Với đường bờ biển dài (khoảng 385 km) và chỉ số biển (Maritime index) thuộc loại cao nhất nước, Khánh Hòa có lợi thế phát triển bền vững các ngành kinh tế biển then chốt như: ngành du lịch biển, hàng hải-cảng biển, ngành thủy sản (khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển, nuôi biển và nghề cá)…
Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, ước năm 2022, tổng sản lượng ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh thực hiện đạt 115.000 tấn, tăng 3,3% so với năm 2021. Trong đó, sản lượng thủy sản khai thác đạt 97.800 tấn, tăng 2%; sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 17.200 tấn, tăng 1,6%. Từ đầu năm đến giữa tháng 4/2023, tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đạt hơn 30.640 tấn, tăng 0,73% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng thủy sản khai thác đạt hơn 27.878 tấn, tăng 0,46%; sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt hơn 2.762 tấn, tăng 3,58%.
Phát triển ngành thủy sản toàn diện, bền vững
Theo Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa: Khai thác và sử dụng hiệu quả lợi thế, tiềm năng, điều kiện tự nhiên để phát triển khai thác, nuôi trồng, chế biến và cơ sở hạ tầng, du lịch hậu cần nghề cá góp phần ổn định kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Phát triển ngành thủy sản toàn diện, bền vững, trở thành ngành sản xuất hàng hóa xuất khẩu lớn. Có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, chất lượng, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế; sản phẩm đa dạng phục vụ cho xuất khẩu và phát triển du lịch; gắn kết chặt chẽ giữa mục tiêu phát triển với bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản.
Mục tiêu chủ yếu đến năm 2030: Tỷ trọng thủy sản chiếm khoảng 61 - 62% cơ cấu toàn ngành nông nghiệp. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 700 - 725 triệu USD, tăng trưởng bình quân 5 - 6%/năm. Trên 80% số lao động nghề cá được đào tạo, tập huấn.
Tầm nhìn đến năm 2045: Phát triển thủy sản Khánh Hòa là ngành kinh tế hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển, góp phần bảo đảm an ninh dinh dưỡng, thực phẩm; bảo đảm an sinh xã hội; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Hiện đại hoá ngành khai thác thủy sản
Phát triển đội tàu khai thác ngành thủy sản vùng khơi hiệu quả, bền vững trên cơ sở giảm dần cường lực khai thác. Xây dựng cơ cấu nghề khai thác hợp lý, giảm thiểu, tiến tới chấm dứt nghề khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi, đảm bảo phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản. Đào tạo lao động chuyên ngành KTTS, kiêm nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản. Phân bổ hạn ngạch KTTS phù hợp.… Tuân thủ các quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm, chống KTTS bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển KTTS; hình thành một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn để hợp tác đưa đội tàu khai thác viễn dương.
Áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, hiện đại hóa tàu cá, giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch; đảm bảo an toàn thực phẩm cho tàu cá, điều kiện sống và làm việc của thuyền viên phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
Hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá, dự báo thiên tai trên biển nhằm chủ động cảnh báo, kịp thời ứng phó với các sự cố, rủi ro trên biến. Đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển, tham gia hiệu quả công tác hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vũng độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Chú trọng bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản
Hình thành các khu bảo tồn biển, các khu đa dạng sinh học. Đầu tư hạ tầng và kết hợp với hoạt động du lịch cộng đồng để nâng cao đời sống cho cộng đồng ngư dân ven bờ.
Xây dựng, kiện toàn và hướng dẫn hoạt động các Tổ chức cộng đồng theo Luật Thủy sản 2017: Xây dựng quy chế hoạt động, chương trình kế hoạch hoạt động, hướng dẫn các hoạt động sinh kế và tiến hành giao mặt nước cho Tổ chức cộng đồng để nâng cao sử dụng khai thác bảo vệ tài nguyên biển.
Xây dựng quỹ bảo vệ phát triển nguồn lợi, kêu gọi các tổ chức cá nhân đóng góp hỗ trợ để thực hiện công tác tái tạo thường xuyên và mang lại hiệu quả cao hơn.
Triển khai thành lập lực lượng Kiểm ngư địa phương trên cơ sở kiện toàn, bổ sung chức năng, nhiệm vụ về Kiểm ngư và kiện toàn lại Chi cục Thủy sản theo đúng yêu cầu của Luật Thủy sản để tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển và công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các vùng biển của tỉnh được giao quản lý.
Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng trang trại
Đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo các vùng sản xuất giống thủy sản tập trung, đảm bảo an toàn sinh học, kiểm soát được chất lượng giống thủy sản trước khi cung cấp cho vùng nuôi thương phẩm. Áp dụng và đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống thủy sản. Tạo động lực cho phát triển NTTS ven biển. Đảm bảo cho phát triển nuôi các loại giống mới có giá trị kinh tế, phục vụ cho chế biến xuất khẩu thủy sản
Tuyên truyền hướng dẫn chuyển đổi từ hình thức nuôi bằng lồng bè gỗ truyền thống sang lồng bằng vật liệu mới (HDPE) chịu được sóng gió, đảm bảo an toàn và mỹ quan kết hợp với mô hình du lịch biển; nuôi các loại giống mới có giá trị kinh tế, các sản phẩm chủ lực, kết hợp nuôi đa loài để tăng hiệu quả vừa giảm ô nhiễm môi trường.
Đối với vùng biển hở: Kêu gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm có tiềm lực đầu tư nuôi công nghiệp bằng lồng bè hiện đại để tăng nhanh hơn nữa sản lượng nuôi công nghiệp đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật và trong nuôi thương phẩm.
Định hướng sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản chủ lực của tỉnh chuyển nhanh sang sản xuất thủy sản hàng hóa, nâng cao giá trị các loài thủy sản trên đơn vị diện tích, truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung theo hướng trang trại, công nghiệp, gắn với chế biến. Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong nuôi trồng thuỷ sản, đảm bảo an toàn dịch bệnh vừa nâng cao hiệu quả kinh tế.
Hình thành các liên kết từ nuôi trồng đến tiêu thụ sản phẩm để ổn định thu nhập cho người dân.
Phát triển chế biến thủy sản quy mô hàng hóa lớn
Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến thủy sản quy mô hàng hóa lớn, đóng vai trò chủ đạo trong việc dẫn dắt, thúc đẩy phát triển chuỗi sản xuất thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Áp dụng khoa học công nghệ, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng phục vụ các ngành thực phẩm và phi thực phẩm; đổi mới máy móc, thiết bị và công nghệ; tăng năng suất, chất lượng; đảm bảo an toàn thực phẩm, quy tắc xuất xứ, an toàn môi trường và an sinh xã hội; nâng cao hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh; tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Có cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy sản; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm chế biến cho thị trường nội địa.
Ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu từ khai thác, NTTS trong tỉnh, mở rộng thị trường cung cấp nguyên liệu hợp pháp với sản lượng và chất lượng ổn định nhằm phát huy tối đa năng lực chế biến của tỉnh và Việt Nam.
Thực hiện việc truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu các sản phẩm thủy sản có lợi thế so sánh của tỉnh, nhất là các sản phẩm gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển đảo của địa phương như ốc hương, tôm hùm, rong nho, cá ngừ...
Triển khai xây dựng, nhân rộng các vùng NTTS được chứng nhận VietGAP, hữu cơ; tổ chức sản xuất thủy sản tuần hoàn theo chuỗi giá trị sản phẩm. Thực hiện việc truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu các sản phẩm thủy sản, nhất là các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao của tỉnh như tôm hùm, tôm thẻ, cá biển… Hình thành hệ thống kênh phân phối sản phẩm thủy sản trong và ngoài nước.
Giữ vững, phát triển thị phần thủy sản của tỉnh tại các thị trường trọng điểm (Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản...), tiếp tục mở rộng thị phần tại các thị trường tiềm năng (Hàn Quốc, Trung Đông, Đông Âu, Nam Mỹ và Đông Nam Á...). Củng cố và phát triển chế biến thủy sản nội địa, mở rộng thị trường trong nước trên cơ sở đa dạng hóa các sản phẩm, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Đầu tư, nâng cấp cảng cá
Tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo quy hoạch tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Hình thành cơ sở hậu cần nghề cá đồng bộ, đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm thu hút tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn của địa phương và khu vực lân cận; là đầu mối tập trung và phân phối hàng thủy sản tại khu vực; đồng thời cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá, hỗ trợ dịch vụ cứu hộ, cứu nạn cho tàu cá và triển khai thực hiện phương án phát triển hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo quy hoạch giai đoạn tiếp theo của Chính phủ..
Tập trung ưu tiên đầu tư vào Trung tâm nghề cá lớn Khánh Hòa gắn với ngư trường Nam Trung bộ và Trường Sa, để sớm hình thành và đi vào hoạt động.
Đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Củng cố, phát triển ngành cơ khí, đóng mới, sửa chữa tàu cá, ưu tiên sử dụng vật liệu mới trong đóng tàu cá. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất vỏ tàu, máy tàu, ngư cụ, thiết bị thông tin, các công cụ, thiết bị phục vụ nuôi trồng, chế biến và dịch vụ nghề cá.