Dựa trên thế mạnh mỗi bên
Hiện nay, Nhật Bản đang là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và cũng là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam.
Trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong Tuyên bố chung của hai Thủ tướng, khẳng định: “Hai Thủ tướng nhất trí hợp tác nhằm tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp hai bên, cải thiện môi trường đầu tư thông qua hợp tác trong những lĩnh vực như chuyển đổi số, đa dạng hóa cơ sở sản xuất, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, hướng tới xây dựng chuỗi cung ứng bền vững trên phạm vi toàn cầu, bao gồm cả ở Việt Nam và Nhật Bản”.
Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản cũng cam kết hợp tác trong nhiều lĩnh vực liên quan đến thúc đẩy hình thành chuỗi cung ứng Việt Nam-Nhật Bản: “Hai bên sẽ tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, xem xét mở rộng quy mô hợp tác về đào tạo và tham vấn về kaizen (đổi mới), kết nối kinh doanh, xây dựng năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo nhằm giúp các doanh nghiệp này tham gia vào chuỗi cung ứng của các công ty Nhật Bản ở Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới”; “Hai Thủ tướng nhất trí tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin và truyền thông, chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển đô thị thông minh thông qua các nghiên cứu hình thành dự án, hạ tầng băng thông rộng bao gồm 5G và an ninh thông tin”.
Hai bên cũng khẳng định hợp tác thông qua các cơ chế đa phương mà Nhật Bản, Việt Nam cùng tham gia: “Hai Thủ tướng tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác sâu rộng tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên Hợp Quốc, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản, Diễn đàn khu vực ASEAN”; “Hai Thủ tướng nhất trí thúc đẩy hơn nữa tự do thương mại và hoan nghênh việc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2022. Hai Thủ tướng nhắc lại sự cần thiết phải phối hợp với các bên để bảo đảm việc thực thi đầy đủ Hiệp định. Hai Thủ tướng nhất trí về tầm quan trọng của việc cùng các thành viên khác đề cao các tiêu chuẩn cao của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP”…
Hợp tác kết nối chuỗi cung ứng Việt Nam-Nhật Bản được đánh giá cao về hiệu lực và hiệu quả nhờ dựa trên thế mạnh của mỗi bên. Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế phát triển ở trình độ cao, sở hữu công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới và là một trong những nước đi đầu về ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong khi đó, Việt Nam sở hữu nền kinh tế có độ mở cao, đang duy trì tốc độ phát triển nhanh, có nguồn nhân lực trẻ dồi dào và có nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất công nghiệp. Hai nền kinh tế có tính bổ sung cao và có nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng.
Mô hình kết nối chuỗi cung ứng
Mô hình kết nối chuỗi cung ứng Việt Nam-Nhật Bản hướng tới dựa trên ba nhân tố. Thứ nhất, để doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động ổn định tại Việt Nam thì sự phát triển của công nghiệp phụ trợ của Việt Nam là yếu tố then chốt, do đó, Nhật Bản sẽ tập trung hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này. Trên thực tế, các doanh nghiệp và các tổ chức của Nhật Bản tại Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công Thương triển khai các chương trình đào tạo, tư vấn đổi mới công nghệ sản xuất cho các doanh nghiệp Việt Nam, giúp các doanh nghiệp cải thiện năng suất, đủ năng lực trở thành nhà cung cấp, tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt trong ngành chế tạo ô tô, xe máy, điện tử. Các tổ chức và doanh nghiệp Nhật Bản, như AOTS, Toyota, Denso đã tích cực tham gia các chương trình đào tạo, tư vấn, nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp trong nước nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng, như cử chuyên gia Nhật Bản đào tạo cho doanh nghiệp Việt Nam về 5S, kaizen; cử kỹ sư tham gia giảng dạy, đào tạo tư vấn; tổ chức cho các doanh nghiệp Việt Nam tham quan, học tập từ các nhà cung cấp đã tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản...
Thứ hai, Nhật Bản và Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội trên nhiều lĩnh vực thông qua chuyển đổi số. Tháng 10/2022, hai nước đã phối hợp tổ chức Diễn đàn Việt Nam - Nhật Bản, một sự kiện trong khuôn khổ Tuần lễ số quốc tế (VIDW2022). Tại Diễn đàn, ông Izumi Matsumoto, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết trong những năm gần đây, mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực ICT giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản đã được đẩy mạnh. Bộ TT&TT, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đã bổ sung thêm các lĩnh vực hợp tác gồm 5G, an ninh mạng, đô thị thông minh. Việt Nam - Nhật Bản cũng ký ghi nhớ hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số giữa hai nước.
Chính phủ cũng khuyến khích đổi mới sáng tạo, triển khai mạnh mẽ Chính phủ điện tử và phát triển kinh tế số, trong đó có việc xây dựng và phát triển Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. Báo cáo của WIPO ghi nhận Việt Nam xếp vị trí 48/132, thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua. Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố cho thấy Việt Nam xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế. Việt Nam giữ vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (thứ 7) và Thái Lan (thứ 43).
Thứ ba là thúc đẩy sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực từ công nghiệp, năng lượng, dịch vụ, nông nghiệp, công nghệ để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Sau chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ Kinh tế – Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã thực hiện chính sách viện trợ đầu tư cho doanh nghiệp Nhật Bản ở nước ngoài nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong số 103 dự án được chọn lựa hỗ trợ sau 5 đợt tuyển chọn, Việt Nam đứng đầu với 41 dự án, chiếm 40% tổng số dự án; tiếp theo là Thái Lan có 25 dự án; Malaysia và Indonesia cùng có 12 dự án…
Trong cuộc họp báo Triển lãm công nghiệp hỗ trợ tại T.P Hồ Chí Minh tháng 10 năm 2022, ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại T.P Hồ Chí Minh cho biết, trong tình hình hoạt động sản xuất bị đình trệ do đứt gãy chuỗi cung ứng thì Việt Nam đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản. Điều này được thể hiện trong một khảo sát về tình hình thực tế của các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư ra nước ngoài do JETRO thực hiện. Theo đó, có 55,3% trong tổng số doanh nghiệp đã trả lời “sẽ mở rộng” phát triển kinh doanh tại Việt Nam trong 1 đến 2 năm tới, đạt tỷ lệ cao nhất khu vực Đông Nam Á. Ngược lại, chỉ có 2,2% doanh nghiệp trả lời là sẽ “thu hẹp” kinh doanh tại Việt Nam, con số nhỏ nhất khu vực Đông Nam Á, nhỏ thứ 2 khu vực châu Á, chỉ sau Pakistan.
Để trở thành đối tác tin cậy của Nhật Bản trong chuỗi cung ứng, Việt Nam đang tích cực hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng đồng bộ và hiện đại; nâng cấp thị trường và công cụ tài chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp hỗ trợ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết về đất đai, năng lượng, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường năng lực của các doanh nghiệp trong nước.. để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đón nhận các dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, trong đó có Nhật Bản.