Ngay sau Hội nghị, Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban và thành viên bao gồm Bộ trưởng các Bộ có liên quan. Dưới đó, có một Tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo này.
Đây là một vấn đề tiếp cận toàn xã hội, cho nên tất cả các Bộ ngành cùng phải đồng hành để triển khai những nhiệm vụ mà Ban chỉ đạo đã giao phó.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt những nội dung rất quan trọng, ví dụ như Chiến lược chống biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động triển khai cam kết tại COP 26; Kế hoạch hành động thực hiện cam kết giảm phát thải khí mê tan; Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu;…
Bộ Công Thương, ngay từ tháng 4/2022, đã là một trong 4 Bộ đầu tiên ban hành kế hoạch hành động thực hiện các cam kết tại COP26, trong đó nêu nhiệm vụ cho các đơn vị và các cơ quan liên quan để xây dựng những chính sách và nhiệm vụ cụ thể để làm sao chúng ta có thể thực hiện được giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực của ngành Công Thương.
Trong cơ cấu phát thải khí nhà kính, nếu theo kịch bản phát triển thông thường, đến năm 2030, ngành Công Thương chiếm đến khoảng 80% tổng phát thải quốc gia. Đây cũng là một thách thức rất lớn đối với ngành trong việc thực hiện, triển khai cam kết COP 26.
Song song với đó, các giải pháp của các Bộ ngành về tổng thể, Bộ Công Thương đã đưa vào các nội dung chính bao gồm:
Một là, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, tức là chúng ta thúc đẩy phần nhu cầu sử dụng năng lượng.
Hai là, chúng ta sẽ chuyển đổi mô hình về nguồn cung năng lượng theo hướng xanh hơn, tức là thúc đẩy năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng tái tạo.
Ba là, chúng ta sẽ nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới, như các công nghệ về thu giữ, lưu trữ và sử dụng carbon (CCUS) và một số giải pháp hybrid giữa công nghệ và chuyển dịch năng lượng là chuyển đổi về nhiên liệu mới, như hydrogen xanh, các nhiên liệu amoniac sử dụng cho lĩnh vực phát điện,…
Trong 3 việc đó thì hiện nay đã được xem xét trong quy hoạch các chiến lược của ngành, của Bộ Công Thương đang xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ, ví dụ Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Hiện nay Bộ Công Thương đã đưa những chính sách cụ thể vào trong các đề án, quy hoạch, chiến lược.
Trong đó, có hướng chính là chuyển dịch nguồn năng lượng theo hướng giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm. Cũng chỉ có 2 giải pháp chính này trong ngành năng lượng. Trong tương lai xa, sẽ áp dụng một số công nghệ để chuyển đổi các loại nhiên liệu trong công nghệ về phát điện.
Song song với đó, Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành cũng sẽ phải xây dựng các quy định trong việc phát thải khí nhà kính. Ví dụ như Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các Bộ, ngành đang xây dựng thị trường carbon.Để thị trường carbon hoạt động được thì chúng ta phải xây dựng rất nhiều khung pháp lý để cho các doanh nghiệp tham gia thị trường này, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của các “người chơi” trong thị trường.
Các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, sẽ phải xây dựng các quy định về báo cáo thẩm tra (MRV) để tạo cơ chế giám sát trong hoạt động của thị trường. Ngoài ra, các Bộ, ngành sẽ phải hướng dẫn các doanh nghiệp, tức là các cơ sở phát thải lớn, kiểm kê được khí nhà kính trong các năm theo quy định tại Nghị định 06 về hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020.
Ngoài ra, Bộ Công Thương trong thời gian qua và thời gian tới cần đẩy mạnh hơn, đã phối hợp với các tổ chức quốc tế đã nâng cao năng lực của một số doanh nghiệp.
Giai đoạn vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới tập trung vào 2 ngành phát thải lớn nhất trong lĩnh vực Công Thương là ngành thép và ngành nhiệt điện. Hiện nay mới hướng dẫn, đào tạo họ xây dựng những báo cáo MRV, những báo cáo kiểm kê và việc thực thi các quy định khi thị trường carbon mở cửa.
Trong thời gian tới, Bộ Công sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế xem xét, nghiên cứu và hướng dẫn doanh nghiệp các vấn đề về dấu vết carbon. Vấn đề này rất quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, bởi hiện nay các quốc gia phát triển đã đưa ra các quy định về chống rò rỉ carbon xuyên biên giới (gọi tắt là thuế carbon), và đây sẽ là rào cản trong việc xâm nhập thị trường của sản phẩm chúng ta khi xuất khẩu. Đây cũng là một vấn đề rất mới và chúng ta sẽ nghiên cứu và hướng dẫn các doanh nghiệp có những kiến thức, hỗ trợ các doanh nghiệp có giải pháp để giảm dấu vết carbon này để thuận lợi trong hoạt động kinh doanh và xuất khẩu.
Ngoài ra, trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng sẽ cố gắng tìm các nguồn lực để hỗ trợ kiểm kê phát thải khí nhà kính của các cơ sở phát thải khí nhà kính lớn của ngành theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.