Là huyện thuần nông có xuất phát điểm thấp, song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) ngày nay đã có những thay đổi tích cực, đạt được các kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, tạo đà bứt phá trong những năm tiếp theo để thực hiện thành công các mục tiêu Nghị Quyết đại hội Đảng bộ Huyện lần thứ XI đề ra .
Kinh tế tiếp tục phát triển
Năm 2023, kinh tế huyện Hòn Đất tiếp tục phát triển ổn định, có 26/26 chỉ tiêu đạt, trong đó 13 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Trên địa bàn huyện kinh tế tư nhân có sự phát triển khá mạnh, số doanh nghiệp, đơn vị kinh tế tập thể thành lập mới tăng và ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu nền kinh tế. Năm 2023 tổng giá trị nông - lâm - thủy sản đạt hơn 9.898 tỷ đồng, đạt 101,69% kế hoạch, tăng 3,35% so với cùng kỳ. Thời gian tới huyện tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện Nghị quyết số 16, theo đó huyện Hòn Đất tiếp tục chuyển đổi cây trồng, mùa vụ hợp lý để nâng cao hiệu quả sản xuất, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh vào sản xuất nhằm gia tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng.
Lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-xây dựng của Huyện tiếp tục duy trì phát triển ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp ước cả năm 2023 thực hiện hơn 1.498 tỷ đồng, đạt 107,76% kế hoạch, tăng 6,25% so cùng kỳ. Trong năm huyện có 05 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu: Bộ bàn tròn đá Hòn Sóc; Bộ bàn vuông đá Đen Tằm; Đặc sản Hòn Đất Khổ Qua Tửu; Đặc sản chả Trâu Hòn Đất; Yến tinh chế.
Cùng với đó, Thương mại- dịch vụ tiếp tục phát triển khá, thị trường hàng hóa cơ bản ổn định đáp ứng kịp thời nhu cầu lưu thông hàng hóa, tiêu dùng và sản xuất của nhân dân. Trên địa bàn huyện hiện có 16 chợ, 16 cửa hàng tiện lợi và hơn 1.000 địa điểm bán lẻ tạp hoá, 103 cửa hàng gas, 73 cửa hàng xăng dầu, ước cả năm 2023 tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt hơn 7.318 tỷ đồng, đạt 102,07% KH, tăng 1,66% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú ước cả năm đạt hơn 804 tỷ đồng, đạt 107,23% KH, tăng 15,38% so cùng kỳ.
Trong năm 2023, các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của huyện đều đạt ở mức cao, công tác xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao cơ bản đạt yêu cầu. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện 2023 ước thực hiện 104,1 tỷ đồng, đạt 100,1% dự toán tỉnh giao và đạt 98,2% kế hoạch, bằng 91,12% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách địa phương ước thực hiện 1.247,168 tỷ đồng, đạt 123% dự toán tỉnh giao và đạt 100% kế hoạch, tăng 9% so với cùng kỳ. Đến nay, toàn huyện có 09/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới đã được tỉnh công nhận, theo kế hoạch cuối năm 2023, xã Thổ Sơn đạt xã nông thôn mới và xã Sơn Kiên đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
Đồng thời, Huyện tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tuyên truyền và đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về Chuyển đổi số của huyện, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số của huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư
Thời gian qua, huyện Hòn Đất đã tranh thủ huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, kết hợp hài hòa các nguồn vốn từ Trung ương đến địa phương để triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch tạo sự đồng bộ, liên thông đáp ứng nhu cầu lưu thông, vận tải hiệu quả, an toàn.
Huyện hiện đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như Dự án Đường 286 Bình Sơn; dự án nâng cấp, mở rộng đường Mỹ Thái – Mỹ Hiệp Sơn; dự án nâng cấp đường vòng núi Hòn Me;...và đề xuất tỉnh đầu tư một số tuyến đường huyện như: Đường Kênh 9-Vạn Thanh (từ QL80 đến đường tỉnh lộ 969B); Đường T5 dưới nước với quy mô đường cấp V đồng bằng;...
Trong thu hút đầu tư, huyện Hòn Đất tập trung kêu gọi đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật du lịch, phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công. Huyện chú trọng xây dựng đô thị ven biển với Khu đô thị Thổ Sơn và Mỹ Lâm, huy động mọi nguồn lực khẩn trương xây dựng Hòn Đất trở thành địa phương có thế mạnh về biển và ven biển của tỉnh Kiên Giang.
Cùng với phát triển kinh tế biển, ven biển, huyện kêu gọi nhà đầu tư vào Khu di tích lịch sử Ba Hòn (Hòn Me, Hòn Đất, Hòn Quéo) trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật quanh khu di tích đã được đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó huyện tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi, thu hút đầu tư vào Cụm cộng nghiệp Bình Sơn, phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Ban quản lý dự án tập trung triển khai xây dựng đường 286 (QL80 - Đê biển) đạt chuẩn cấp V đồng bằng; nâng cấp, mở rộng đường Mỹ Thái và Mỹ Hiệp Sơn đạt chuẩn cấp IV-V đồng bằng. Phấn đấu đến năm 2024, Hòn Đất có 100% xã đạt chuẩn Nông thôn mới; 2 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; 1 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng huyện Hòn Đất đạt chuẩn Nông thôn mới vào năm 2025.
Huyện Hòn Đất đang chỉ đạo các ngành chuyên môn khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục trình UBND tỉnh phê duyệt Đồ án quy hoạch vùng huyện; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đồ án quy hoạch chung 02 thị trấn Hòn Đất, Sóc Sơn và nhiệm vụ quy hoạch các xã. Đây được xem là tiền đề quan trọng để huyện Hòn Đất đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Đồng thời huyện cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư theo đúng quy định pháp luật; đồng thời sẽ luôn sát cánh, đồng hành và chia sẻ cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án, thiết thực đồng hành cùng nhà đầu tư đi đến thành công".