Lào (đất nước, văn hóa và con người); tình hình quan hệ chính trị, hợp tác thương mại và kết quả đạt được thời gian qua
- Về địa lý, dân số, văn hóa, ngôn ngữ
- Lào là đất nước rộng lớn diện tích 236.800 km2, bằng 2/3 diện tích Việt Nam, nhưng địa hình nhiều đồi núi.
+ Lào có chung đường biên giới với Việt Nam dài hơn 2.300 km, trải dài từ Bắc xuống Nam, đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành của cả Việt Nam và Lào.
+ Lào có chung đường biên giới với Thái Lan hơn 1.800 km, với hơn một nửa dọc theo sông Mê Kông
- Lào có chung đường biên giới với Trung Quốc 475 km (3 tỉnh của Lào và 1 tỉnh Vân Nam của Trung Quốc).
+ Dân số: Lào có dân số ít, chỉ trên 7 triệu dân
+ Văn hóa: Đa số người dân theo đạo Phật. Phụ nữ Lào vẫn giữ văn hóa mặc váy truyền thống tại các dịp lễ hội, khi đi làm, tuy nhiên, việc mặc trang phục phổ thông cũng phổ biến.
+ Ngôn ngữ: tiếng Lào không thuộc hệ chữ la tinh, tiếng Lào khá tương đồng với tiếng Thái cũng không thuộc hệ chữ la-tinh.
Cũng có nhiều người Lào biết tiếng Việt, tuy nhiên, hiện nay chỉ ở tầng lớp cán bộ, công chức, người dân biết tiếng Việt không nhiều.
- Về chính trị: Quan hệ hợp tác Việt Nam-Lào là quan hệ hữu nghị đặc biệt, có một không hai trên thế giới, được hai Đảng, hai Nhà nước luôn quan tâm, dành mọi điều kiện thuận lợi trên các lĩnh vực hợp tác, trong đó, hợp tác thương mại được xây dựng và phát triển trên nền tảng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước. Năm 2019, quan hệ chính trị hai nước được nâng tầm lên quan hệ vĩ đại. Sang năm 2022, hai nước kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao
- Về tình hình hợp tác thương mại:
Do quan hệ chính trị đặc biệt nêu trên, giữa hai nước cũng có quan hệ thương mại đặc biệt, cụ thể:
- Hai bên đã ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Lào năm 2015, mới gia hạn năm 2020.
- Hai bên đã ký kết Hiệp định Thương mại Biên giới Việt Nam - Lào (năm 2015).
Đồng thời hai bên cùng tham gia hợp tác đa phương hoàn tất đàm phán, ký kết Hiệp định Xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, kinh doanh đối với các địa phương trong Khu vực Tam giác phát triển ba nước Campuchia – Lào – Việt Nam (Hiệp định CLV DTA – ký kết cuối năm 2016).
- Hai nước Lào và Việt Nam cùng nằm trong khối ASEAN, được hưởng các lợi ích thương mại từ Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (Hiệp định ATIGA). Gần đây, hai nước cùng tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP. Ngoài ra, Lào cũng tham gia các Hiệp định thương mại song phương khác.
- Tình hình hợp tác thương mại thời gian gần đây:
+ Sau khi giảm mạnh -26,6% năm 2016, kim ngạch thương mại đã tăng trở lại 8% năm 2017, mặc dù bị tác động tiêu cực từ các yếu tố khách quan như chiến tranh thương mại giữa các nước lớn trên thế giới Mỹ - Trung năm 2018, nhưng năm 2018, 2019 kim ngạch thương mại hai nước vẫn tăng trưởng khá, đạt trên 10% và giá trị đạt trên 1 tỷ USD.
+ Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 chưa từng có đã xảy ra, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế toàn cầu và Việt Nam – Lào cũng không ngoại lệ, kim ngạch hai chiều giảm mạnh so với năm 2019 ở mức -11,5% nhưng vẫn đạt trên 1 tỷ USD.
+ Năm 2021, kim ngạch đã tăng trưởng mạnh mẽ, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2020, đạt hơn 1,37 tỷ USD. Loại bỏ ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến sụt giảm kim ngạch trong năm 2020, thì nếu so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa có dịch bệnh, kim ngạch hai chiều tăng 13,6%.
+10 tháng 2022: tổng kim ngạch hơn 1,36 tỷ USD, tăng 28,2% so cùng kỳ, trong đó xuất khẩu hơn 512,2 triệu Úd tăng 3,7%, nhập khẩu hơn 849,5 triệu Usd tăng 49,5%.
Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 12/2020 trở lại đây, chiều nhập khẩu từ Lào tăng mạnh, chiều xuất khẩu giảm và đã có dấu hiệu tăng trở lại tháng gần đây
Hàng hóa xuất nhập khẩu hai nước có sự đa dạng hơn về ngành hàng, phong phú hơn về chủng loại và mang tính bổ trợ cho nhau. Việt Nam tiếp tục nằm trong Top 3 đối tác thương mại lớn nhất của Lào (cùng với Thái Lan và Trung Quốc).
Thuận lợi
Từ những nội dung nêu trên cho thấy những điểm thuận lợi, có cơ hội cho hàng Việt, doanh nghiệp Việt tại Lào thể hiện ở các điểm sau:
- Thị trường Lào là thị trường khá dễ tính. Là đất nước tiêu dùng hàng nhập khẩu.
- Do quan hệ gắn bó giữa hai nước nên người Lào yêu quý người Việt, thích hàng Việt, đánh giá cao sản phẩm đến từ Việt Nam. Người Lào khi đã thích sản phẩm nào thì rất trung thành.
- Do vị trí địa lý có 10 tỉnh biên giới giữa hai bên, đây là những địa bàn có tiềm năng phát triển, có vị trí chiến lược, trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây, là cửa ngõ thông thương, giao lưu với thế giới của Việt Nam, Lào với nhiều quốc gia trong khu vực nên thuận tiện cho phát triển kinh tế, thương mại. Việc giao thương giữa các thương nhân, cư dân biên giới dễ dàng và thuận tiện hơn khi có Hiệp định Thương mại biên giới.
- Văn hóa khá tương đồng, đều theo đạo Phật, hàng hóa ăn mặc ở dùng dễ tiếp cận (lưu ý một chút về hàng ăn, mặc (váy truyền thống của Lào).
- Chính phủ hai nước có chính sách vĩ mô thuận lợi cho hàng hóa hai nước, Doanh nghiệp muốn biết chi tiết có thể tìm hiểu kỹ nội dung trên trang web:
- Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào ký tháng 3/2015 trong đó có cụ thể danh mục hàng nhập cảnh vào Lào được hưởng thuế suất 0% nếu có xuất xứ Việt Nam, dùng CO form S; được hưởng ưu đãi 50% thuế theo Hiệp định Artiga dùng CO form D; danh mục loại trừ đối với hàng có xuất xứ từ Việt Nam không được hưởng ưu đãi thuế quan.
- Hiệp định Thương mại biên giới ký tháng 6/2015: dành cho thương nhân và cư dân biên giới. Các đơn vị thuộc các tỉnh biên giới với Lào có thể tìm hiểu, khai thác
- Bộ Công Thương Lào, đơn vị đối tác của Bộ Công Thương Việt Nam nên có mối quan hệ gần gũi. Bộ Công Thương thực hiện các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tham gia kinh doanh vào thị trường Lào;
- Về các mặt hàng nhập khẩu vào Lào thì đa phần thông quan bình thường và được hưởng ưu đãi như đã nêu trên. Một số mặt hàng cần xin giấp phép nhập khẩu tự động và không tự động; Mặt hàng liên quan đến nông nghiệp cần xin giấp phép của Bộ Nông Lâm Lào; Mặt hàng thực phẩm liên quan đến con người (thuốc, đồ ăn, đồ uống...) cần có giấy phép của Bộ Y tế. Các nội dung này Doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin trên Cổng Thương mại điện tử Lào: Laotradeportal.gov.la. Tuy nhiên những vấn đề này không quá đáng ngại vì khi doanh nghiệp Việt tìm được nhà phân phối tại Lào thì các đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm tiến hành các thủ tục để hàng có thể nhập khẩu và lưu thông hợp pháp trên thị trường.
- Nếu những doanh nghiệp muốn mở văn phòng đại diện hoặc Chi nhánh tại Lào sẽ nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh tại Vụ đăng ký kinh doanh của Bộ Công Thương Lào.
- Giao thương hàng hóa dễ dàng, nhất là các tỉnh biên giới. Cơ quan hữu quan của Lào (Bộ Công Thương) đều tạo điều kiện cho việc kinh doanh.
- Từ vị trí địa lý: Có thể tiếp cận bán hàng hóa sang vùng Đông Bắc Thái Lan
- Hợp tác ngành giao thông vận tải 2021-2025: Đường cao tốc Hà Nội-VC; Đường sắt Thà-khẹc – Vũng Áng thuận lợi cho hàng Việt sang Lào hơn, chi phí rẻ hơn
- Đường sắt Lào Trung mở ra nhiều cơ hội kinh doanh, hàng hóa lên các tỉnh Bắc Lào dễ dàng thuận tiện hơn (Một doanh nghiệp lớn tại Lào đã đầu tư sẵn các khu trung tâm thương mại tại các ga tàu (chủ yếu tại Thủ đô Viêng Chăn), đầu tư sẵn các kiot bán hàng, có chỗ ăn nghỉ, thuận tiện cho bà con sang kinh doanh tại Lào), có cơ hội cho hàng Việt sang thị trường Trung Quốc (trong điều kiện chính sách zero Covid của TQ được nới lỏng)
- Chính sách với dịch bệnh Covid hiện nay: Từ ngày 9/5/2022, Lào đã mở cửa hoàn toàn đất nước. Khách nhập cảnh vào Lào chỉ cần có thẻ tiêm vắc xin, không cần test, không phải mua bảo hiểm, không thực hiện cách ly.
Những điểm cần lưu ý:
Từ các nội dung trên thì doanh nghiệp cần lưu ý những điểm sau:
- Do dân số Lào ít nên lực cầu không lớn. Mật độ dân số nhỏ ở đất nước có diện tích lớn là một rào cản.
- Văn hóa của người Lào về ăn uống, mặc có một số điểm khác biệt: Người Lào ăn nhiều gạo nếp hơn gạo tẻ, chỉ ưa dùng bia Lào (bia Việt Nam rất khó cạnh tranh và hơn nữa đồ uống có cồn bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cao nên giá cả khó cạnh tranh)....váy là trang phục truyền thống.
- Ngôn ngữ: Bất đồng ngôn ngữ là một rào cản lớn. Do đa số người dân Lào không biết tiếng Việt hoặc nếu biết thì nghe nói được chứ không biết chữ nên hàng hóa cần có tem nhãn tiếng Lào để người tiêu dùng có thể biết được sản phẩm, công dụng và cách sử dụng. Doanh nghiệp cần quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu tại thị trường Lào, in nhãn mác, hướng dẫn sử dụng sản phẩm bằng ngôn ngữ bản địa theo quy định của Lào. Việc này cũng để đảm bảo tuân thủ pháp luật của nước bạn, theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng Lào quy định hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập khẩu trước khi đưa ra bán trên thị trường phải được dán nhãn mác bằng tiếng Lào trong đó ghi cụ thể loại hàng hóa, nhãn hiệu, nơi sản xuất, nguyên liệu của sản phẩm, nhà nhập khẩu phân phối, nước sản xuất, giá tiền, hạn sử dụng theo quy định…Bộ Thông tin, Văn hóa và Dụ lịch Lào chịu trách nhiệm phê duyệt logo sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường. Về quy định về tiêu chuẩn hàng nhập khẩu, Lào chủ yếu dựa vào chứng nhận về tiêu chuẩn của các nước xuất khẩu.
- Từ vị trí địa lý với nước ta như đã nêu ở trên việc đi lại chỉ thuận tiện ở các tỉnh biên giới với nhau, từ biên giới vào thủ phủ của Lào là đô Viêng Chăn của Lào, nơi tập trung đông dân cư, quãng đường xa và lên cố đô của Lào thì rất xa (tính theo đường bộ) cũng là điểm khó khăn cho lưu thông hàng hóa từ Việt sang Lào, chi phí vận chuyển cao. Bên cạnh đó, hàng tiểu ngạch, hàng chất lượng chưa tốt giá rẻ, hàng nhái, hàng giả nhiều, ảnh hưởng đến tiếng tăm của hàng Việt, khiến hàng Việt chưa thực sự có chỗ đứng trong tâm lý mua sắm của người Lào.
- Phải cạnh tranh gay gắt với hàng Thái:
+ Do vị trí địa lý của Lào và Thái nên việc đi lại giữa hai nước rất dễ dàng, thuận tiện, từ phía Đông Bắc Thái Lan sang thủ đô Viêng Chăn rất gần, có thể đi lại trong ngày, từ thủ đô Bankok của Thái Lan đến Thủ đô Viêng Chăn, Trung tâm Văn hóa chính trị của cả nước cũng rất gần (nếu đi tàu chỉ hết 1 đêm), phía Nam Lào hoạt động kinh doanh buôn bán sầm uất; nên hàng hóa Thái sang Lào rất thuận lợi, có chi phí vận chuyển rẻ, thời gian nhanh. Hiện nay, do có đường sắt Lào-Trung giao thông thuận tiện hơn ở vùng Trung và Bắc Lào.
+ Do Lào Thái có văn hóa và ngôn ngữ khá tương đồng. Người Lào thường xem ti vi, Facebook của Thái, văn hóa người Lào ưa dùng hàng Thái từ lâu đời.
+ Hàng Thái có giá cả cạnh tranh, bao gói, thẩm mỹ đẹp và cả chất lượng tốt.
+ Cơ chế bán hàng của Thái rất linh hoạt, chiến lược marketing tốt, có kênh phân phối chuyên nghiệp (nhìn thấy điều này cả ở Việt Nam).
- Đường sắt Lào-Trung đã đi vào hoạt động từ đầu tháng 12/2021 khiến cho việc đi lại từ Trung Quốc sang các tỉnh Bắc Lào và đến Thủ đô Viêng Chăn cũng rất thuận tiện (chỉ hơn 3h đồng hồ từ biên giới Lào-Trung đến được Thủ đô) nên tới đây, hàng Việt còn phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc (hàng hóa đa dạng, giá rẻ...). Hiện tại, chiến dịch zero Covid tại Trung Quốc nên hàng Trung Quốc sang Lào cũng chưa nhiều.
- Hệ thống kênh phân phối hàng Việt chưa thực sự được quan tâm, chỉ là những cửa hàng nhỏ lẻ. Hiện nay, đã có doanh nghiệp mở chuỗi Siêu thị hàng Việt tại Lào, là tín hiệu rất tốt cho hàng Việt, TV đã kết nối nhiều mặt hàng để đưa lên kệ của siêu thị này. Tuy nhiên, để tồn tại, siêu thị Việt này cũng phải bán khá nhiều hàng Thái.
- Thời gian dịch bệnh Covid, nhiều doanh nghiệp tư nhân, bà con người Việt đóng cửa hàng, sạp hàng về quê tránh dịch tại Thủ đô cũng như các tỉnh khác của Lào (chợ Chăm-pa-sak) tại các thời điểm cao điểm về dịch bệnh và khi quay trở lại rất khó khăn do nhập cảnh mất nhiều chi phí, ở lại phải trả phí (không như trước đây, đi lại dễ dàng, ko mất chi phí nhập cảnh và chi phí ở lại). Hiện tại, việc đi lại đã dễ dàng hơn nhưng kinh tế của Lào trải qua 2 năm dịch bệnh, ảnh hưởng của giá nhiên liệu tăng cao trên thế giới sau cuộc chiến Nga-Ukraina đang gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao, tỷ giá ngoại tệ không ổn định, lực cầu yếu sẽ là khó khăn cho việc kinh doanh hàng Việt tại Lào.
Một số nội dung tham khảo
Tình hình kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào giai đoạn 2011- 2020
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Lào trong giai đoạn 2011 – 2019 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 12,1 %/năm. Tăng trưởng mạnh trong giai đoạn năm 2011 - 2014 (tăng bình quân 28%/năm), suy giảm trong năm 2015 (-12,7%) và năm 2016 (26,7%), lấy lại đà tăng trưởng trong giai đoạn năm 2017 - 2019 với mức tăng bình quân 12,3%.
Tính đến hết Quý I/2020 kim ngạch thương mại hai nước đạt 276,3 triệu USD, giảm 1,4%. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 150 triệu USD, giảm 6,8%, nhập khẩu đạt 126,3 triệu USD, tăng 5,6%.
Về xuất khẩu
Trong giai đoạn này, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào hầu hết tăng trưởng đều qua các năm, đạt tốc độ tăng bình quân 16,2%/năm, mặc dù vậy, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang Lào còn chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn khoảng 0,4% trên tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.
Xét trong số các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Lào chỉ cao hơn kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mi-an-ma và Bru-nây.
Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Lào: máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng, xăng dầu các loại, phân bón các loại, sản phẩm từ sắt thép, dây điện và dây cáp điện, sản phẩm từ chất dẻo, phương tiện vận tải và phụ tùng, hàng rau quả...
Về nhập khẩu
Nhập khẩu của Việt Nam từ Lào trong giai đoạn này đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 9,8%/năm, chiếm khoảng 0,34% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với thế giới. Điểm đáng chú ý trong giai đoạn này là giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ Lào giảm đột biến trong các năm 2015 (giảm 26,6%) và năm 2016 (giảm 41,3%), nguyên nhân chủ yếu do việc điều chỉnh chính sách của Chính phủ Lào đối với một số nhóm hàng chủ lực, đạt giá trị nhập khẩu lớn của Việt Nam từ Lào (tạm dừng xuất khẩu khoáng sản thô năm 2015, cấm xuất khẩu gỗ chưa thành phẩm năm 2016).
Với tác động của các chính sách nói trên, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào tiếp tục đà suy giảm đến hết Quý II năm 2017, chỉ bắt đầu đà phục hồi từ Quý III năm 2017 với tác động tích cực đến từ việc ký kết Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Lào giữa Chính phủ hai nước đưa cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu trở nên đa dạng hơn, dần thay thế các mặt hàng chủ lực trước đó, các thủ tục thuế, phí cho hàng hóa có xuất xứ từ các tỉnh biên giới hai nước cũng được hưởng lợi với nhiều ưu đãi riêng có mà hai nước dành cho nhau.
Cơ cấu mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Lào trong giai đoạn này: gỗ và sản phẩm gỗ, kim loại thường, quặng và khoáng sản khác, cao su, phân bón...
Cán cân thương mại
Khác với giai đoạn các năm trước Việt Nam luôn là nước nhập siêu từ Lào với tỷ trọng tương đối cao, cán cân thương mại hai nước trong giai đoạn này đã trở nên cân bằng hơn, Việt Nam nhập siêu trung bình khoảng 13 triệu USD/năm. Kể từ năm 2016, Việt Nam đã trở thành nước xuất siêu sang Lào sau khi Chính phủ Lào điều chỉnh chính sách đối với một số mặt hàng xuất khẩu chính sang Việt Nam. Bên cạnh đó, lượng điện năng Lào kỳ vọng xuất khẩu sang Việt Nam trong giai đoạn này cũng chưa đạt mục tiêu kỳ vọng.
Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào tại Chiến lược và Hiệp định hợp tác hai nước giai đoạn 2011 - 2020
Nhìn chung, trong giai đoạn 2011 – 2020, được sự quan tâm của Lãnh đạo cấp cao hai nước, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Lào có sự tăng trưởng cả về lượng và giá trị, ngành công thương hai nước phối hợp với các cơ quan liên quan đã triển khai một loạt các nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng khung khổ pháp lý: Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Lào (năm 2015), Nghị định thư sửa đổi, bổ sung Hiệp định Quá cảnh hàng hóa năm 2009 (năm 2017), Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại biên giới Việt Nam – Lào đến năm 2025, tầm nhìn 2035… đây là những thỏa thuận tạo hành lang pháp lý cơ bản định hướng cho thương mại hai nước phát triển, đi vào chiều sâu, tạo cơ chế ưu đãi về thuế, phí đặc thù đối với hàng hóa có xuất xứ từ hai nước, đặc biệt hưởng lợi lớn là hàng hóa của các địa phương vùng biên giới hai nước. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại, mở rộng mạng lưới kết nối doanh nghiệp cũng được ngành công thương hai nước thúc đẩy, thông qua việc triển khai các Hội chợ, Hội thảo giao thương kết nối doanh nghiệp định kỳ hàng năm từ cấp trung ương đến địa phương mỗi nước v.v.
Mặc dù, trong giai đoạn này thương mại hai nước đã có những bước phát triển đáng khích lệ, kể từ khi Hiệp định thương mại biên giới Việt - Lào ra đời, cơ cấu hàng hóa xuất xứ từ hai nước đang dần chuyển dịch theo hướng đa dạng hóa ngành hàng, cán cân thương mại cũng đã trở nên cân bằng hơn. Tuy nhiên, giá trị kim ngạch thương mại cho thấy vẫn còn ở mức khiêm tốn so với mối quan hệ chính trị đặc biệt hai nước, chưa đáp ứng được kỳ vọng của Lãnh đạo cấp cao (đạt 2 tỷ USD vào năm 2015; 5 tỷ USD năm 2020).
Đánh giá nguyên nhân kim ngạch thương mại hai nước chưa đạt mục tiêu kỳ vọng trong giai đoạn 2011 - 2020:
Về xuất khẩu
- Nhóm nguyên nhân thứ nhất liên quan đến cơ cấu mặt hàng
Còn phụ thuộc quá nhiều vào một số mặt hàng chủ lực, nhạy cảm với biến động giá cả thị trường thế giới và liên quan đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư của Việt Nam sang Lào (các mặt hàng sắt thép, xăng dầu, vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị, ka-li…). Xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Lào mặc dù tăng về lượng nhưng lại giảm về giá trị do giá giảm.
- Nhóm nguyên nhân thứ hai liên quan đến sự cạnh tranh từ các nước thứ ba (Trung Quốc, Thái Lan)
+ Hàng Thái Lan có chất lượng tốt, đa dạng về chủng loại, ngành hàng, sự tương đồng về ngôn ngữ, việc tiếp cận hệ thống phân phối Lào dễ dàng, nhất là tại các tỉnh, thành phố chính của Lào. Sử dụng hàng hóa Thái Lan đã trở thành văn hóa của người Lào từ nhiều năm nay.
+ Hàng Trung Quốc cạnh tranh mạnh về giá cả, đa dạng về chủng loại và phương thức kinh doanh thuận lợi, kênh phân phối của Trung Quốc tại Lào được đầu tư tổng thể, bài bản. Trung Quốc có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư xây dựng các trung tâm phân phối hàng Trung Quốc ở hầu hết các tỉnh, thành phố lớn của Lào nhằm thiết lập một hệ thống cung ứng hàng hóa cho kênh phân phối bán lẻ của Lào trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, với tiềm lực về tài chính dồi dào, các doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang tìm mọi cách thâu tóm kênh phân phối hàng hóa bán lẻ của Lào. Hàng giá rẻ hiện được bán tràn ngập tại Lào, đây là thế mạnh đối với một thị trường nhỏ, dung lượng cầu thấp và không khó tính về chất lượng như Lào.
- Nhóm nguyên nhân thứ ba liên quan đến hạn chế trong khả năng xây dựng thương hiệu và kênh phân phối hàng hóa tại Lào
+ Doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự quan tâm tới thị trường Lào, xây dựng thương hiệu hàng hóa tại Lào. Việc đa dạng hóa, nâng cao chất lượng nhãn mác, bao bì hàng hóa còn hạn chế so với những đối thủ cạnh tranh. Do bị chi phối bởi cơ chế thị trường nên doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội xuất khẩu, kinh doanh tại những thị trường có sức tiêu thụ lớn. Bênh cạnh đó, việc xây dựng kênh phân phối là xương sống đảm bảo ổn định, thành công cho phát triển hàng hóa trên thị trường. Tuy nhiên, hoạt động này cũng chưa được doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tại thị trường Lào.
- Nhóm nguyên nhân thứ tư: Cơ sở hạ tầng thương mại biên giới giữa Việt Nam với Lào mặc dù cũng đã được Chính phủ hai nước quan tâm, tuy nhiên do hạn chế về nguồn vốn nên chưa thực sự được chú trọng phát triển, mặc dù Chính phủ hai nước đã có chủ trương xã hội hóa, tuy nhiên chưa nhận được nhiều sự quan tâm (hệ thống chợ biên giới, hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông, kho bãi, hệ thống kiểm tra, thông quan hàng xuất nhập khẩu).
- Nhóm nguyên nhân thứ năm: quy mô thị trường của Lào nhìn chung còn nhỏ, sức tiêu thụ yếu do dân số ít, tính thanh khoản ở mức thấp (gần 7 triệu dân, tổng cầu thị trường không lớn so với các nước khác, vào khoảng 5 tỷ USD nhập khẩu hàng năm, trong đó nhập khẩu máy móc thiết bị chiếm khoảng 33%).
Về nhập khẩu
+ Mục tiêu chủ chốt đẩy mạnh xuất khẩu năng lượng điện của Lào sang Việt Nam trong giai đoạn này chưa đạt kỳ vọng do hệ thống các dự án thủy điện của nhà đầu tư Việt Nam tại Lào chưa đạt tiến độ đề ra. Nguyên nhân đến từ yếu tố chủ quan nội tại của doanh nghiệp; yếu tố mặt bằng giá; pháp lý trong xây dựng dự án thủy điện trên dòng sông Mê – Công. (Kỳ vọng trong giai đoạn này kim ngạch xnk năng lượng điện 2 nước đạt giá trị khoảng 500 - 1.000 triệu USD/năm, tuy nhiên thực tế con số này còn khá nhỏ bé, chưa đến 10%).
+ Năng lực sản xuất hàng xuất khẩu của Lào còn hạn chế, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu nguyên liệu thô (khoáng sản thô và gỗ). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Lào đã siết chặt chính sách quản lý làm giảm tỷ trọng xuất khẩu (cấm xuất khẩu tinh quặng thô, tạm dừng cấp phép mới các dự án khoáng sản, cấm xuất khẩu gỗ chưa thành phẩm).
+ Tình hình vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu qua biên giới còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nhập khẩu chính ngạch vào Việt Nam từ Lào. Công tác quản lý, giám sát của cơ quan chức năng Lào tại cửa khẩu còn hạn chế, nạn tham nhũng tiếp tay cho buôn lậu còn tồn tại (Qua tìm hiểu từ doanh nghiệp, hiện nay mặt hàng gỗ tròn và tinh quặng thô vẫn được vận chuyển qua biên giới theo đường tiểu ngạch).
Kiến nghị phương hướng hợp tác thời gian tới
- Chính phủ hai nước xem xét: sửa đổi, bổ sung Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào ký năm 2015 cập nhật Biểu thuế hài hòa ASEAN AHTN2017 và một số nội dung cho phù hợp với tình hình mới.
- Phối hợp tháo gỡ khó khăn, tồn tại trong hợp tác phát triển các dự án năng lượng điện tại Lào làm cơ sở thúc đẩy kim ngạch nhập khẩu điện về Việt Nam.
- Ngoài việc tổ chức Hội chợ Thương mại Việt - Lào thường niên tại thủ đô Viêng-chăn, Lào, Bộ Công Thương thông qua Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Lào phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh trong nước mở rộng các hoạt động xúc tiến thương mại, mô hình Tuần hàng Việt Nam, Hội thảo giao thương, kết nối doanh nghiệp tại các tỉnh miền Bắc và Nam Lào một cách có hiệu quả.
- Có cơ chế phù hợp khuyến khích doanh nghiệp Việt có tiềm năng trong lĩnh vực bán lẻ tham gia thiết lập kênh phân phối, làm việc với cơ quan chức năng có liên quan của bạn để hình thành Trung tâm hàng Việt Nam tại Lào và chuỗi cửa hàng tiện lợi cung cấp hàng Việt ở các tỉnh thành phố lớn của Lào.
- Tăng cường công tác quản lý thị trường vùng biên ở các cấp từ Trung ương đến địa phương nhằm giảm thiểu nạn buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh biên mậu Việt Nam - Lào lành mạnh, hướng tới thực hiện mô hình “Một cửa một lần dừng” có hiệu quả trên toàn tuyến biên giới hai nước.
- Tổ chức kiểm tra việc thực hiện cơ chế, chính sách về thương mại biên giới và quản lý chợ biên giới, việc thực hiện Thỏa thuận Hà Nội năm 2007 về tạo điều kiện thuận lợi cho người, hàng hóa, phương tiện qua lại biên giới Việt Nam – Lào nhằm tạo điều kiện thông thương hàng hóa, giảm bớt các chi phí, thủ tục và thời gian thông quan.