Báo cáo này được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình “Năng lượng sạch, giá cả phù hợp và bền vững cho các quốc gia Đông Nam Á (CASE)” được soạn thảo bởi các tổ chức nghiên cứu độc lập hàng đầu về khí hậu và năng lượng tại Indonesia, Philippine, Thái Lan và Việt Nam cùng Viện NewClimate và tổ chức Agora Energiewende.
Trước đó, Báo cáo được công bố vào cuối Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Vương quốc Anh), khi gần 200 quốc gia đã đạt được một thỏa thuận để tăng cường nỗ lực toàn cầu nhằm khắc phục vấn đề biến đổi khí hậu, với lời kêu gọi các quốc gia đặt mục tiêu giảm phát thải mạnh mẽ hơn và những lời hứa sẽ tăng gấp đôi số tiền hỗ trợ các quốc gia đối phó với tác động nóng lên toàn cầu. Báo cáo kêu gọi hành động tức thời và tích hợp các kế hoạch ứng phó khí hậu với các ưu tiên phát triển quốc gia để xây dựng và tăng cường sự đồng thuận chính trị.
Báo cáo đưa ra góc nhìn mới về biến đổi khí hậu (BĐKH), với các lập luận rằng kế hoạch bảo vệ khí hậu có thể được thực hiện một cách hiệu quả hơn, kịp thời và bền vững hơn nếu được tích hợp vào quy hoạch phát triển tổng thể quốc gia trong dài hạn. Để đạt được điều này, báo cáo xác định sáu "khái niệm bắc cầu" như là những yếu tố thúc đẩy các nỗ lực cân bằng phát thải trong khu vực một cách phù hợp, đồng thời nêu bật tiềm năng của các quốc gia Đông Nam Á trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang các nền kinh tế dễ thích ứng và phục hồi.
Chia sẻ với truyền thông, ông Fabby Tumiwa, Giám đốc điều hành, Viện Cải cách các dịch vụ thiết yếu (IESR), Indonesia cho biết, trong vòng 5 năm qua Chính phủ Indonesia trợ cấp cho người sử dụng điện tới 4-5 tỉ đô/năm, thậm chí có năm lên tới 7 tỉ đô, trong đó 88% năng lượng được sử dụng từ than, khí ga và dầu. Việc Chính phủ và quốc hội điều hành giá điện chính là thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Ngành Than đang là động lực phát triển kinh tế của nhiều địa phương. Trong vòng 10 năm nữa, khi việc xuất khẩu than giảm, các địa phương sẽ phải làm gì để chuyển đổi, giảm thiểu rủi ro mà không tạo ra nhóm người nghèo đói mới. Đây là một việc không đơn giản. Chúng tôi cần thời gian để xây dựng ngành năng lượng tái tạo sử dụng thay thế cho nhiệt điện than và bán nguồn năng lượng sạch đó cho các quốc gia khác, ví dụ như Singapore.
Tại Thái Lan, bà Kannika Thampanishvong - Cán bộ nghiên cứu cấp cao, Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan (TDRI) cho biết, Chính phủ Thái Lan chưa có cam kết về chính sách dài hạn về BĐKH, trong đó có sự hỗ trợ về tài chính để thu hút nhà đầu tư năng lượng sạch. Thái Lan đặt mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2065 và sau Hội nghị COP26, Chính phủ cần một thời gian để xây dựng và điều chỉnh các chính sách phù hợp với các cam kết tại COP26. Bà Kannika Thampanishvong cũng cho rằng, người dân Thái Lan đang thiếu sự hiểu biết, kiến thức và sự quan tâm tới BĐKH nên cần trong thời gian tới cũng cần đẩy mạnh truyền thông.
Về phía Việt Nam, bà Ngô Tố Nhiên - Giám đốc điều hành, Sáng kiến chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIET) chia sẻ, Việt Nam đã có sự chuyển đổi rất ấn tượng với việc Chính phủ phê duyệt Chiến lược Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 ngày 01/10/2021. Tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là mục tiêu đầy tham vọng. Và sau khi Thủ tướng Chính phủ quay trở về từ Glasgow, Quy hoạch điện VIII đang được tiếp tục cập nhật, hoàn thiện cho phù hợp với những cam kết mới của Thủ tướng tại COP26.
Việc truyền thông cũng được tập trung vào thế hệ trẻ với nhiều hoạt động xanh khác nhau, nhiều cách tiếp cận khác nhau với mục tiêu cùng thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Trao đổi tại cuộc họp với truyền thông, ông Renato Redentor Constantino - Giám đốc điều hành, Viện Khí hậu và Đô thị bền vững (ICSC), Philippine, cho biết, mỗi quốc gia Đông Nam Á có chế độ chính trị khác nhau, nên mỗi nước sẽ có những khó khăn thách thức đặc thù mà chúng ta cần cân nhắc để đạt mục tiêu. Tại Philippine, chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân, do đó khi xây dựng chính sách, Chính phủ phải đưa ra các giải pháp cụ thể huy động lực lượng tư nhân tham gia, nếu không sẽ rất khó thực hiện các kế hoạch dài hạn. Ông Renato Redentor Constantino cũng khẳng định, không quốc gia nào nên thực hiện mục tiêu của COP26 một mình mà cần sự hợp tác để có thể đạt được mục tiêu chung trong khu vực. Đồng thời, các nước phải có phương án thu xếp tài chính cho các công nghệ mới để có nguồn năng lượng sạch, hiện đại hóa ngành năng lượng để giảm phụ thuộc vào năng lượng than, tăng cường các phương tiện thân thiện môi trường.
Kết thúc cuộc họp, đại diện các quốc gia đều thống nhất, các nước phải thúc đẩy quan hệ hợp tác đa phương, đồng thời đưa ra các cam kết cụ thể hơn về các chính sách và nguồn tài chính để hỗ trợ chương trình chống BĐKH, hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050, duy trì mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp.
6 "ý tưởng cầu nối" và các yếu tố thúc đẩy có liên quan đến Đông Nam Á.
Giới thiệu Dự án CASE
Báo cáo này được công bố trong khuông khổ Chương trình “Năng lượng sạch, giá cả phù hợp và bền vững cho các quốc gia Đông Nam Á (CASE)” đồng thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ và các tổ chức chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng bền vững và biến đổi khí hậu, bao gồm: Agora Energiewende và Viện NewClimate (cấp vùng), Viện Cải cách các dịch vụ thiết yếu (IESR) tại Indonesia, Viện Khí hậu và Đô thị bền vững (ICSC) tại Phi-lip-pin, Viện Nghiên cứu Năng lượng (ERI) và Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan (TDRI) tại Thái Lan, và Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIET) tại Việt Nam. CASE được Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Liên bang Đức (BMU) tài trợ trong khuôn khổ Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) của BMU.
Mục đích của chương trình CASE là nhằm hỗ trợ chuyển đổi ngành điện theo hướng chuyển dịch năng lượng dựa trên những kinh nghiệm thực tế để hỗ trợ mạnh mẽ các chiến lược phát triển của khu vực nhằm đáp ứng các mục tiêu trong Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu. Chương trình này sẽ tận dụng những sáng kiến nghiên cứu hiện có song song với việc tạo lập thêm các bằng chứng mới từ thực tiễn địa phương, từ đó có thể tác động đến các nhà quản lý kinh tế, những người ra quyết định cho ngành điện, các nhà lãnh đạo ngành và người tiêu dùng điện để hỗ trợ quá trình cải cách chiến lược ngành điện diễn ra sớm, nhanh chóng và đáp ứng thực tiễn. Để đạt được mục tiêu này, chương trình áp dụng phương pháp tiếp cận tìm hiểu thực tế qua chung trong đó bao gồm các phân tích của chuyên gia và đối thoại để hướng đến sự đồng thuận thông qua đồng quy những ý kiến trái chiều.