Chiều 10/11/2020, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) phối hợp với Văn phòng đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) tại Hà Nội tổ chức Hội thảo trực tuyến “Tiềm năng và triển vọng phát triển hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ tại châu Phi”.
Hội thảo kết nối trực tuyến giữa điểm cầu Hà Nội và các tổ chức, cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp tại các nước Pháp ngữ châu Phi. Hội thảo có sự tham dự trực tiếp của hơn 100 đại biểu đại diện cho các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội phía Việt Nam và hơn 200 doanh nghiệp kết nối trực tuyến bao gồm các Tập đoàn, Công ty tại các nước Pháp ngữ châu Phi quan tâm, có nhu cầu tìm kiếm, kết nối các đối tác tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đã điểm qua tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua. Thứ trưởng nhấn mạnh đến những thành tựu Việt Nam đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với đó là nỗ lực của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
Song song đó, Thứ trưởng đánh giá cao mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các nước châu Phi nói tiếng Pháp với 32 quốc gia và dân số hơn 570 triệu người, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.
Những năm gần đây, trao đổi thương mại giữa Việt Nam với 32/55 quốc gia châu Phi thuộc khối Pháp ngữ đã có sự phát triển mạnh mẽ hơn so với mức tăng bình quân chung của thương mại giữa Việt Nam và châu Phi. Tổng kim ngạch thương mại năm 2019 giữa Việt Nam và 32 nước Pháp ngữ châu Phi đạt 4,5 tỷ USD, tăng 9,8% so với năm 2018, chiếm tỷ trọng 63,4% trong tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - châu Phi.
Cũng theo Thứ trưởng, hiện nay, Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng lớn và là nhân tố đột phá để phát triển kinh tế, tạo động lực phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trong khối Pháp ngữ.
“Do vậy, đây là những yếu tố tiềm năng và thế mạnh có thể thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước thuộc cộng đồng Pháp ngữ. Phía Việt Nam cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp các nước Pháp ngữ châu Phi hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam, đồng thời hi vọng, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong các hoạt động kết nối hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với các nước thành viên tại châu Phi”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Lê Hoàng Oanh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho rằng, hợp tác thương mại giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ tại châu Phi là điểm sáng trong quan hệ song phương.
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 32 thị trường Pháp ngữ tại châu Phi đạt 1,7 tỷ USD, tăng 6,3% và nhập khẩu đạt 2,8 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, trao đổi thương mại của Việt Nam với các nước này tập trung chủ yếu vào 10 đối tác lớn nhất bao gồm: Bờ Biển Ngà, Ga-na, Ai Cập, Cộng hòa Công-gô, Ca-mơ-run, Ma-rốc, Cộng hòa Dân chủ Công-gô, Tô-gô, Mô-dăm-bích, Bê-nanh.
Nhiều quốc gia trong khu vực như Bờ Biển Ngà, Ai Cập, Ma-rốc, Ga-na hiện là những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi.
Đánh giá cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai Bên, bà Lê Hoàng Oanh cho biết, cơ bản là mang tính chất bổ sung cho nhau, tuy nhiên, Việt Nam và các nước Pháp ngữ tại châu Phi còn nhiều tiềm năng và triển vọng để tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại trong thời gian tới.
Chia sẻ tại các đầu cầu trực tuyến, đại diện nhiều cơ quan tổ chức tại các nước Pháp ngữ châu Phi cho biết, phía châu Phi coi trọng vai trò, vị trí của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á, và kỳ vọng, hai Bên sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư song phương. Phía châu Phi cũng đánh giá cao những nỗ lực từ Chính phủ Việt nam trong việc kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 và các giải pháp khôi phục nền kinh tế trong thời kỳ hậu dịch bệnh.
Tại phiên kết nối giao thương, các doanh nghiệp được kết nối, trao đổi trực tiếp theo sự điều phối của Bộ Công Thương, Văn phòng đại diện khu vực phí châu Á- Thái Bình Dương của OIF. Các doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực kết nối với đối tác các nước Pháp ngữ tại châu Phi, đồng thời tham gia hỏi đáp trực tiếp với các đại biểu tham dự Hội thảo.
Là đơn vị chuyên cung cấp giải pháp để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt, bà Nguyễn Cẩm Nang, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam cho biết, các nước Pháp ngữ tại châu Phi là một thị trường tiềm năng với 570 triệu dân.
Để nông sản Việt chinh phục thị trường này, thời gian qua, Liên hiệp đã bắt tay cùng bà con nông dân quản lý vùng trồng, khâu sản xuất, khâu chế biến bằng những giải pháp công nghệ hiện đại. Thông qua Hội thảo, Liên hiệp mong muốn, sẽ có nhiều cơ hội kết nối, giao thương với các nước trong cộng đồng Pháp ngữ để giới thiệu, quảng bá, sản phẩm nông sản Việt Nam đến đông đảo các kiểu bào, người dân ở nước ngoài.
Tuy nhiên, bà Trần Thị Lan Phương, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân Quốc tế Việt Âu chia sẻ, một số sản phẩm của các doanh nghiệp trong Hội từng xuất đi các thị trường châu Âu, châu Mỹ, Nga... Ở một số nước trong cộng đồng Pháp ngữ, các doanh nghiệp cũng đang làm thủ tục, đưa sản phẩm Maca Việt Nam test tại một số thị trường.
“Dù vậy, chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn do không có những định hướng, hướng dẫn cụ thể về chỉ tiêu của từng loại sản phẩm ở từng thị trường, từng quốc gia để hướng dẫn cho các doanh nghiệp thành viên”, bà Phương chia sẻ và mong muốn sẽ có nhiều hơn những cuộc Hội thảo giao thương thiết thực để các bên trao đổi, tìm hiểu lẫn nhau, từ đó, có những kiến thức cụ thể về từng thị trường để tạo đà, xuất khẩu nông sản Việt.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn 2015-2019, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và 32 nước Pháp ngữ tại châu Phi tăng từ 2,7 tỷ USD băn 2015 keeb 4,5 tỷ USD năm 2019, chiếm tỷ trọng 88% trong tổng kim ngạch thương mại với châu Phi.
Về cơ cấu hàng hóa trao đổi, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các nước Pháp ngữ tại châu Phi là gạo. Giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng dần trong những năm gần đây và đạt 589 triệu USD trong năm 2019, chiếm 14,9% thị phần gạo nhập khẩu của các nước Pháp ngữ tại châu Phi và chiếm 21% tổng kim ngạc xuất khẩu gạo của Việt Nam ra thế giới,
Ngoài gạo, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang khu vực còn có: điện thoại di động và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, xe máy và linh kiện phụ tùng xe máy…
ở chiều ngược lại, các nước Pháp ngữ tại châu Phi là những thị trường cung cấp nhiều nguồ nguyên liệu đầu vào quan trọng phục vụ các ngành sản xuất trong nước của Việt Nam như: điều thô, bông, đồng, gỗ và sản phẩm gỗ.. Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nói trên chiếm tỷ trọng khoảng 80-90% tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ các nước Pháp ngữ tại châu Phi.