Theo các dữ liệu chính thức mới được công bố, tăng trưởng GDP năm 2020 của Indonesia đã giảm 2,07% so với năm 2019. Mức sụt giảm này cao hơn dự báo của giới phân tích cũng như của Bộ Tài chính Indonesia đưa ra trước đó.
Mặc dù Indonesia chưa bao giờ áp đặt lệnh phong toả toàn diện nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong năm ngoái nhưng nền kinh tế nước này vẫn chịu tác động nghiêm trọng khi đại dịch Covid-19 khiến mức chi tiêu của các hộ gia đình sụt giảm mạnh và các doanh nghiệp trì hoãn đầu tư. Trong năm 2019, Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đã có mức tăng trưởng GDP 5,02%.
Các số liệu khác cho thấy năm 2020 đã trở thành một trong những năm khó khăn nhất mà Indonesia phải đối mặt với 3 quý liên tiếp (quý 1 đến quý 3) ghi nhận mức tăng trưởng âm. Tỷ lệ thất nghiệp của nước này đạt mức cao nhất trong gần 10 năm trở lại với gần 10 triệu người mất việc làm.
Bộ trưởng Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết Indonesia kỳ vọng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng dương trở lại trong quý 1/2021 với tốc độ tăng trưởng đạt từ 1,6% - 2,1%. Trong cả năm 2021, ông Airlangga Hartarto dự báo tăng trưởng GDP của nước này sẽ đạt từ 4,5% - 5,5%.
Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) cho biết sự cải thiện của nền kinh tế Indonesia trong thời gian tới sẽ song hành cùng với sự phục hồi kinh tế toàn cầu và chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí vaccine ngừa Covid-19 đang được chính phủ nước này triển khai sẽ hỗ trợ sự phục hồi kinh tế.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Indonesia trong năm nay sẽ ở mức 4,4% nhưng nhấn mạnh các hoạt động kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào việc nới lỏng dần các hạn chế di chuyển, mức độ kiểm soát dịch bệnh cũng như khả năng phân phối trên diện rộng của vaccine ngừa Covid-19.
Trong những tháng gần đây, Indonesia đã ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu tại một số ngành hàng mũi nhọn gồm dầu cọ thô, than đá, sắt thép, hoá chất hữu co, xe có động cơ và giày dép.
Trong ngày 22/2, Chính phủ Indonesia đã ban hành nhiều quy định đầu tư mới, trong đó có việc loại bỏ một số hạn chế đối với đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy đầu tư vào nền kinh tế. Quy định này bãi bỏ danh sách cấm đầu tư nước ngoài, dù vẫn duy trì giới hạn đối với đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực.
Thay thế cho quy định cũ là danh sách ưu tiên đầu tư với nhiều ưu đãi như trợ cấp thuế hoặc giảm thuế đối với các dự án đầu tư vào một số lĩnh vực như khí hóa than, thăm dò năng lượng địa nhiệt và chế biến các loại quặng như nickel và đồng.
Chính phủ Indonesia cũng nới lỏng các quy định đầu tư vào các lĩnh vực như sản xuất đồ uống có cồn, vận tải đường bộ, hệ thống thông tin giao thông tàu thủy và điều hành bay. Các dự án đầu tư sản xuất vaccine, một số lĩnh vực dược phẩm, sản xuất xe điện và các phụ tùng của xe điện sẽ được miễn thuế.