Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế của Nga được dự báo sẽ tăng tốc phục hồi sau đại dịch Covid-19 kể từ giữa năm nay. IMF đánh giá nền kinh tế Nga hiện đang có triển vọng phục hồi tốt hơn nhiều so với các nền kinh tế mới nổi khác như Ấn Độ, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Báo cáo của IMF nêu “Mặc dù chưa có dữ liệu kinh tế trong quý 1/2021 nhưng các dữ liệu về sản xuất công nghiệp trong tháng 12/2020 của Nga đều ở mức tốt, điều này có thể cho thấy nền kinh tế nước này trong quý 4/2020 đã có tiến triển, khác với các dự báo trước đây”.
IMF dự báo tăng trưởng GDP của Nga sẽ đạt 3% trong năm 2021 và tăng mạnh lên mức 3,9% trong năm 2022. Mức dự báo này được giữ không thay đổi so với báo cáo hồi tháng 1/2021 của IMF. Trong năm 2020, IMF ước tính nền kinh tế Nga đã chịu suy giảm 3,1% trước các tác động của đại dịch Covid-19.
Trong 6 tháng đầu năm 2020 khi đại dịch Covid-19 lan rộng ra toàn cầu, nền kinh tế Nga đã chịu ảnh hưởng nặng nề khi nước này buộc phải phong toả diện rộng và nhu cầu sử dụng dầu mỏ trên toàn cầu lao dốc. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm, nền kinh tế Nga đã dần được mở cửa trở lại. Mặc dù vẫn hứng chịu làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch bệnh nhưng Nga đã không tái phong toả diện rộng.
IMF cho biết đà phục hồi kinh tế của Nga sẽ trở nên rõ nét hơn và tăng tốc kể từ giữa năm 2021 khi nước này đẩy lui được làn sóng lây nhiễm dịch bệnh thứ 2 và việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 được triển khai diện rộng.
Trong ngày 22/2, Nga đã cấp phép sử dụng cho loại vaccine ngừa Covid-19 với tên gọi CoviVac do Trung tâm Chumakov của nước này phát triển và sản xuất. Đây là loại vaccine nội địa thứ ba được Nga cấp phép sử dụng, qua đó đưa Nga trở thành quốc gia có nhiều loại vaccine ngừa Covid-19 nhất hiện nay trên thế giới. Đến nay, Nga đã sản xuất được tổng cộng 11,1 triệu liều vaccine và phân phối 7,9 triệu liều cho chương trình tiêm chủng nội địa.
Tuy nhiên, báo cáo của IMF cũng lưu ý rằng nền kinh tế Nga vẫn đối mặt với các rủi ro và sự không chắc chắn trong bối cảnh một số thị trường chính của Nga có thể áp đặt các biện pháp phong toả nhằm ngăn chặn sự lây lân của dịch bệnh.
Báo cáo của IMF nhấn mạnh “Việc Nga có các loại vaccine hiệu quả đã giúp giảm nguy cơ kéo dài dịch bệnh tại nước này và có thể niềm tin của thị trường được tăng lên kết hợp với nhu cầu bị dồn nén trong thời gian dịch bệnh diễn ra sẽ giúp đà phục hồi kinh tế tại đây cao hơn dự kiến. Tuy nhiên, tất cả điều này phụ thuộc vào việc triển khai vaccine”.