Tâm lý e ngại
Mới đây, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có buổi làm việc với Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Sau khi nghe Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh báo cáo: “Nhiều doanh nghiệp rất chủ động phối hợp với lực lượng QLTT, nhất là doanh nghiệp nước ngoài, khi phát hiện hàng hóa bị làm giả sẽ ngay lập tức báo lại cho các cơ quan chức năng nhờ vào cuộc kiểm tra xử lý. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước lại có tâm lý e ngại đề cập đến vấn đề này”; Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phân tích và giao nhiệm vụ “Chính các đồng chí làm mới có thể thay đổi tư duy của doanh nghiệp và nhận thức của người tiêu dùng”.
“Thay đổi tư duy” mà Bộ trưởng nói ở đây là doanh nghiệp và người dân hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước chống lại việc sản xuất, kinh doanh hàng giả. “Hợp tác” là có đi có lại, xuất phát từ hai phía. Nhưng trong khi doanh nghiệp và người dân còn “có tâm lý e ngại” thì cơ quan quản lý phải là người chủ động thúc đẩy sự hợp tác đó.
Tâm lý e ngại của doanh nghiệp mà Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nói là có thực. Sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp bị làm giả, nhưng nhiều doanh nghiệp cắn răng chịu trận. Không báo cho cơ quan chức năng hay thông tin cho cơ quan truyền thông vì sợ rằng, người tiêu dùng biết mặt hàng này bị làm giả, lại không có kỹ năng phân biệt thật-giả, nên họ sẽ lảng tránh, chuyển sang mua sản phẩm tương tự của những doanh nghiệp chưa bị phát hiện làm giả.
Một số doanh nghiệp khác chưa hiểu rằng, tuy việc phát hiện hàng giả, hàng nhái trên thị trường không khó, nhiều loại chỉ cần nhìn mắt thường cũng biết là hàng giả, nhưng để khẳng định là hàng giả, phải có giám định kết luận hàng giả, lúc đó mới bị tiêu hủy. Thấy quá trình xử lý hàng giả theo từng bước như quy định của pháp luật, doanh nghiệp cũng có thể nản lòng, không muốn báo cơ quan chức năng xử lý.
Niềm tin quyết định
Hành động quyết liệt của cơ quan chức năng có tác động rất lớn đến sự hợp tác của người dân và doanh nghiệp. Năm 2016 Cục Quản lý Cạnh tranh (nay là Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng) tiếp nhận 374 vụ việc khiếu nại bằng văn bản của người tiêu dùng, thông qua trang website, e-mail, gửi bưu điện, gửi trực tiếp, trong đó, gửi e-mail có 178 vụ việc.
Các chuyên viên của Cục đã xử lý thành công hoặc chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để xử lý thảnh công 370 vụ việc trong tổng số 374 vụ việc tiếp nhận (chiếm khoảng 99%). Hẳn nhiên tỷ lệ thành công cao đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Trong 8 tháng đầu năm 2019, chỉ riêng qua đường e-mail, Cục đã nhận được 354 thư phản ánh các vụ việc, gấp 2 lần so với 178 vụ việc phản ánh qua e-mail của cả năm 2016.
Qua sự việc trên chúng ta thấy rõ, việc xây dựng niềm tin mang tính quyết định nhất đến sự hợp tác của người dân và doanh nghiệp. Cũng trong buổi làm việc nói trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Tổng cục xây dựng niềm tin bằng những phương châm, kế hoạch cụ thể. Đó là:
- “Phát huy vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình tấn công vào những trung tâm đầu nậu, những điểm nóng, trọng điểm về buôn lậu hàng gian, hàng giả”.
- “Tổng Cục cần cụ thể hoá việc phối hợp ngang và phối hợp dọc với các đơn vị chức năng cũng như địa phương. Trong đó, các yêu cầu phải được cụ thể hoá bằng các mục tiêu và đánh giá cụ thể”.
- “Đối với các vụ việc điển hình đã được thực hiện tại các địa bàn trọng điểm, Tổng cục cần nghiên cứu sâu, phân tích và rút ra những định hướng, nhất là các biện pháp, giải pháp để làm tốt trong các vụ việc tiếp theo”.
- “Tổng cục phải tổ chức các đoàn làm việc tại địa phương, xây dựng các đề án trực tiếp gắn với các địa bàn cụ thể”.
- “Cần nghiên cứu sâu hơn về đặc điểm, tổ chức bộ máy, đặc thù trong lực lượng QLTT để tìm ra các sở trường, sở đoản; đưa ra những phương thức mới trong hoạt động quản lý thị trường, đảm bảo được hiệu quả trong đấu tranh chống buôn lậu và chống gian lận thương mại cũng như nạn hàng giả”.
Trên cơ sở đó, Tổng cục QLTT đã xây dựng chiến lược hoạt động trong các năm tới. Trong đó, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP, các Chỉ thị 17, Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ; các Kế hoạch số 11 và Kế hoạch 1239 về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu và công chức trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm phức tạp, nghiêm trọng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân mà không có giải pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả.
Hành động quyết liệt, có kế hoạch, tập trung vào lĩnh vực, địa bàn trọng tâm, trọng điểm không chỉ nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, mà còn là tiền đề khiến người dân, doanh nghiệp làm ăn chân chính chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng đấu tranh với các hành vi kinh doanh trái pháp luật.
Trên thực tế, gần một năm qua, Tổng cục QLTT đã bước đầu tạo dựng được niềm tin của mình. Từ tháng 11 năm 2018 đến giữa tháng 9 năm 2019, thông qua đường dây nóng đã tiếp nhận 177 cuộc gọi, trong đó 168 cuộc gọi phản ánh, tố giác về tình hình buôn lậu, hàng nhái, hàng giả, chất lượng sản phẩm.