Chống buôn lậu chính là bảo hộ sản xuất trong nước

Chỉ riêng Quảng Trị, năm 2009 qua kiểm tra kiểm soát đã phát hiện 2.987 vụ buôn lậu, tổng giá trị hàng hóa tịch thu và xử phạt hành chính trên 44.796 triệu đồng, tăng gần 11 tỷ đồng so với năm 2008.
Phát biểu trong cuộc họp tổng kết hoạt động của Ban chỉ đạo 127 Quảng Trị vừa qua, ông Lê văn Tới - Cục trưởng Hải quan cho rằng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng trong kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, gián tiếp góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Điều nổi bật, chính từ nhận thức đúng, các lực lượng chức năng Quảng Trị đã chủ động đề ra các giải pháp đấu tranh ngăn chặn các hoạt động buôn lậu. Một số đơn vị đã tổ chức các đợt cao điểm đấu tranh đánh trúng nhiều ổ, nhóm buôn lậu. Như phá đường dây buôn lậu của 5 chị em ở phường 5, Đông Hà, thường xuyên sử dụng 5 xe khách tuyến Lao Bảo- Đông Hà để vận chuyển hàng lậu, thu giữ trên 10.000 gói thuốc lá ngoại nhập lậu cùng nhiều loại hàng hóa khác trị giá hàng trăm triệu đồng. Hải quan Quảng Trị đã lập chuyên án TRO1 phá đường dây buôn lậu do Nguyễn Văn Nhân, trú ở Đông Lễ, Đông Hà cầm đầu vận chuyển 183 chai rượu ngoại và 18.500 gói thuốc lá ngoại nhập lậu qua đường Bản Nang. Hàng hóa tịch thu và phạt hành chính lên đến gần nửa tỉ đồng. Đặc biệt trong và sau Tết Canh Dần (quý 1/2010), lưu lượng hành khách và phương tiện vận tải qua lại Cửa khẩu Lao Bảo tăng lên với số lượng lớn.

Trong đó số lượt phương tiện xuất nhập cảnh tăng 203,3%, số lượt hành khách xuất nhập cảnh tăng 226,4% so với cùng kỳ năm 2009 nên hàng lậu theo đó cũng tăng lên. Trước tình hình đó các lực lượng chống buôn lậu của Quảng Trị đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp, như ở Cục Hải quan, Lãnh đạo Cục luân phiên trực chỉ huy chống buôn lậu trên tuyến đường 9, huy động toàn bộ nhân viên khối văn phòng tăng cường lực lượng cho Đội Kiểm soát chống buôn lậu, tăng cường lực lượng trinh sát địa bàn. Nhờ triển khai áp dụng quyết liệt và hợp lý các biện pháp trên, quý 1/2010, Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị đã phát hiện 159 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, trị giá trên 3 tỷ đồng gồm 98.140 gói thuốc lá ngoại, 4.798 chai rượu ngoại, 70.000 lon bia các loại… hay Công an tỉnh lập chiến công đầu năm bằng vụ bắt giữ xe ô tô biển kiểm soát 74K- 0357 vận chuyển hơn 7 khối gỗ trắc, trị giá khoảng 500 triệu đồng; tiếp đó bắt giữ 2 xe ô tô biển kiểm soát 33 M. 4353-29R.4479 thu giữ 50.000 gói thuốc lá ngoại và hơn 100 chai rượu ngoại, trị giá lô hàng khoảng 560 triệu đồng... Kiên quyết hơn nữa qua kiểm tra các lực lượng chức năng của Quảng Trị đã buộc các đối tượng vi phạm cắt bỏ, phá dở các hầm, vách ngăn được gia cố tinh vi trên các xe vi phạm để vận chuyển hàng cấm, hàng lậu.

Không riêng Quảng Trị, nhiều tỉnh thành miền Trung cũng rất quyết liệt với nạn buôn lậu. Như trong buổi làm việc với Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 Ban chỉ đạo 127/TW do Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng dẫn đầu, ông Nguyễn Đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 127 tỉnh Quảng Bình đã cho rằng chống buôn lậu chính là hỗ trợ các giải pháp đầu tư, kích cầu tiêu dùng phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, thực hiện tốt an sinh xã hội. Năm 2009 các lực lượng chức năng của Quảng Bình đã tiến hành kiểm tra trên 3.000 vụ, xử lý 1.930 vụ vi phạm, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính và bán hàng tịch thu trên 11.545 triệu đồng.

Ở Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Thanh- Phó giám đốc Sở Công Thương, Phó BCĐ 127 tỉnh cho biết, năm 2009 là năm khá thành công trong công tác chỉ đạo phối hợp, có trọng tậm, trọng điểm, từ hoạt động kinh doanh vận chuyển, xuất nhập khẩu đến thị trường nội địa do đó đã phát hiện nhiều vụ việc nghiêm trọng. Còn ông Nguyễn Đa Kháng - Trưởng phòng cảnh sát kinh tế thì cho rằng tỉnh đã làm tốt công tác phòng ngừa nên không những đánh là chắc, bắt là trúng không tràn lan mà chất lượng đội ngũ chống buôn lậu cũng được nâng lên. Năm 2009 đã kiểm tra xử lí 3.330 vụ , thu giữ hàng hóa và phạt hành chính gần 19 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2008.

Trong năm 2010 này tùy theo thực tế của từng địa phương mà Ban chỉ đạo 127 tỉnh có những giải pháp khác nhau, tuy nhiên điều chung nhất là tất cả các địa phương đều xác định đưa Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" mà Bộ Chính Trị phát động thành hành động cụ thể chứ không phải hình thức. Trong đó, đặt trọng tâm là kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; nhất là các đường dây buôn lậu xuyên quốc gia và quốc tế, phát hiện những hành vi, thủ đoạn, đối tượng phạm tội mới xuất hiện trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế. Mặt khác đẩy mạnh công tác thu thập xử lí thông tin, phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn như Ban chỉ đạo 127 tỉnh, Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường, làm tốt công tác dân vận…để chống buôn lậu không còn là của riêng một đơn vị, tổ chức nào mà trở thành hoạt động của cả cộng đồng, xã hội.