Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, qua công tác thanh, kiếm tra, Ban đã phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm khi phát hiện các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, giá, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Kết quả đã thanh tra, kiểm tra 26.005 cơ sở, phát hiện 2.602 cơ sở vi phạm, xử phạt 633 cơ sở với tổng số tiền 9.619.553.000 đồng, tịch thu/tiêu hủy 12.797 kg và 33.971 đơn vị sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng/không rõ nguồn gốc xuất xứ, đình chỉ hoạt động có thời hạn 02 cơ sở.
Cùng với đó, tước quyền sử dụng giấy phép 01 cơ sở; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp 7.130.000 đồng; buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm 02 cơ sở; buộc thu hồi, tiêu hủy: 35 sản phẩm; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn 2039 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe; chuyển cơ quan điều tra xử lý 04 cơ sở, đang tiếp tục xử lý 01 cơ sở, nhắc nhở 1.883 cơ sở chủ yếu kinh doanh thức ăn đường phố.
Đồng thời, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện rà soát việc quảng cáo thực phẩm chức năng trên các trang mạng xã hội. Đến nay, đã rà soát 10.460 sản phẩm thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các Trang web kinh doanh và phát hiện 53 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm chuyển Thanh tra theo dõi, xử lý theo quy định. 9 tháng đầu năm, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành hậu kiểm tại chỗ 9.295 hồ sơ tự công bố, trong đó: đạt: 4.295 hồ sơ (tỷ lệ: 46,21%), có dấu hiệu vi phạm: 5.000 hồ sơ (tỷ lệ: 53,79%). Đối với các hồ sơ hậu kiểm không đạt, Thành phố đã có kế hoạch giám sát, tập huấn, hướng dẫn các cơ sở thực hiện theo đúng quy định.
Song song với đó, công tác giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm được Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Thành phố đã tiến hành giám sát an toàn thực phẩm tại 13 lễ hội, sự kiện. Đoàn giám sát an toàn thực phẩm tại lễ hội, sự kiện đã tiến hành xét nghiệm nhanh 12 mẫu thực phẩm để kiểm tra chỉ tiêu hàn the, kết quả 12/12 đạt chỉ tiêu kiểm nghiệm; không xảy ra ngộ độc thực phẩm trong suốt thời gian diễn ra sự kiện, lễ hội.
Mặt khác, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh triển khai công tác giám sát an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đối với cơ sở chế biến suất ăn sẵn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, tổng số cơ sở giám sát: 194 cơ sở, kết quả: 53 cơ sở đạt, 05 cơ sở không đạt, 32 cơ sở bổ sung hồ sơ, 13 cơ sở tạm ngưng hoạt động, 91 cơ sở ngưng hoạt động.
Thành phố đã thực hiện giám sát 80 cơ sở bếp ăn tập thể trong khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả: 33 cơ sở đạt; 22 cơ sở bổ sung hồ sơ; 03 cơ sở không đạt (chuyển thanh tra theo dõi, xử lý); 07 cơ sở đã được kiểm tra, mới cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, 13 cơ sở ngưng hoạt động, 01 cơ sở không đúng loại hình và 01 cơ sở không liên lạc được.
Qua quá trình kiểm tra, Đoàn công tác đã hướng dẫn các cơ sở bếp ăn tập thể trong khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao đảm bảo an toàn thực phẩm, hoàn thành các hồ sơ, thủ tục liên quan như: như giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, danh sách xác nhận của chủ cơ sở đã tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe,…,
Quá trình kiểm tra, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý hàng hóa có đầy đủ nhãn mác, có nguồn gốc xuất xứ, có ngày sản xuất, hạn sử dụng, thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh dụng cụ chế biến, vệ sinh môi trường tại các điểm kinh doanh, sản xuất thực phẩm và môi trường xung quanh, đặc biệt không đưa các phụ gia độc hại và các thực phẩm không rõ nguồn gốc vào chế biến, sản xuất thực phẩm, các bếp ăn tập thể tuân thủ quy tắc về vệ sinh an toàn thực phẩm như đảm bảo vệ sinh, thực hiện quy trình lưu mẫu thực phẩm, có sổ sách theo dõi nhập thực phẩm và chế biến hàng ngày.
Thực hiện đúng luật An toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc thực phẩm nhất là trong mùa hè nắng nóng, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân. Song song đó qua công tác giám sát Đoàn công tác đã triển khai truyền thông, hướng dẫn phòng chống ngộ độc thực phẩm tại cơ sở, nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình hoạt động kinh doanh.