Thực hiện chương trình giám sát “Việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đối với khu công nghiệp, khu chế xuất và cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao”, trong 2 ngày 20 và 21/12/2018, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng làm Trưởng đoàn đã đến khảo sát công tác bảo vệ môi trường tại 2 dự án sản xuất alumin của TKV.
Cùng tham gia có Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh; các Ủy viên của Uỷ ban; đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông; lãnh đạo TKV.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai Công ty Nhôm Đắk Nông và Nhôm Lâm Đồng đã báo cáo Đoàn công tác về công tác xử lý, bảo vệ môi trường tại hai Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ và Tân Rai. Theo đó, hai Công ty đã xây dựng phương án ứng cứu sự cố môi trường và được Sở Tài nguyên và Môi trường nơi đơn vị đứng chân cấp phép. Ngoài ra còn diễn tập ứng phó sự cố môi trường, phòng cháy, chữa cháy, xử lý chất thải... Thêm vào đó, việc thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường cũng được hai Công ty thực hiện tốt và được cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát thường xuyên. Toàn bộ hệ thống nước thải được sử dụng tuần hoàn. Hệ thống xử lý về khí thải cũng được xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động, nhất là hệ thống lọc bụi đã đáp ứng yêu cầu được phê duyệt. Về chất thải rắn, chất thải nguy hại cũng được thực hiện nghiêm túc. Hệ thống cây xanh được quan tâm để tạo cảnh quan, giảm bụi và ô nhiễm môi trường…
Làm việc với 2 Công ty, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, những khó khăn, trở ngại ban đầu khi triển khai dự án đến nay đã được khắc phục. Việc 2 nhà máy hoạt động đủ và vượt công suất thiết kế, có lãi là cố gắng rất lớn. Đây là một chủ trương, tầm nhìn xa của Đảng và Nhà nước. Để đánh giá các dự án này thì không phải đánh giá đơn thuần với TKV, với 2 Nhà máy Alumin Nhân Cơ và Tân Rai, mà là cả nền kinh tế - xã hội, nhất là những vùng heo hút như Nhân Cơ và Tân Rai trước đây. Về giá cả cũng được các đại biểu thời đó chất vấn nhưng đến nay đã có giá cao từ 350 - 500 USD/tấn. Đây là sự khẳng định về chất lượng và thương hiệu khi đã có nhiều thị trường tiêu thụ chứ không phải là một thị trường chính như trước đây. “Chúng ta không hy sinh môi trường bằng mọi giá để phát triển kinh tế. Việc người dân lo ngại về vấn đề môi trường là do công tác truyền thông của đơn vị chưa được tốt, dẫn đến hiểu lầm, dẫn đến lo ngại thái quá của người dân. Do vậy, cần phải tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu rõ thực tế hoạt động khai thác, chế biến của nhà máy. Đặc biệt, nhà máy cần phải cập nhật thiết bị công nghệ để đảm bảo công tác môi trường. Đối với những nguy cơ mà các đại biểu phân tích, đánh giá thì nhà máy và TKV cần phải sớm khắc phục” ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.
Một số hình ảnh: