Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 2021/VPCP-CN ngày 28/3/2024 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh (Đề án).
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh rà soát các nội dung theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 102/TB-VPCP ngày 15/3/2024 (nhất là tính khả thi và hiệu quả kinh tế trong mối quan hệ với cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, khu bến Cái Mép - Thị Vải) để hoàn thiện Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; có văn bản gửi Đề án đến Bộ Giao thông vận tải để tham khảo, nghiên cứu, xử lý trong quá trình lập Hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình hoàn thiện Hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch.
Phó Thủ tướng lưu ý cần phải xác định rõ sản phẩm đầu ra của Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với những nội dung vượt thẩm quyền của các Bộ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hoặc những nội dung cần thiết có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (đồng thời gửi Bộ Giao thông vận tải để thẩm định).
Bộ Giao thông vận tải khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 102/TB-VPCP ngày 15/3/2024; nghiên cứu, xem xét Đề án để quyết định các nội dung quy hoạch cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trên cơ sở báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về sản phẩm đầu ra của Đề án, Bộ Giao thông vận tải rà soát, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định.
Theo Báo cáo của Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đề ra mục tiêu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực. Qua đó thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.
Về vị trí, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến nằm ở khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Tổng mức đầu tư dự kiến của Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khoảng 129.000 tỉ đồng. Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7 km và bến sà lan dự kiến khoảng 2 km.
Tổng diện tích ước tính khoảng 571 ha. Bao gồm cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở công nhân viên điều hành, khai thác cảng, hạ tầng kỹ thuật... khoảng 469,5 ha và diện tích vùng nước hoạt động cảng khoảng 101,5 ha.
Ước tính với sản lượng hàng hóa năm đầu tiên qua cảng đạt khoảng 2,1 triệu TEU (1 TEU bằng 1 container 20 feet). Sau 7 giai đoạn đầu tư, lượng hàng qua Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể đạt 16,9 triệu TEU vào năm 2047 - bằng một nửa sản lượng Singapore hiện nay. Khu cảng dự kiến đóng góp vào ngân sách 34.000 - 40.000 tỉ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất. Tổng vốn đầu tư của dự án gần 129.000 tỉ đồng (5,5 tỉ USD), do Tập đoàn MSC - hãng tàu container tốp đầu thế giới đề xuất đầu tư.
Để có thể khởi công dự án trong năm 2025 theo kế hoạch, Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ phải được hoàn thiện sớm để trình Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 23-8, UBND TP.HCM đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về đề án nghiên cứu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Đề án có mục tiêu là nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP.HCM và khu vực, thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong - ngoài nước, tham gia chuỗi cung ứng vận tải thế giới.
Cảng Cần Giờ sẽ bổ sung tiềm năng, tương hỗ đưa khu vực này (cả Cái Mép - Thị Vải) trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế tầm cỡ thế giới.
Cảng thuộc vùng kinh tế động lực phía Nam, là vùng kinh tế năng động nhất của Việt Nam nên có nhiều thuận lợi để thu hút hàng hóa qua cảng và hàng hóa trung chuyển quốc tế. Trên cơ sở nhu cầu hàng hóa thông qua cảng, dự kiến cảng sẽ được phân kỳ đầu tư trong hai giai đoạn.
Trong đó, tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, khai thác cảng giai đoạn 1 trước năm 2030 (đầu tư 2 bến chính/7 bến chính). Giai đoạn 2 (sau năm 2030 đến năm 2045) sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ các bến chính còn lại.
Về công nghệ, cảng sẽ sử dụng 100% bằng điện. Bảo vệ môi trường được xem xét như một bộ phận cấu thành không tách rời của quá trình đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác cảng, trở thành cảng xanh đầu tiên tại Việt Nam.
Về nguồn vốn, cảng, công trình phụ trợ phục vụ hoạt động khai thác, trung tâm dịch vụ logistics và khu vực phi thuế quan đầu tư bằng nguồn vốn của nhà đầu tư. Còn hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối cảng sẽ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, vốn đầu tư hợp tác công tư (PPP) hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác.
Theo đề án, hoạt động của cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ chủ yếu đi bằng đường thủy. Tuy nhiên, để đảm bảo nhu cầu đi lại cũng như phục vụ hậu cần cảng..., TP sẽ nghiên cứu đầu tư, nâng cấp đường bộ kết nối khu vực này.
Từ nay đến năm 2030 sẽ làm cầu Cần Giờ và xây nút giao đường Rừng Sác với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Các cầu trên đường Rừng Sác cũng được nâng cấp, mở rộng.
Sau năm 2030, TP sẽ làm đường kết nối từ vị trí xây dựng cảng và đầu tư đường trên cao đi dọc đường Rừng Sác. Đồng thời, nghiên cứu phát triển tuyến đường sắt đô thị kết nối từ khu đô thị biển Cần Giờ vào tuyến metro số 4 tại huyện Nhà Bè.