Kết quả sau 5 năm thực hiện Hợp phần sản xuất sạch hơn ở Thái Nguyên

Thực hiện Nghị quyết 37/NQ-TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ giai đoạn 2006-2010, T

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Thái Nguyên đã tập trung mọi nguồn lực nhằm tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và duy trì tăng trưởng GDP ở mức từ 11% trở lên. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển kinh tế thì nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT) đang là vấn đề đặt ra nhiều thách thức đối với Thái Nguyên.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc BVMT, từ năm 2001, Thái Nguyên đã có Dự án quản lý môi trường tỉnh Thái nguyên được tiến hành theo Hiệp định giữa 2 chính phủ Việt Nam và Đan Mạch. Tiếp đến, năm 2005, Thái Nguyên là một trong 5 đơn vị được lựa chọn tham gia Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CPI) của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương). Để triển khai dự án hiệu quả, ngày ngày 24/1/2007, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 185/QĐ-UBND về “Đề án BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH giai đoạn 2007-2010 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” trong đó nêu rõ “Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, nghiên cứu khoa học về BVMT, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ; khắc phục, xử lý ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải sản xuất, sản xuất và tái sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng sạch, thực hiện mô hình thu hồi, tái chế và tái sử dụng chất thải rắn, sản xuất sạch hơn, từng bước áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14 001”.
Kết quả cho thấy, từ năm 2007 đến nay, Thái Nguyên đã có 12 doanh nghiệp tham gia trình diễn dự án. Điển hình như Công ty CP Giấy xuất khẩu Thái Nguyên, Công ty TNHH NN MTV Kim loại màu Thái nguyên, Nhà máy xi măng Lưu Xá, Công ty CP Vật liệu chịu lửa Thái Nguyên, Công ty CP Cơ điện Luyện kim Thái Nguyên. Tại Công ty CP Giấy xuất khẩu Thái Nguyên trình diễn dự án “Hệ thống thu hồi bột giấy, tuần hoàn nước sau xeo và hệ thống hút bụi khử mùi ở các phân xưởng sản xuất”. Theo ước tính, khi dự án hoàn thành, hàng năm, Công ty giảm được 37.900m3 nước thải, 152 tấn bột giấy và 27,5 tấn NaOH. Với hỗ trợ của CPI, Công ty áp dụng hệ thống tuyển nổi thu hồi bột giấy mịn và tái sử dụng nước dịch trắng sau xeo nhằm tiết kiệm nguyên liệu và giảm ô nhiễm nước thải. Hay đối với Nhà máy xi măng Lưu Xá với dự án trình diễn “Cải tạo công đoạn sấy nguyên liệu Nhà máy xi măng Lưu Xá” đã được bàn giao và đi vào sử dụng năm 2008. Kết quả sau khi đầu tư và chuyển giao công nghệ, nồng độ bụi khói lò Clinker giảm từ 305 mg/m3 khí thải xuống 42 mg/m3, giảm tiêu hao than từ 0,241 xuống 0,233 kg than/kg Clinker; năng suất lò nung đạt bằng năng suất trước khi lắp đặt (280 tấn/ngày). Theo tính toán của Đội SXSH, Nhà máy đã giảm được chi phí tiền than khoảng 426 triệu đồng/năm. Đặc biệt, với số vốn ra đầu tư cho các hoạt động SXSH hơn 6,5 tỷ đồng, mỗi năm tiết kiệm được trên 1 tỷ đồng chi phí cho sản xuất, giảm phát thải 178,5 tấn bụi/năm; giảm 1.509,3 tấn CO2, tái sử dụng được 825 tấn nguyên liệu. Và tại Công ty TNHH NN MTV Kim loại mầu Thái Nguyên đã trình diễn dự án “Cải tạo lò quay số 2 sản xuất bột ZnO 60% Zn công suất 4.000 tấn/năm”. Sau khi đưa vào vận hành, môi trường của Công ty được cải thiện đáng kể: bụi thải (chứa 8% chì) giảm 5,7 tấn/năm, tiêu thụ quặng thô và than đá giảm tương ứng 7-8%/năm, giảm khí thải ra môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng năng suất. Mặc dù mới triển khai các giải pháp từ tháng 10/2008, nhưng Công ty CP Tập đoàn Vật liệu chịu lửa Thái Nguyên đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ: giảm nhiệt độ môi trường xung quanh khu vực lò nung, nâng cao điều kiện làm việc của người lao động. Tăng hiệu quả sử dụng nguyên vật liệu (khoảng 5%) do hạn chế rơi vãi, định kỳ vệ sinh thu hồi bụi lắng, tỷ lệ bán thành phẩm giảm đáng kế. Giảm mức tiêu thụ điện từ 80kwh/tấn sản phẩm xuống còn 72kwh/tấn sản phẩm. Giảm mức tiêu thụ dầu FO từ 0,95 tấn/tấn sản phẩm xuống còn 0,945 tấn/tấn sản phẩm. Đối với Công ty CP Cơ điện Luyện kim Thái Nguyên đã có 02 giải pháp được Hợp phần chấp nhận hỗ trợ về mặt tài chính đó là: Dự án trình diễn “Đầu tư hệ thống nạp liệu bán tự động và Đầu tư thêm hệ thống thu hồi nước sạch từ xilo lắng cấp 2”, với tổng giá trị đầu tư là 2.592.685.000 VNĐ. Bên cạnh đó, 05 đơn vị thuộc nhóm ngành thép gồm: Nhà máy luyện Gang, Nhà máy luyện Thép - Công ty CP Gang thép Thái Nguyên; Công ty CP Luyện Cán thép Gia Sàng; Công ty CP Sửa chữa ô tô Gang Thép; Công ty CP Hợp kim sắt Trung Việt… đang hoàn thiện dự án.
Trong năm 2010, Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh BVMT thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tích cực đẩy mạnh sản xuất gắn với BVMT. Cùng với đó, Thái Nguyên đã tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo, tổ chức hội thi tìm hiểu về SXSH nhằm nâng cao nhận thức về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp của các đối tượng thụ hưởng. Tổ chức đào tạo về SXSH và cách thức phổ biến SXSH cho các cán bộ Sở Công Thương và Trung tâm Khuyến công; Tổ chức các hoạt động truyền thông ở cấp Trung ương và địa phương nhằm phổ biến SXSH cho các đối tượng khác nhau thông qua nhiều hình thức (truyền hình, báo, đài, v.v.) về: Điển hình áp dụng, lợi ích SXSH đối với cơ sở sản xuất, phương pháp luận về thực hiện SXSH…