Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) vừa điều chỉnh giảm dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm nay xuống còn 99,4 triệu thùng/ngày. Con số này thấp hơn 0,26 triệu thùng/ngày so với dự báo gần nhất nhưng vẫn cao hơn 1,9 triệu thùng/ngày so với mức nhu cầu trong năm 2021.
Nguyên nhân chủ yếu do các biện pháp phong toả nghiêm ngặt hiện nay của Trung Quốc nhằm kiểm soát làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới do biến chủng Omicron gây ra sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tại nước này. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô nhiều nhất thế giới. Bên cạnh đó, IEA dự báo nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại các quốc gia thành viên trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thấp hơn dự kiến.
IEA cũng cho biết dự kiến nguồn cung dầu thô từ Nga ra thị trường sẽ tiếp tục giảm thêm 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2022 do tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, việc liên minh OPEC+ tăng sản lượng, Hoa Kỳ và một số quốc gia thành viên tổ chức IEA xả bán lượng lớn dầu từ kho dự trữ sẽ giúp ngăn chặn việc suy giảm mạnh nguồn cung trên thị trường. Liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước khai thác dầu đồng minh.
Trước đó, Hoa Kỳ và một số quốc gia thành viên tổ chức IEA đã đồng ý xả bán ra 120 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược nhằm bình ổn thị trường. Trong đó, Hoa Kỳ sẽ xả bán 60 triệu thùng dầu.
Hồi cuối tháng 3 vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thông báo kế hoạch xả bán ra thị trường tới 1 triệu thùng dầu/ngày trong vòng 180 ngày từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) nhằm hạ nhiệt giá nhiên liệu. Đây sẽ là lần thứ ba Hoa Kỳ sử dụng nguồn dầu thô từ SPR trong vòng 6 tháng qua và sẽ là lần xả bán từ kho dự trữ lớn nhất trong lịch sử 50 năm của SPR. Trong lần xả bán gần nhất vào tháng 11/2021, Hoa Kỳ chỉ tung ra tổng cộng 50 triệu thùng dầu.