Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng này tại Nhật Bản được chờ đợi là sẽ giúp “hạ nhiệt” căng thẳng thương mại song phương. Tuy nhiên, hy vọng về một thỏa thuận giữa Washington và Bắc Kinh bên lề hội nghị nói trên là vô cùng mong manh.
Cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc đã diễn ra “xuôi chèo mát mái” từ đầu năm 2019 cho đến trung tuần tháng 5 vừa qua, song đã bất ngờ “đi vào ngõ cụt” khi vòng đàm phán thứ 11 diễn ra tại Washington thất bại và Tổng thống Mỹ Donand Trump đe dọa sẽ "sớm" áp thuế 25% đối với 325 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh cho biết họ cân nhắc hủy các cuộc đàm phán với Mỹ sau tuyên bố nêu trên của ông Trump. Tiếp đó, trong hơn một tháng vừa qua, Mỹ và Trung Quốc đã liên tục tố cáo và đổ lỗi cho nhau làm tiến trình đàm phán thương mại đổ vỡ. Một loạt “vũ khí tiềm năng”, từ đất hiếm, trái phiếu cho đến các đòn trừng phạt nhằm vào một số công ty công nghệ… cũng đã được hai bên cân nhắc để chuẩn bị cho một cuộc chiến kinh tế theo kiểu “trường kỳ kháng chiến”.
Trong bối cảnh quan hệ Trung - Mỹ căng thẳng như trên, cuộc gặp của “ông chủ Nhà Trắng” Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng này tại Nhật Bản được xem là “chiếc phao hy vọng” để phá vỡ bế tắc đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Hiện tại, phía Mỹ đã xác nhận rằng cuộc gặp này sẽ diễn ra. Chia sẻ trên Twitter, hôm 18/6, Tổng thống Trump khẳng định đã có cuộc điện đàm "rất tốt" với Chủ tịch Trung Quốc trong đó hai bên nhất trí khởi động các công tác chuẩn bị. Tổng thống Mỹ cũng xác nhận hai bên sẽ có cuộc gặp mở rộng vào tuần tới tại Nhật Bản, bên lề Hội nghị G20. Các đội đàm phán tương ứng của hai bên sẽ bắt đầu làm việc cùng nhau trước khi cuộc gặp diễn ra. Trong khi đó, kênh truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV cũng đưa tin về cuộc điện đàm nói trên giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ.
Trước đó, Tổng thống Trump đã nhiều lần nói rằng ông trông đợi cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 để thảo luận về bất đồng thương mại giữa hai nước. Trả lời phỏng vấn hãng truyền hình CNBC Tổng thống Trump đã bày tỏ tin tưởng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại vì Bắc Kinh cần điều đó. Ông cho biết một cuộc gặp giữa ông với nhà lãnh đạo Bắc Kinh "đã được sắp xếp trong lịch trình" và đầy tự tin khẳng định rằng "tôi nghĩ ông ấy (Tập Cận Bình) sẽ tới". Hôm 14/6, Cơ quan Giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thông báo Mỹ mới đây đã tạm dừng khiếu nại liên quan tới Trung Quốc về quyền sở hữu trí tuệ cho tới ngày 31/12 tới. Giới phân tích cho rằng, đây là một động thái giảm căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và tạo bầu không khí “hòa dịu” cho đàm phán thương mại song phương.
Tuy nhiên, hiện giới phân tích cũng không quá kỳ vọng vào việc Mỹ - Trung sớm đi đến một thỏa thuận thương mại, dù cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Tập có diễn ra bên lề Hội nghị G20. Ở vòng đàm phán thứ 11 vào tháng 5 vừa qua, hai bên chưa thể thống nhất một số điểm quan trọng trong đàm phán. Phía Mỹ khẳng định rằng các vấn đề chính mà hai bên cần thống nhất là “một cơ chế thực thi thỏa thuận” và “lộ trình dỡ bỏ các biện pháp thuế quan” mà hai bên đã áp đặt với nhau. Trong khi đó, quan điểm của phía Trung Quốc cho rằng, cơ chế thực thi thỏa thuận là quan trọng, nhưng phải “bảo đảm cơ chế này có tác động hai chiều”, không thể chỉ nhằm hạn chế Trung Quốc. Chắc chắn, những cuộc gặp ngắn ngủi bên lề Hội nghị G20 cuối tháng 6 này là không đủ cho hai nước Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận về những vấn đề nêu trên.
Bên cạnh đó, phát ngôn và hành động từ cả hai phía Mỹ và Trung Quốc trong hơn một tháng qua cho thấy họ đã “đi quá xa” trong việc thể hiện quan điểm cứng rắn và chỉ trích lẫn nhau. Trả lời phỏng vấn hãng truyền hình CNBC Tổng thống Trump đã “không hề úp mở” khi tuyên bố các mức thuế quan mới nhằm vào hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc sẽ có hiệu lực "ngay lập tức" nếu Chủ tịch Tập Cận Bình không dự Hội nghị thượng đỉnh G20. Trước đó, trên trang mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump đã viết rằng thuế quan là một "công cụ đàm phán tuyệt vời".
Những phát ngôn của ông Trump còn cho thấy, bên cạnh thuế quan, phía Mỹ có thể sẽ sử dụng cả “vũ khí tiền tệ” để gây sức ép với Trung Quốc. Hôm 10/6, ông Trump đã cáo buộc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) và cho rằng cần phải làm điều gì đó để xử lý vấn đề này bởi điều này “tạo ra một sân chơi bất bình đẳng”. Cũng theo nhà lãnh đạo Mỹ, những tranh cãi xung quanh tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei có thể được giải quyết như một phần trong thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tổng thống Trump đã nhiều lần nói rằng Mỹ muốn Trung Quốc đồng ý thay đổi cấu trúc kinh tế lớn cũng như hạn chế trợ cấp doanh nghiệp nhà nước đồng thời đảm bảo doanh nghiệp Mỹ được tiếp cận tốt hơn đối với thị trường Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng: "Nếu phía Mỹ sẵn sàng tổ chức các cuộc tham vấn bình đẳng thì Trung Quốc luôn để ngỏ cánh cửa cho điều này".
Trong khi đó, Trung Quốc chắc chắn không chịu nhượng bộ trước đòi hỏi của Mỹ bởi những yêu cầu nêu trên được xem là đã đụng chạm đến “lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh. Mới đây, khi trả lời báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố rằng nếu phía Mỹ sẵn sàng tổ chức các cuộc tham vấn bình đẳng thì Trung Quốc luôn để ngỏ cánh cửa cho điều này. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ đáp trả mạnh mẽ và "chiến đấu đến cùng" nếu Washington có động thái khiến căng thẳng thương mại leo thang. Sau khi vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung thứ 11 diễn ra vào tháng trước thất bại, Trung Quốc ngày càng thể hiện quan điểm cứng rắn hơn và đổ lỗi cho phía Mỹ về việc không thể đạt thỏa thuận thương mại song phương. Hôm 2/6, Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố “Sách trắng” đề cập tranh chấp thương mại với Mỹ. Trong đó, Bắc Kinh cho rằng Washington phải chịu trách nhiệm về “những bước thụt lùi” trong các cuộc đàm phán nhằm giải quyết tranh chấp thương mại. Tiếp đó, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 4/6 ở Hà Nội, bà Doãn Hải Hồng, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, khẳng định “phía Mỹ đơn phương và hoàn toàn chịu trách nhiệm” về việc gây chiến tranh thương mại.
Với khẩu khí cứng rắn từ cả hai phía như trên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được nhiều chuyên gia dự báo là sẽ kéo dài. Trên thực tế, ngay cả giới chức Mỹ - những người xúc tiến cuộc gặp Trump - Tập bên lề Hội nghị G20 - cũng không lạc quan về một thỏa thuận song phương từ cuộc gặp này. Trả lời CNBC cách đây ít hôm, khi đánh giá về việc đạt được thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung bên lề Hội nghị G20, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã thẳng thắn tuyên bố rằng, đây không phải là nơi gặp gỡ để đạt tới một “thỏa thuận cuối cùng”.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross: "G20 không phải là nơi gặp gỡ để đạt tới một “thỏa thuận cuối cùng”
Trong khi Mỹ - Trung đối đầu về thương mại, kinh tế toàn cầu đang có nguy cơ “chịu trận”. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa dự báo, cuộc chiến thương mại nói trên, bao gồm những biện pháp đã được triển khai hồi năm ngoái, có thể làm giảm 0,5% GDP toàn cầu vào năm 2020. Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của WB công bố ngày 4/6 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới do quan ngại xung đột thương mại leo thang và các nền kinh tế lớn giảm tốc mạnh. WB nhận định kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm nay, giảm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 1 và cũng thấp hơn nhiều mức tăng trưởng 3% của năm ngoái. Ở Đông Á và Thái Bình Dương, tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể chỉ đạt 5,9%, lần đầu tiên xuống dưới mức 6% kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á hơn 20 năm trước.
Trong bối cảnh nêu trên, dù hy vọng về một thỏa thuận Mỹ - Trung bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 là vô cùng mong manh, song cuộc gặp giữa ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình vẫn có ý nghĩa quan trọng, bởi nó giúp làm dịu căng thẳng và “thắp lên hy vọng” cho các vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung tiếp theo.