Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 2.605 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT), giải quyết việc làm cho khoảng 9.259 lao động, các cơ sở này có đóng vai trò quan trọng vào giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh.
Thực hiện Quyết định 136/2007/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình khuyến công quốc gia, trong thời gian qua, công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã được đẩy mạnh, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn miền núi.
Giai đoạn 2016 – 2021, hoạt động khuyến công Điện Biên được triển khai hiệu quả với 41 đề án với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng, đã tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất công nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm ổn định cho 9.259 lao động địa phương.
Nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp đã được hỗ trợ đầu tư ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tạo chuyển biến tích cực trong việc hiện đại hóa sản xuất, giảm lao động thủ công nặng nhọc, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường…
Đồng thời, với sự hỗ trợ của công tác khuyến công đã giúp hình thành các chuỗi liên kết, chế biến sâu nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm.
Năm 2021, từ nguồn khuyến công quốc gia, khuyến công Điện Biên đã triển khai xong đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất gạch không nung tại Công ty TNHH Đoàn Thảo tỉnh Điện Biên (xã Na Sang, huyện Mường Chà), kinh phí hỗ trợ 300 triệu đồng. Đồng thời, tiếp tục triển khai đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất đồ nội thất từ gỗ công nghiệp tại Công ty TNHH kiến trúc - nội thất NICE HOUSE tỉnh Điện Biên với kinh phí hỗ trợ 200 triệu đồng.
Khuyến công địa phương hỗ trợ đề án ứng dụng máy móc tiên tiến trong chế biến quả mắc ca cho Công ty Cổ phần đầu tư phát triển mắc ca và giống cây lâm nghiệp Điện Biên tại thành phố Điện Biên Phủ, kinh phí hỗ trợ 150 triệu đồng; hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất cơ khí cho Công ty TNHH thiết kế xây dựng và dịch vụ thương mại 36 Khánh Vũ, kinh phí hỗ trợ 50 triệu đồng…
Nhằm góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng bình quân 10 - 12%/năm. Phấn đấu đến năm 2025 giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh đạt khoảng 14%/năm, với trên 5.000 tỷ.
Ngành Công Thương Điện Biên đã đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cho công tác khuyến công giai đoạn 2021 – 2025 với kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 23,25 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này sẽ được sử dụng để hỗ trợ thành lập doanh nghiệp cho 8 cơ sở CNNT, xây dựng 5 mô hình trình diễn sản phẩm mới, công nghệ mới; 5 mô hình đang hoạt động hiệu quả cần nhân rộng, hỗ trợ 30 cơ sở đầu tư, cải tiến, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất, tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện, tỉnh. Bên cạnh đó, chú trọng hỗ trợ các ngành, nghề đang có xu hướng phát triển; tập trung chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN, cải cách thủ tục hành chính, giúp DN ổn định phát triển. Đồng thời hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp...