Ở Điện Biên, công tác khuyến công được xác định là một trong những giải pháp cơ bản để phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT), như: Hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, chuyển đổi nghề mới cho lao động nông thôn; hỗ trợ đào tạo nghề cho các doanh nghiệp; hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, nhằm khuyến khích các cơ sở CNNT đổi mới công nghệ sản xuất...
Sau 5 năm (2007-2012) thực hiện Quyết định 136/2007/QĐ-TTg ngày 20/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2012, khuyến công Điện Biên được đẩy mạnh, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt vùng nông thôn miền núi.Học viên đang theo học lớp đào tạo chế biến gỗ mộc dân dụng
Ông Nguyễn Văn Cộng - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Điện Biên cho biết: 5 năm qua, khuyến công Điện Biên đã hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề cho 3.530 lao động mới có việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động; cung ứng các mặt hàng phục vụ cho tiêu dùng tại chỗ cho bà con nông dân. Ðể công tác khuyến công gắn chặt với địa bàn nông thôn, cùng với đào tạo nghề, khuyến công Điện Biên còn chú trọng đầu tư cho lĩnh vực khởi sự doanh nghiệp; hỗ trợ chuyển giao công nghệ; trình diễn kỹ thuật và nhân rộng mô hình, như: Trình diễn kỹ thuật chế biến tinh bột sắn, miến dong, chế biến chè, kỹ thuật sản xuất gạch bằng lò đứng tuynel… Quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp Đông Nam huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.
Công tác khuyến công địa phương đã hỗ trợ mở 01 lớp truyền nghề chế biến chè cho bà con nông dân xã Sín Chải, xã Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa. Trung tâm Khuyến công đã tổ chức đoàn cán bộ các cơ sở sản xuất CNNT, cán bộ quản lý các huyện thị, xã đi học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh bạn nhằm nâng cao năng lực quản lý về lĩnh vực maketting, quản lý lao động; Tổ chức hội nghị tập huấn chính sách khuyến công cho các huyện, thị xã và tổ chức đoàn tham gia hội chợ triển lãm hàng CNNT khu vực phía Bắc; Tham gia các hoạt động tư vấn công trình khai thác mỏ, công trình điện nông thôn.
Với kinh phí gần 4 tỷ đồng, các chương trình khuyến công quốc gia ở Điện Biên đã khơi dậy các nghề truyền thống địa phương, như: Nghề dệt thổ cẩm, nghề sản xuất chổi chít, sản xuất hàng mây tre đan... và khai thác nguồn nguyên liệu tại địa phương, tận dụng thời gian nông nhàn để sản xuất hàng tiêu dùng, nâng cao thu nhập cho người lao động vùng sâu, vùng xa; Xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất, chế biến, nhân rộng điển hình cho một số cơ sở sản xuất trong tỉnh. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến công còn tổ chức và tham gia nhiều hội thảo, tập huấn về hoạt động khuyến công cho các huyện, thị xã và các cán bộ làm công tác khuyến công. Tuy kết quả đạt được chưa nhiều, song công tác khuyến công ở Điện Biên đã cơ bản làm chuyển biến nhận thức của cán bộ và người dân về hoạt động khuyến công.
Mặc dù vậy, công tác quản lý, điều hành hoạt động khuyến công ở Điện Biên còn rất nhiều khó khăn: Chưa có sự vào cuộc các cấp ngành, nhất là các huyện, thị xã vùng sâu, vùng xa hiểu về chính sách khuyến công còn hạn chế; số các cơ sở công nghiệp quá ít (chưa có làng nghề), số lượng đề án đủ tiêu chuẩn thụ hưởng kinh phí khuyến công quốc gia không nhiều, nên chưa khai thác nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. Trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho hoạt động khuyến công thiếu, cán bộ khuyến công ít, trình độ chuyên môn hạn chế. Ông Cộng chia sẻ thêm: Điện Biên là tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn, các cơ sở CNNT rải rác và nhỏ lẻ, tiềm lực tài chính hạn chế nên rất khó để đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Trong khi đó, nguồn kinh phí hỗ trợ của khuyến công quá ít, không tạo được động lực cho các cơ sở. Khai giảng lớp đào tạo nghề chế biến gỗNhằm động viên và huy động các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất CNNT và các dịch vụ khuyến công theo quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh thì việc có một cơ chế chính sách ưu tiên, tăng cường nguồn kinh phí khuyến công cho những vùng sâu, vùng xa là rất cần thiết. Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành trung ương và địa phương, trong thời gian tới Trung tâm Khuyến công Điện Biên sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị tập huấn, phổ biến chính sách khuyến công cho các huyện, thị xã còn lại. Đồng thời, tổ chức các chương trình bồi dưỡng kiến thức về quản trị kinh doanh, kỹ năng lập kế hoạch và quản lý, quản trị marketting,... cho cán bộ quản lý cơ sở CNNT. Công tác khuyến công sẽ chú trọng các cơ sở sản xuất công nghiệp - TTCN ở làng nghề làm hạt nhân phát triển sản xuất: Hỗ trợ, tổ chức, cá nhân khởi sự doanh nghiệp, hướng dẫn đổi mới dây chuyền công nghệ, mở rộng sản xuất, đặc biệt là các ngành sản xuất mộc, chế biến nông lâm sản, sửa chữa cơ khí nhỏ, khai khoáng, vật liệu xây dựng; Hỗ trợ truyền nghề, đào tạo lao động khôi phục nghề truyền thống, phát triển nghề mới, làng nghề và phát triển cụm điểm công nghiệp, nhằm thu hút lao động nông nhàn, sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương sản xuất các sản phẩm độc đáo, mang bản sắc dân tộc vùng, miền như: Dệt thổ cẩm, đồ trang sức, để gắn với phát triển du lịch; Đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ các cơ sở sản xuất đưa sản phẩm đi tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh, ứng dụng thương mại điện tử vào xúc tiến thương mại, cung cấp những thông tin cần thiết về thị trường giá cả, công nghệ;... Phấn đấu mỗi huyện thành lập được 01 cụm công nghiệp.
Ngoài ra, công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức và kêu gọi sự ủng hộ nhiệt tình của các cấp, ngành, các thành phần kinh tế đối với hoạt động khuyến công cũng là yếu tố rất quan trọng. Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông của Bộ Công Thương, của địa phương để ngày càng có nhiều thông tin bổ ích, thiết thực về khuyến công được truyền đạt tới cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Hy vọng, với những chủ trương và giải pháp thực hiện cụ thể, khuyến công Điện Biên sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa, làm thay đổi nhanh chóng vùng nông thôn miền núi Điện Biên.