Thông thường các đợt công bố kết quả kinh doanh sẽ tạo cơ hội cho thị trường đánh giá lại cổ phiếu. Thị trường chứng khoán luôn phản ánh trước kỳ vọng, chứ không phải chạy theo số liệu. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 sẽ bắt đầu từ ngày 20/7 trở đi. Do vậy nếu thị trường thật sự quan tâm đến yếu tố hỗ trợ này, đây sẽ là thời điểm để phục hồi.
Tín hiệu từ cổ phiếu ngân hàng
Theo quy định thì các thông tin chính thức về kết quả kinh doanh quý 2 hàng năm sẽ phải công bố từ 20/7, tuy nhiên thực tế trước thời điểm này sẽ có các thông tin ước tính lời lỗ được doanh nghiệp tiết lộ trước. Những cổ phiếu được dự đoán có lợi nhuận tốt đang rục rịch đảo chiều tăng giá mà cổ phiếu ngân hàng là ví dụ tiêu biểu.
Các ngân hàng đã từng gây sốc ở thời điểm cuối 2017 nhờ con số lợi nhuận cực khủng. Giá cổ phiếu đã tăng chóng mặt. Lấy ví dụ VCB đã tăng giá 98% chỉ trong quý 4/2017 và quý 1/2018; CTG cũng tăng gần gấp đôi; BID thậm chí tăng 131%.
Sau đợt bùng phát cực mạnh nói trên, cổ phiếu ngân hàng đồng loạt sụt giảm cũng chóng mặt không kém: VCB giảm 37% kể từ đỉnh, CTG giảm 46%, BID giảm 53%, MBB giảm 39%.
Ngoài diễn biến giảm chung của thị trường khiến cổ phiếu ngân hàng nói riêng và đa số cổ phiếu khác cũng giảm theo, đợt suy giảm này còn là do thị trường định giá lại cổ phiếu. Liệu những con số kết quả kinh doanh tốt trong hai quý gần nhất có tiếp tục được duy trì trong 2 quý còn lại của năm 2018 hay không, và mức tăng giá mạnh như vậy có tương xứng với lợi nhuận?
Sau khi giảm rất sâu, kết quả kinh doanh quý 2/2018 đang giúp cổ phiếu ngân hàng bình ổn trở lại. Kể từ đầu tháng 7 trở đi, giá cổ phiếu ngân hàng không giảm thêm nữa mà đi ngang. Cùng với đó là các ước tính khả quan về lợi nhuận xuất hiện. Chẳng hạn VCB dự kiến tăng lợi nhuận trước thuế gần 53% trong 6 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ. Nhìn chung ngành ngân hàng đang ở thời kỳ đỉnh cao trong chu kỳ tăng trưởng kinh tế nói chung. Do vậy, mặc dù điều chỉnh giá rất mạnh trong 4 tháng qua, cổ phiếu ngân hàng vẫn có mặt bằng giá cao hơn nhiều so với thời điểm đầu 2017.
Một số doanh nghiệp khác cũng bắt đầu đưa ra con số lợi nhuận 6 tháng ước tính. Tuy nhiên điều này khá lẻ tẻ và chưa tạo được hiệu ứng mạnh mẽ ở số lớn cổ phiếu. Theo thông lệ hàng năm, bất kỳ mùa báo cáo kết quả kinh doanh nào trong điều kiện thị trường bình thường (không khủng hoảng), cổ phiếu cũng có chuyển biến giá tích cực. Nếu thị trường kỳ vọng sớm, giá sẽ tăng trước khi có báo cáo kết quả kinh doanh chính thức. Năm nay, thị trường trải qua 3 tháng liền sụt giảm trước kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 nên khả năng rất cao thị trường sẽ phục hồi ở thời điểm sau đó. Ít nhất thị trường cũng phải phản ứng nhất định trước thông tin hỗ trợ liên quan đến yếu tố cơ bản của cổ phiếu.
Cơ hội sẽ không lớn?
Theo thống kê thì mức tăng trưởng tối đa của chỉ số VN-Index ở thời điểm công bố kết quả kinh doanh quý 2 hàng năm (tháng 7) từ 2010 đến nay là hơn 7%, mức bình quân là từ 3-5%. Đây không hẳn là mức tăng trưởng ấn tượng đồng thời bối cảnh lớn mới là yếu tố có nguy cơ cản trở cơ hội tăng tốt hơn của thị trường.
Như mới nói ở trên, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua chu kỳ giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2012 với mức sụt giảm trên 25% của chỉ số VN-Index. Trong suốt 7 năm qua, thị trường diễn biến trong bối cảnh vĩ mô hoàn toàn khác thời điểm hiện tại. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang ở đỉnh cao, nhưng bối cảnh thế giới lại thay đổi khác biệt.
Đầu tiên phải kể tới là các căng thẳng thương mại toàn cầu xuất hiện đột ngột. Thế giới chưa từng đối diện điều này. Trung Quốc, nước gần sát Việt Nam và có quan hệ thương mại cực lớn với Việt Nam, gặp những rắc rối không nhỏ. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang rơi vào chu kỳ suy giảm lớn, đồng Nhân dân tệ giảm giá kỷ lục. Các căng thẳng thương mại ngày càng leo thang và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đây là yếu tố bất ổn và khó đoán nhất nên tác động tới thị trường chứng khoán toàn cầu cũng không thể nhìn vào thông lệ quá khứ mà đoán định.
Yếu tố quan trọng thứ hai là chu kỳ tăng nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương đang được đẩy nhanh hơn. Kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các ngân hàng trung ương đồng loạt cắt giảm lãi suất, tung tiền mua tài sản, tung các gói hỗ trợ mà bản chất là tung tiền ra để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dòng tiền giá rẻ khổng lồ này đã tạo nên chu kỳ 10 năm tăng trưởng như vũ bão của các thị trường chứng khoán. Cho đến 2018, tín hiệu giảm nới lỏng tiền tệ được phát đi bằng các đợt tăng lãi suất điều hành, giảm quy mô mua tài sản định kỳ. Đợt tăng lãi suất tới đây của Mỹ có thể vào tháng 9.
Việc hiệu chỉnh lãi suất luôn tác động đến thị trường chứng khoán nói chung và sự vận động của dòng vốn đầu tư toàn cầu. Với khả năng vay vốn giá rẻ, lượng tiền mặt dư thừa được đầu tư khắp nơi, chạy tới các thị trường mới nổi, thị trường cận biên vốn có rủi ro cao nhưng cơ hội ngắn hạn lại lớn. Khi lãi suất được nâng lên, dòng vốn này rút về. Đã có những báo cáo về các đợt rút vốn rất lớn khỏi các thị trường mới nổi toàn cầu. Tại Việt Nam, hiện tượng rút vốn chưa thật sự rõ ràng do vẫn có các cơ hội đầu tư cổ phần hóa, phát hành lần đầu của các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên điều đó cũng không có nghĩa là dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ không biến động.
Bởi vì các yếu tố ảnh hưởng nói trên mang tính dài hạn nên sẽ không chỉ tác động vào một thời điểm như mùa báo cáo kết quả kinh doanh tháng 7 này. Câu chuyện nằm ở chỗ thị trường chứng khoán luôn phản ánh trước các diễn biến trong tương lai. Nếu một tương lai chưa rõ ràng và được nhìn nhận là nhiều khó khăn, điều đó cũng sẽ được phản ánh trong hiện tại. Do vậy nếu thị trường chứng khoán có tăng trưởng nhờ số liệu lợi nhuận tốt ở tháng 7 thì cũng khó “rực rỡ”.