Theo IEA, tới năm 2015, Mỹ sẽ vượt qua Nga và Ả-rập Xê-út để trở thành quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới và Mỹ sẽ tiến gần hơn tới việc tự cung tự cấp năng lượng trong hai thập kỷ tới trong bối cánh sản lượng khai thác dầu đá phiến tại Mỹ tăng mạnh.
Dầu đá phiến
Theo IEA, sản lượng khai thác dầu của Mỹ sẽ tăng từ mức 9,2 triệu thùng/ngày trong năm 2012 lên mức 11,6 triệu thùng/ngày trong năm 2020 do Mỹ sử dụng công nghệ khoan ngang và bơm tạo ra nứt gãy để tiến hành khai thác dầu từ các lớp đá phiến dầu tại các bang Bắc Dakota và Texas. Sản lượng khai thác dầu của Mỹ được IEA dự báo sẽ đi vào ổn định sau năm 2020.
Trong cùng khoảng thời gian này, sản lượng khai thác dầu của Ả-rập Xê-út sẽ giảm từ mức 11,7 triệu thùng xuống còn 10,6 triệu thùng; sản lượng khai thác dầu của Nga cũng giảm từ 10,7 triệu thùng xuống còn 10,4 triệu thùng. Con số trên bao gồm khí thiên nhiên hóa lỏng, khí ngưng tụ và dầu thô.
Ông Mike Wittner, trưởng ban nghiên cứu dầu tại chi nhánh New York tập đoàn tài chính Societe Generale SA (Pháp) nhận định: “Việc sản xuất dầu tăng và nhập khẩu dầu giảm sẽ có tác động kinh tế vĩ mô tích cực đối với nước Mỹ. Điều này sẽ cải thiện cán cân thanh toán, tốt cho đồng USD, cho các công việc và các ngành công nghiệp nặng khác. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc nước Mỹ sẽ không đứng riêng lẻ trên thị trường dầu”.
Sự gia tăng sản lượng dầu từ đá phiến tại Mỹ đã giúp quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới này đạt được mức tự chủ về năng lượng cao nhất trong hai thập kỷ, điều này giúp Mỹ giảm bớt tác động của việc gián đoạn nguồn cung dầu từ khu vực Châu Phi, và Trung Đông. Tuy nhiên sự bùng nổ khai thác dầu đá phiến tại Mỹ lại tác động tiêu cực đến OPEC, đe dọa doanh thu của tổ chức này. Sản lượng khai thác dầu tại OPEC hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm trong bối cảnh bất ổn chính trị diễn ra tại Libya và nạn ăn cắp dầu thô tại Nigeria.
Theo Cơ quan quản lý năng lượng Mỹ cho biết, sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng lên mức 7,896 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 18/10, xác lập mức cao nhất kể từ tháng 3/1989. Trong ngày 12/11, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) trên sàn giao dịch điện tử tại Sở giao dịch thương mại New York (NYMEX) đã giảm 2,10 USD/thùng, đóng cửa tại mức thấp nhất kể từ ngày 31/5/2013, đạt 93,04 USD/thùng.
Báo cáo của IEA cho biết, nhu cầu sử dụng dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 14 triệu thùng lên mức 101 triệu thùng/ngày vào năm 2035. Trung tâm mậu dịch dầu toàn cầu sẽ chuyển từ khu vực Đại Tây Dương sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dường do Trung Quốc đang trên đà trở thành quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Sau năm 2020, Ấn Độ sẽ thay thế Trung Quốc để trở thành quốc gia có tăng trưởng nhu cầu năng lượng cao nhất trên thế giới.
Tác động đến OPEC
Trong Báo cáo triển vọng dầu mỏ thế giới năm 2013, IEA cho biết, tới năm 2035 giá dầu thô sẽ tăng lên mức 128 USD/thùng với mức tiêu thụ dầu thô tăng thêm 16%.
Theo báo cáo triển vọng dầu mỏ thế giới được công bố vào ngày 7/11 của OPEC, nhu cầu sử dụng dầu thô được khai thác từ OPEC sẽ giảm 1,1 triệu thùng/ngày xuống còn 29,2 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ năm 2013 – 2018. Các chuyên gia phân tích của OPEC cho biết, sản lượng khai thác dầu đá phiến ngày càng tăng của Mỹ sẽ ngăn chặn đà tăng sản lượng dầu của các nước thành viên thuộc OPEC, chủ yếu là các nước khu vực Trung Đông.
Sự gia tăng nguồn cung dầu từ đá phiến dầu cũng góp phần làm giảm giá dầu được khai thác tại khu vực Duyên hải vịnh Mexico của Mỹ và gây ảnh hưởng đến giá xuất khẩu dầu của Ả-rập Xê-út, Kuwai và I-rắc.
Vào hồi tháng 7/2013, hoàng tử Ả-rập Xê-út Alwaleed bin Talal đã gửi một bức thư đến Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Ả Rập Xê Út nhằm cảnh báo sự phát triển của việc khai thác dầu đá phiến tại Mỹ sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Ả-rập Xê-út
Theo đó, ông Alwaleed bin Talal cho rằng Ả-rập Xê-út, quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới, sẽ không có khả năng để hoàn thành kế hoạch nâng công suất khai thác dầu thô lên mức 15 triệu thùng/ngày, thêm vào đó là sự “suy giảm rõ rệt và ngày càng tăng” trong nhu cầu đối với dầu thô được khai thác từ các quốc gia thành viên OPEC, đặc biệt đối với Ả-rập Xê-út.
Theo dự báo của OPEC, mặc dù nhu cầu sử dụng dầu trên toàn cầu có mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2010, nhưng nhu cầu về dầu từ OPEC trên thế giới trong năm 2014 sẽ giảm xuống còn 29,6 triệu thùng/ngày tương ứng giảm 2,6% so với sản lượng khai thác của 12 thành viên thuộc OPEC hiện tại. Nguyên nhân do các nguồn cung dầu mới xuất hiện, trong đó có dầu từ đá phiến dầu.