi trong cả nước biết đến nên thị trường nội địa lại được tiêu thụ nhiều hơn. Các sản phẩm được tập trung vào dòng quà tặng, lưu niệm.

Ông Nguyễn Hữu Thức - Giám đốc Công ty CP Gốm Chu Đậu cho biết: Hiện sản phẩm của Công ty chiếm tới 90% trong tổng số các sản phẩm của làng nghề Chu Đậu. Ông cũng mong muốn làng gốm Chu Đậu có thêm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này để tạo nên sự đa dạng, sinh động cho làng nghề. Những năm qua, Công ty đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 200 lao động (chủ yếu là lao động địa phương) với mức thu nhập cao, nhiều người thợ có mức thu nhập từ 7 triệu đồng - 10 triệu đồng/tháng và hầu hết đều rất tâm huyết với Công ty. Do được sự hỗ trợ tích cực của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội nên đến nay, rất nhiều đoàn khách du lịch trong nước cũng như nước ngoài đã về tham quan làng gốm Chu Đậu, và đó chính là những cơ hội rất tốt để hình ảnh về gốm Chu Đậu được nhiều người biết đến. Ngoài ra, Tổng Công ty cũng giúp làng gốm Chu Đậu định hướng và tìm kiếm thị trường, xây dựng năng lực cạnh tranh, giữ gìn thương hiệu cũng như giới thiệu những cơ hội quảng bá hình ảnh cho các sản phẩm.

Những người thợ đang thả hồn vào sản phẩm gốm

Nói về vấn đề cạnh tranh, ông Thức cũng trăn trở, các sản phẩm của gốm Chu Đậu sản xuất ra thì rất công phu, chất lượng và giá thành cao nhưng số lượng sản phẩm ít và chi phí lớn nên phải cạnh tranh rất khốc liệt với các sản phẩm cùng loại trên thị trường do được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, số lượng nhiều, chi phí ít và giá thành thấp. Tuy nhiên, ông cũng rất tự tin, bởi giờ đây trình độ dân trí đã rất cao, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt nên khi lựa chọn sản phẩm thì họ cần những sản phẩm chân thực có giá trị cao. Và để giữ gìn uy tín cho các sản phẩm gốm Chu Đậu trên thương trường, Công ty ưu tiên việc giữ gìn ổn định công việc và thu nhập cho người lao động, bởi chất lượng sản phẩm hầu hết phụ thuộc vào họ; giữ gìn bản sắc riêng cho sản phẩm: Đó là văn hóa thuần Việt; đa dạng hóa các sản phẩm hơn và tập trung thêm vào dòng sản phẩm gia dụng. Nói về những đề xuất, ông Thức chia sẻ, hiện cả nước đang nỗ lực thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, do vậy Công ty rất ý thức được rằng cần tạo ra những sản phẩm mang đậm giá trị truyền thống chân thực, qua đó mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm, tạo những cơ hội thuận lợi để sản phẩm gốm Chu Đậu được giữ gìn ổn định, nâng cao chất lượng và đến được với nhiều vùng miền hơn nữa, qua đó góp phần tạo nên những giá trị lớn cho các sản phẩm đặc trưng của làng nghề Việt Nam trên thế giới.

Giờ đây, gốm Chu Đậu đã vinh dự có trong danh sách những sản phẩm đặc trưng của làng nghề Việt Nam; được lưu trữ tại 46 bảo tàng danh tiếng của 32 quốc gia trên toàn thế giới. Và một niềm tự hào lớn cho sản phẩm gốm Chu Đậu là đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng 9 chữ “Gốm Chu Đậu tinh hoa văn hóa Việt Nam”./.

Quang Tuấn