Khoảng trống lớn
Trong trận đấu Thái Lan ở vòng loại World Cup 2022, Văn Hậu đã đưa cả đầu và thân mình ra cản cú sút của Ekanit. Lúc này, chỉ còn một mình Duy Mạnh đứng che trước khung thành vì Đặng Văn Lâm đang nằm sân sau khi cản cú sút của Supachok. Pha che chắn dũng cảm của Văn Hậu, vì thế, cứu đội nhà khỏi bàn thua.
Tờ báo chuyên về bóng đá của Hà lan Voetbalprimeur đánh giá pha cứu thua của Văn Hậu không khác gì John Terry, một hậu vệ huyền thoại của CLB Chelsea, và đội tuyển Anh. Trong trận đấu Slovenia ở vòng bảng World Cup 2010, Terry đã bay người, đưa đầu ra cản cú sút của Zlatko Dedic. Hành động đó đã trở thành một biểu tượng về sự quả cảm.
Không chỉ có lợi thế về chiều cao (1,85m) Văn Hậu còn rất nhạy bén trong việc chọn chính xác vị trí điểm nóng trong vòng cấm để bật cao lên đánh đầu hoặc làm tường đánh đầu đưa bóng trở lại cho đồng đội ghi bàn.
Trong chiến thắng 1-0 trước Singapore ở vòng bảng tại SEA Games 30, Văn Hậu đã gián tiếp góp công bằng pha đánh đầu chiến thuật, đưa bóng trở lại cho Đức Chinh đánh đầu nối tung lưới Singapore. Đến trận chung kết SEA Games 30, Văn Hậu đã tỏa sáng khi lập cú đúp vào lưới Indonesia, trong đó có một bàn thắng mở tỷ số rất quan trọng từ một pha đánh đầu hiểm hóc.
Văn Hậu, chàng trai quê Thái Bình quá hay và toàn diện trong cả tấn công lẫn phòng ngự. Có Văn Hậu, U23 Việt Nam trở nên chắc chắn hơn ở bên hành lang cánh trái cũng như nguy hiểm hơn ở những tình huống không chiến.
Nhưng điều quan trọng hơn, huấn luyện viên Park Hang Seo đặc biệt coi trọng sự ổn định. Từ vòng loại World Cup 2022, đến vòng bảng và chung kết tại SEA Games 30, ông mới định hình được cho U23 Việt Nam một đội hình (theo sau đó là đấu pháp) ổn định. Thế nhưng, thiếu Văn Hậu ở vòng chung kết U23 châu Á 2020 sắp khởi tranh trên đất Thái đã tạo ra một khoảng trống vô cùng lớn khiến ông Park Hang Seo đau đầu.
“Thiên cơ bất khả lộ”?
Hiện tại, trong dàn cầu thủ U23 Việt Nam có 3 cầu thủ đá ở vị trí hậu vệ trái, đó là Thanh Thịnh, Lê Ngọc Bảo và Nguyễn Hùng Thiện Đức.
Ở chung kết SEA Games 30, huấn luyện viên Park Hang Seo bố trí Hồ Tuấn Tài ở vị trí hậu vệ cánh trái mà không phải là Thanh Thịnh như thường lệ, vì Thanh Thịnh bị chấn thương.
Thế nhưng, do Trọng Hoàng đã quá tuổi và không được tham dự vong chung kết U23 châu Á 2020 nên chắc chắn, Tấn Tài sẽ phải trở về để trấn giữa hàng lang cánh phải, vốn là vị trí sở trường của Tấn Tài. Thế nên, có thể khẳng định, Thanh Thịnh là một lựa chọn thay thế cho Văn Hậu tại vòng chung kết U23 châu Á 2020.
Nguyễn Hùng Thiện Đức là thành viên của đội một - CLB Bình Dương. Vị trí sở trường của cầu thủ này là hậu vệ trái. Vào tháng 2 năm nay, Thiện Đức là thành viên của U22 Việt Nam tham dự VCK U22 Đông Nam Á.
Tại V.League 2019, Thiện Đức cũng không có nhiều cơ hội được ra sân trong màu áo của Bình Dương. Điều đó, cũng đến từ việc hậu vệ này gặp phải một chấn thương nghiêm trọng trong cuộc đọ sức với Hà Nội vào đầu tháng 5.
Hiện tại, cầu thủ này đã hoàn toàn bình phục và sẵn sàng cạnh tranh một vị trí trong đội hình của thầy Park. Đặc biệt, khi Văn Hậu nhiều khả năng sẽ không tham dự được U23 châu Á.
Lê Ngọc Bảo hiện đang là hậu vệ đội trưởng của CLB Phố Hiến, người có đóng góp rất lớn cho đội bóng này ở mùa giải vừa qua. Đó là một mùa bóng mà Lê Ngọc Bảo đã chơi rất xuất sắc ở hàng phòng ngự của đội bóng này.
Thêm một điểm cộng cho Ngọc Bảo là sự đa năng khi anh có thể đã được mọi vị trí ở hàng thủ như trung vệ, hậu vệ cánh nhờ kỹ thuật tốt, chơi đều chân và khả năng phán đoán, băng cắt hay chuyền bóng rất ổn.
Tư duy chơi bóng hiện đại của Ngọc Bảo đủ để một HLV khó tính như Park Hang-seo cũng phải gật gù, đưa anh vào danh sách “của để dành” cho vòng chung kết U23 châu Á 2020.
Cả 3 cầu thủ Thanh Thịnh, Lê Ngọc Bảo và Nguyễn Hùng Thiện Đức không có tên trong trận chung kết Seagame 30 Việt Nam thắng Indonesia 3-0. Lý do là… Văn Hậu quá xuất sắc. Nay Văn Hậu không thể tham dự và Thanh Thịnh, Lê Ngọc Bảo cùng Nguyễn Hùng Thiện Đức đều nằm trong danh sách thầy Park đưa đi Hàn Quốc tập huấn.
Đến nay, thầy Park vẫn chưa tiết lộ ai là người thay thế Văn Hậu. Lý do thứ nhất là “thiên cơ bất khả lộ”. Lý do thứ hai, quan trọng hơn, phải qua “thực chiến” mới có được quyết định cuối cùng.