Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Tiến sĩ Lê Văn Luận nhấn mạnh: hoạt động hợp tác doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược xây dựng và phát triển Nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và thương hiệu của trường trong lịch sử hình thành và phát triển. Đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.
Việc nâng cao chất lượng, xây dựng và vận hành các quy trình công việc có liên quan; phân công chức năng nhiệm vụ và chỉ rõ những “điểm nghẽn” để từ đó khắc phục và vận hành tốt hệ thống, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động này rất thiết thực.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận nhằm đánh giá lại hiệu quả hoạt động của trường giai đoạn 2021 – 2022; đồng thời đề ra nhiều giải pháp hữu ích để xây dựng và phát triển hoạt động hợp tác doanh nghiệp trong giai đoạn 2023 – 2025.
Ở góc nhìn của đơn vị quản lý đào tạo, ThS Phan Bá Thanh Tâm, Phó trưởng phòng Đào tạo – Công tác sinh viên cho rằng: “Hoạt động hợp tác doanh nghiệp trong thời gian qua chưa có tính hệ thống và tổng quan, các đơn vị, bộ phận vẫn thiếu sự phối hợp để tạo nên sức mạnh chung trong toàn trường”.
“Công tác hợp tác doanh nghiệp cần được lan tỏa mạnh mẽ hơn trong tập thể cán bộ giảng viên, phát huy sức mạnh tập thể và vai trò của mỗi cá nhân giảng viên trong hoạt động này” - ThS Phan Gia Tiến – Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Cơ khí chia sẻ.
Hội thảo đã thẳng thắn chỉ ra những “điểm nghẽn” trong hoạt động hợp tác doanh nghiệp thời gian qua; thống nhất cơ bản định hướng chung trong hoạt động hợp tác doanh nghiệp giai đoạn 2023 – 2025 và lộ trình, cách thức thực hiện để cùng triển khai có hiệu quả, thực chất hoạt động này.
Chất lượng nguồn nhân lực là điều kiện nền tảng để duy trì sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của mỗi DN, nhà trường và của cả nền kinh tế. Trong những năm gần đây, ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, HueIC còn tập trung đẩy mạnh hoạt động liên kết với các doanh nghiệp nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi ra trường. Nhà trường đã triển khai chiến lược hợp tác doanh nghiệp và cam kết đảm bảo 100% việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.
Hằng năm, trường thường xuyên phối hợp với DN trong nhiều hoạt động: xây dựng chương trình, giáo trình; đánh giá người học; cử giảng viên thực tế tại DN; cử sinh viên – học sinh đi thực tế, thực tập tại DN; mời các doanh nhân chia sẻ kinh nghiệm, truyền lửa đam mê nghề nghiệp cho người học; mời các DN tổ chức các hội thảo về công nghệ dành cho giảng viên và sinh viên – học sinh tiếp cận; Tổ chức các chương trình Ngày hội việc làm và tuyển dụng người học tại trường; Tiếp nhận trang thiết bị hỗ trợ công tác đào tạo do DN trao tặng; Phối hợp cùng DN trao học bổng cho các sinh viên – học sinh….
HueIC trực thuộc Bộ Công Thương là một trong 33 cơ sở Giáo dục nghề nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhà trường luôn xác định quan hệ doanh nghiệp là xương sống trong hoạt động đào tạo nghề với phương châm hợp tác Win - Win và luôn “trải thảm đỏ” mời DN vào hợp tác với nhà trường.
Trường đã thực hiện ký kết MoU hợp tác với rất nhiều doanh nghiệp như Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, Công ty cổ phần Dệt may Huế, Công ty cổ phần ô tô Thống Nhất, Công ty Cổ phần Đầu tư – Kiến trúc và Xây dựng Tiến Thành, Công ty TNHH Bravo Media Việt Nam, OBC Việt Nam …
Hiện nay, HueIC đang hợp tác chặt chẽ với hơn 500 doanh nghiệp trong quá trình đào tạo và giới thiệu việc làm, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Daikin, Mitsubishi, LG, Huyndai, Yamaha, Honda, EVN, HbI, Hue Tourist, Lilama, Vinfast, Canon, Scavi …
Nhà trường đã và đang mở rộng quy mô đào tạo theo xu hướng yêu cầu nguồn nhân lực của miền Trung và Thừa Thiên Huế theo định hướng phát triển kinh tế xã hội của khu vực. Ưu tiên phát triển các ngành nghề đào tạo kỹ thuật có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh và các ngành nghề mới; đặc biệt là nhóm ngành nghề đón đầu sự phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế theo tinh thần Nghị quyết 54.
Đáp ứng nhu cầu xã hội, nhu cầu DN và thị trường lao động là bản chất và định hướng chủ yếu để đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp. Mối quan hệ giữa đào tạo nghề và nhu cầu xã hội là quan hệ “Cung – Cầu”, có quan hệ rất chặt chẽ và khăng khít với nhau. Nếu đào tạo không gắn với nhu cầu xã hội sẽ ngay lập tức xuất hiện hiện tượng mất cân đối, vừa thừa, vừa thiếu nhân lực và sẽ sa vào hiện tượng “thừa thầy, thiếu thợ”.