Phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2023 đang diễn ra tại Davos (Thụy Sỹ), ông Bahlil Lahadalia khẳng định Indonesia sẽ triển khai kế hoạch cấm xuất khẩu quặng bauxite, nguồn nguyên liệu thô chủ chốt để sản xuất nhôm, trong năm nay. Đồng thời, ông Bahlil Lahadalia kêu gọi các nhà đầu tư chia sẻ vì Chính phủ Indonesia đã quyết định áp dụng chính sách này nhằm khuyến khích phát triển hoạt động tinh chế trên thị trường nội địa, hướng tới gia tăng giá trị xuất khẩu.
Trước đó, vào cuối tháng 12/2022, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết nước này cân nhắc sẽ cấm xuất khẩu quặng bauxite kể từ tháng 6/2023. Indonesia hiện là nước cung ứng quặng bauxite lớn thứ sáu và có trữ lượng lớn thứ năm thế giới. Giới phân tích nhận định việc Indonesia ngưng cung ứng quặng bauxite thô sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nhôm tại nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc. Indonesia hiện là nước cung cấp bauxite lớn thứ ba cho Trung Quốc, sau Guinea và Australia.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết Indonesia muốn nhân rộng thành công của kế hoạch phát triển chế biến nickel trong nước sau khi cấm xuất khẩu quặng nickel. Từng là quốc gia xuất khẩu quặng nickel lớn nhất thế giới, Indonesia đã ngừng xuất khẩu vào tháng 1/2020. Động thái này đã giúp thu hút các doanh nghiệp nước ngoài - chủ yếu từ Trung Quốc - đầu tư xây dựng các nhà máy luyện kim ở nước này.
Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) đã đệ đơn kiện Indonesia lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến chính sách cấm xuất khẩu quặng nickel của nước này. Mới đây, WTO đã ra phán quyết khẳng định việc Indonesia cấm xuất khẩu quặng nickel là vi phạm quy định của tổ chức này.
Ông Joko Widodo cho biết chắc chắn lệnh cấm xuất khẩu quặng bauxite của Indonesia sẽ vấp phải nhiều phản đối song nước này sẽ không từ bỏ kế hoạch và muốn mở rộng lệnh cấm xuất khẩu sang các loại hàng hoá, nguyên liệu thô khác như thiếc, vàng, đồng và dầu cọ. Trong thời gian vừa qua, Indonesia đã cấm xuất khẩu than đá và dầu cọ trong một thời gian ngắn, tạo ra tình trạng hỗn loạn và nhiều tuần bất ổn tại các thị trường tiêu thụ mặt hàng này.
Indonesia cho biết hiện nước này có 4 cơ sở tinh chế bauxite đang hoạt động với tổng công suất 4,3 triệu tấn alumin mỗi năm và 1 cơ sở đang được xây dựng với công suất tinh chế lên tới 27,41 triệu tấn quặng và sản lượng 4,98 triệu tấn alumin.