Tái sử dụng mâm ngũ quả
Ngày tết, hầu như gia đình nào cũng chưng mâm ngũ quả với nhiều loại trái cây. Và việc sử dụng mâm ngũ quả như thế nào sau những ngày tết là vấn đề khiến nhiều bà nội trợ quan tâm. “Chưng mâm ngũ quả là phong tục rồi mình không thể bỏ. Tuy nhiên, sau những ngày mùng, trái cây được đưa xuống không còn tươi mới, với lại số lượng quá nhiều nên việc làm sao để 'tiêu thụ' hết mâm trái cây này là điều rất khó với gia đình tôi”, chị Nguyễn Quỳnh Giao (ngụ đường Trường Sa, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ.
Mới đây, food blogger Chánh Trần livestream chia sẻ nhiều bí kíp tận dụng thức ăn thừa sau tết. Anh Chánh Trần gợi ý: “Mâm ngũ quả đa số theo chủ đề cầu - dừa - đủ - xoài. Ngoài Bắc có chuối, miền nam hay có quả sung, có thơm, dưa hấu… xử lý các loại trái cây này khá đơn giản, chỉ cần nhớ được đặc tính của từng loại trái cây mà chế biến thành món mới”.
“Đu đủ có thể đem hầm canh uống cho mát. Sau những ngày ăn cá thịt, đồ chiên xào thì canh đu đủ là món vừa bổ, vừa mát. Với dưa hấu, xoài, mãng cầu, hạt dưa, hạt bí… anh Chánh Trần gợi ý làm món mứt trái cây để ăn kèm với kem tươi. Với mảng cầu, thêm đường vào cho ngấm; hạt bí, hạt dưa cho vào tô, thêm một ít bơ, hạt yến mạch, 1 lòng đỏ trứng, ít đường trộn đều. Cho hỗn hợp các loại hạt lên phía trên mãng cầu. Đun nóng lò ở nhiệt độ 160 độ khoảng 10 phút, cho mãng cầu vào nướng khoảng 45 phút rồi lấy ra. Để nguội dùng kèm với kem tươi là ngon không thể tưởng. Món mứt này có thể để được rất lâu...”, anh Chánh Trần chia sẻ thêm.
Anh cũng gợi ý các bạn thích món ngọt có thể làm kem tươi tại nhà bằng những loại trái cây có sẵn như kem xoài, xem dưa hấu, kem mãng cầu… vừa tận dụng được trái cây thừa, vừa có kem tươi để đãi cả gia đình.
Bánh chưng, dưa kiệu thành món khai vị
Kết hợp giữa món bánh chưng chiên và cơm risotto kiểu Ý, anh Chánh Trần tạo nên món bánh chưng chiên kiểu mới phù hợp với gia đình nào lỡ có món bánh chưng “ế”.
Anh hướng dẫn: “Bánh chưng, bánh tét chiên sau tết là món quen thuộc. Tách riêng phần nếp của bánh với phần nhân ra. Dùng cối quết nhuyễn từng phần. Vì bánh tét, bánh chưng lúc làm người ta đã nêm gia vị rồi nên không cần nêm nữa. Nếp sau khi giã nhuyễn thì cán mỏng, cho phần nhân đậu xanh vào bên trong, vo thành viên tròn. Đun nóng chảo dầu, cho bánh nếp vào chiên vàng, vớt ra để ráo dầu. Món bánh nếp này ăn kèm tương ớt, nước mắm chua ngọt đều được”.
Bên cạnh bánh chưng, dưa kiệu muối chua nếu không ăn hết thì sau tết khó mà tái sử dụng được vì ngán. Theo anh: “Để chống ngán, với kiệu ngâm giấm vớt ra, dùng dao thái cắt thành từng cọng nhỏ nhỏ, trộn gỏi. Những ngày này nhà nào cũng có nhiều khô bò, khô mực, khô gà… thêm rau thơm, ít đậu phộng rang, củ hành tây, ít ngó sen là đủ nguyên liệu cho món gỏi. Nước trộn gỏi là nước mắm chua ngọt thông thường. Những ngày ngán thịt mỡ, mà có món gỏi chua ngọt này ăn cực kỳ bắt cơm, hoặc đem đãi khách thì thật tuyệt”.