Hội thảo do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) tại Việt Nam (Dự án SPI-NDC).
Nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước và khối doanh nghiệp, Hội thảo tập trung vào việc thực hiện các quy định pháp luật mới và hướng dẫn kỹ thuật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; phổ biến các chủ trương, chính sách về biến đổi khí hậu tại Việt Nam, các biện pháp thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và mục tiêu hướng tới phát thải ròng bằng “0”, đồng thời giới thiệu một số biện pháp điển hình của doanh nghiệp trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Quang – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (DCC-MONRE) chia sẻ: "Kể từ năm 2021, trong khuôn khổ hợp tác với Dự án SPI-NDC (JICA), Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã triển khai hoạt động hợp tác kỹ thuật nhằm hỗ trợ thực hiện NDC tại Việt Nam. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho khối doanh nghiệp tham gia vào lộ trình này là một trong những bước đệm quan trọng để thúc đẩy các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu".
Cùng chung nhận định, đại diện VCCI, ông Nguyễn Tiến Huy – Giám đốc Văn phòng Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững cho biết thêm: "Thông qua những sáng kiến như Không xả thải vào thiên nhiên – thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững, sáng kiến Khu công nghiệp bền vững, hay hoạt động hợp tác ý nghĩa giữa MONRE, VCCI và JICA trong khuôn khổ Dự án SPI-NDC, VCCI mong muốn thúc đẩy việc triển khai các mô hình kinh doanh "xanh" mạnh mẽ và hiệu quả hơn tại Việt Nam".
Hội thảo cập nhật đến cộng đồng hiệp hội, doanh nghiệp về các quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 06/2022/NĐ-CP, Thông tư 01/2022/TT-BVMT và các quy định khác đang được xây dựng nhằm hướng tới phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; cũng như các hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực nhằm tạo điều kiện cho khối tư nhân tham gia giảm phát thải khí nhà kính từ JICA.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, HEINEKEN Việt Nam đã chia sẻ thông lệ tốt đang được triển khai tại doanh nghiệp hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Theo bà Holly Bostock – Giám đốc Ngoại vụ cấp cao HEINEKEN Việt Nam, trên hành trình phát triển bền vững “Vì Một Việt Nam Tốt Đẹp Hơn”, công ty cũng đã đặt tham vọng đạt phát thải ròng bằng “0” trong sản xuất vào năm 2025 và trung tính các bon trong toàn bộ chuỗi giá trị vào năm 2040. Hiện, công ty đang xây dựng các lộ trình thích hợp, áp dụng chiến lược 4Rs: Reduce – Giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng, Replace – Thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, Remove – Loại bỏ phát thải qua các dự án bù trừ các bon, Report – Báo cáo và quy chiếu theo các tiêu chuẩn ngành, hiện đang triển khai tại các nhà máy và dự kiến sẽ mở rộng trong toàn bộ chuỗi giá trị “từ nguyên liệu đến tiêu dùng” của HEINEKEN Việt Nam.
Trong phần thảo luận, đại diện các Bộ, ngành và doanh nghiệp cùng trao đổi về cơ chế thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp, tăng cường quan hệ hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp để đạt các mục tiêu đã đề ra.
Đại diện Bộ TN&MT, VCCI và JICA đã chia sẻ về các công cụ cụ thể để đẩy nhanh tốc độ triển khai các chính sách trong cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới, thu hẹp khoảng cách giữa chính sách và thực thi; những hỗ trợ từ VCCI để tăng cường sự tham gia của khối tư nhân; cũng như các cơ chế hỗ trợ quốc tế trong việc xúc tác mối quan hệ giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Đại diện HEINEKEN Việt Nam và các doanh nghiệp đi đầu trong sản xuất kinh doanh bền vững đã chia sẻ thêm về các thực hành tốt, các khó khăn trong quá trình thực hiện và đưa ra các kiến nghị, đề xuất hữu ích về những hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp.
Dự án SPI-NDC sẽ tiếp tục được triển khai với các hoạt động tăng cường năng lực xây dựng và thực hiện chính sách về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cam kết trong NDC của Bộ TN&MT, các cơ quan đầu mối của các Bộ tham gia thực hiện NDC; cũng như hỗ trợ lên kế hoạch, thực hiện, theo dõi và xây dựng các mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của khối tư nhân.