Giải quyết được 2 vấn đề quan trọng đối với cơ chế DPPA
Triển khai nhiệm vụ tại các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 29/12/2023, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ Đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế DPPA.
Ngày 15/3/2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế DPPA.
Ngày 22/3/2024, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 112/TB-VPCP và Công văn số 1942/VPCP-CN ngày 25/3/2024, trong đó Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ tổ chức xây dựng Nghị định theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ trong tháng 5/2024 và tiến hành song song, độc lập việc phối hợp với Bộ Tư pháp xem xét quy trình rút gọn, trường hợp xây dựng theo quy trình đầy đủ hay rút gọn vẫn phải lấy ý kiến, đánh giá tác động đầy đủ của các bên liên quan và tác động về kinh tế vĩ mô.
Ngày 9/4/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 814/QĐ-BCT về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định. Ban soạn thảo xây dựng Nghị định do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân làm Trưởng ban; Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Việt Hòa là Phó Trưởng ban; và các thành viên là đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Tổ biên tập xây dựng Nghị định do Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Việt Hòa làm Tổ trưởng; hai Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực là ông Phạm Quang Huy và ông Trần Tuệ Quang làm Tổ phó; cùng 30 thành viên là đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, doanh nghiệp, tổ chức có liên quan.
Đến nay, Dự thảo 1 của Nghị định về cơ chế DPPA đã được xây dựng và đang được hoàn thiện, bao gồm 8 Điều: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Nguyên tắc giao dịch giữa các đơn vị; Mua bán điện của đơn vị phát điện thông qua thị trường điện giao ngay; Mua bán điện và thanh toán giữa Khách hàng và Đơn vị bán lẻ điện; Hợp đồng giữa Khách hàng và Đơn vị phát điện; Trách nhiệm thực hiện; Hiệu lực thi hành.
Dự thảo nêu rõ, Nghị định này quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn thông qua lưới điện quốc gia. Đối với hoạt động mua bán điện thông qua đường dây riêng kết nối trực tiếp giữa đơn vị phát điện (không phân biệt loại hình nguồn điện) và khách hàng sử dụng điện tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành về: quy hoạch, đầu tư (việc đầu tư công trình nguồn điện phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực); quy định về cấp phép hoạt động điện lực (chủ đầu tư công trình nguồn điện có trách nhiệm thực hiện quy định về cấp giấy phép hoạt động điện); quy định về an toàn điện trong phát và an toàn trong sử dụng điện; quy định về bán điện và hợp đồng và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đánh giá việc xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế DPPA nói riêng và hoạt động xây dựng văn bản chính sách pháp luật nói chung của Bộ Công Thương thời gian qua đã được tổ chức thực hiện bài bản, có sự chuẩn bị kĩ lưỡng.
“Đây là bước tiến lớn, có thể coi là quy trình mẫu mực cho các Bộ, ngành”, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định.
Các ý kiến cũng cho rằng, Dự thảo Nghị định trước mắt đã giải quyết được 2 vấn đề quan trọng đối với cơ chế DPPA, đó là xác định được cơ sở pháp lý vững chắc và hình thành phương án tài chính tích cực theo hướng thị trường, qua đó có thể đáp ứng được nhu cầu rất lớn đối với cơ chế DPPA của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đồng thời tác động đặc biệt đến hoạt động thu hút đầu tư vào Việt Nam. Thời gian tới, bên cạnh việc công khai đăng tải Dự thảo lấy ý kiến rộng rãi, cần tổ chức thêm các hội thảo, đối thoại để lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với nội dung Dự thảo Nghị định.
Rút ngắn về thời gian, đảm bảo đúng quy định của pháp luật
Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, để đáp ứng được thời gian theo yêu cầu của Chính phủ, Ban soạn thảo và Tổ biên tập cần nâng cao tinh thần trách nhiệm và tập trung hoàn thành sớm dự thảo Nghị định. Đồng thời, cần có cơ chế thông tin hiệu quả, nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo chất lượng trong quá trình biên soạn.
Ngoài ra, song song với việc xây dựng Nghị định, Bộ Công Thương cũng đang chủ trì xây dựng một số Nghị định, Luật thuộc lĩnh vực điện lực, trong đó có các nội dung liên quan đến cơ chế DPPA, do đó Thứ trưởng đề nghị các thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập quan tâm đến những nội dung này để có sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính sách pháp luật sau khi ban hành. Dự thảo Nghị định cũng cần được rà soát kĩ lưỡng và khẩn trương hoàn thiện trên cơ sở bám sát thực tiễn.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc xây dựng quy định về cơ chế DPPA được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo, bởi đây là vấn đề rất cấp thiết đối với không chỉ các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, mà còn đối với việc đầu tư phát triển nguồn điện đúng tiến độ đã đề ra, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước thời gian tới trong bối cảnh có nhiều khó khăn.
“Tinh thần là ta phải làm khẩn trương. Thủ tướng đã chỉ đạo là làm theo cơ chế rút gọn, nhưng cũng phải đúng theo quy định của pháp luật, không bỏ sót khâu nào trong quy trình mà chỉ cố gắng rút ngắn về mặt thời gian”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, Nghị định nên được xây dựng theo hướng đủ điều kiện áp dụng được ngay vào thực tiễn, không làm theo hướng “nghị định khung”, “nghị định ống” để tránh việc sau khi ban hành Nghị định lại cần chờ đợi ban hành thêm các văn bản hướng dẫn dưới Nghị định.
Các chính sách trong Nghị định cần tập trung vào hai vấn đề: thứ nhất là cơ chế giá (bao gồm cả giá truyền tải, giá sản xuất, giá phân phối,…); thứ hai là thủ tục hành chính liên quan.
Đối tượng mà Nghị định hướng đến cũng cần được xác định cụ thể trên cơ sở xem xét, tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập tại cuộc họp một cách phù hợp, có giải trình rõ ràng. Đặc biệt, cần lưu ý đến tổng thể chung của hệ thống điện, đảm bảo cạnh tranh công bằng, minh bạch giữa các đối tượng tham gia thị trường điện.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, ngay sau cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp tục nghiên cứu, góp ý cho Dự thảo Nghị định và gửi về cơ quan thường trực trước ngày 12/4/2024 để hoàn thiện trong ngày 12-15/4 và công khai lấy ý kiến đối với Dự thảo lần 1 trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương theo đúng quy định. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Dự thảo lần 2, cần tiếp tục lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức có liên quan và tổ chức hội thảo để lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp sản xuất điện,… là đối tượng thụ hưởng của Nghị định.