Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, huyện Mường Ảng đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, vận động chủ thể và người dân mở rộng diện tích trồng và phát triển các sản phẩm OCOP đồng thời ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm đối với sản phẩm OCOP đảm bảo tăng năng xuất, tăng diện tích và chất lượng theo đúng thương hiệu của sản phẩm OCOP, từng bước phát triển các sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh trên thị trường nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân.
Nhờ làm tốt công tác truyền thông, tập huấn về Chương trình; ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và xây dựng nhãn hiệu sản phẩm; lồng ghép các chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP; tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP; thực hiện tốt hoạt động xúc tiến thương mại...,những nông sản đặc trưng của địa phương đã bắt đầu định danh trên thị trường.
Đến nay, huyện Mường Ảng có 7 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm được xếp hạng 4 sao (Cà phê bột Hà Chung - bột pha phin; Trà San tuyết P.H 14); 5 sản phẩm xếp hạng 3 sao (Cà phê túi nhúng SMILE SINGLE BAR COFFEE; Cà phê đen phin giấy MOM BLACK COFFEE DRIP BAG; Cà phê pha phin Arabica Mường Ảng - Điện Biên; Bưởi da xanh Mường Ảng; Thịt trâu gác bếp Chung Phước). Trong đó nhiều sản phẩm đã đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt, cà phê Arabica Mường Ảng, sản phẩm được xếp hạng 4 sao được đánh giá là loại cà phê ngon, có hương vị đặc trưng, và là một trong cây chủ lực không chỉ xoá đói giảm nghèo mà còn làm giàu cho các hộ nông dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
Để các cấp các ngành và các chủ thể hiểu về Chương trình OCOP; hàng năm UBND huyện tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền như: Lồng ghép vào cuộc họp tại cơ sở, chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình huyện xây dựng các tin, bài. Chỉ đạo Tổ hỗ trợ OCOP cấp huyện trực tiếp xuống cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm tiềm năng, thế mạnh để thực hiện tuyên truyền, vận động và giúp các chủ thể làm hồ sơ tham gia OCOP, kết quả là đã vận động được 4 chủ thể tiêu biểu tham gia đánh giá xếp hạng năm 2021, năm 2022.
Phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách lĩnh vực OCOP, các ban, đoàn thể xã, các chủ thể có sản phẩm tiềm năng. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phát triển các sản phẩm OCOP thông qua việc tuyên truyền trong các Hội, Hội viên, trong thực hiện nhiệm vụ; định hướng, hướng dẫn phát triển các ý tưởng, các sản phẩm tiềm năng. Về xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu OCOP: Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm được tỉnh công nhận đạt từ 3 - 4 sao: Tham gia các Hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, lắp đặt các pano, biển hiệu quảng bá các sản phẩm, hiện đang triển khai xây dựng 1 gian hàng trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP của huyện.
Để phát triển sản phẩm OCOP bền vững, trong thời gian tới huyện Mường Ảng tiếp tục hỗ trợ chủ thể xây dựng phát triển sản phẩm và đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP đạt xếp hạng sản phẩm 3 sao; tập trung vào các sản phẩm về thực phẩm như: Cà phê, tinh dầu sả, thịt sấy, thịt vịt, rượu,…; hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để gia hạn cho các sản phẩm đã hết kỳ hạn. Tổ chức các hoạt động quảng bá, tiếp thị cho các sản phẩm OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng từ huyện đến cấp xã, ưu tiên hỗ trợ, cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, định hướng áp dụng công nghệ 4.0 trong quảng bá và tiếp thị. Lồng ghép giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong các hội chợ thương mại tổ chức trên địa bàn huyện. Tổ chức các hội chợ liên xã, cấp huyện, vào các dịp lễ hội trên địa bàn huyện. Các xã, thị trấn lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng lợi thế để tập trung chỉ đạo phát triển và hoàn thiện sản phẩm.
Hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm đã được công nhận đạt 3 - 4 sao. Bên cạnh đó, huyện sẽ bám sát vào Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo, tuyên truyền tới chính quyền các cơ quan, ban ngành đoàn thể từ huyện đến cơ sở, các chủ thể tham gia Chương trình, hỗ trợ các chủ thể phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm để tham gia Chương trình. Đồng thời tiếp tục phát triển và duy trì cây cà phê, triển khai các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị thông qua hợp tác xã, tập trung vào hình thức sản xuất nâng cao giá trị và hiệu quả, khẩn trương hoàn thành chỉ dẫn địa lý cà phê Mường Ảng.