Qua 6 năm thực hiện đề án “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ ngành liên quan thực hiện bám sát mục tiêu và nhiệm vụ đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Chìa khóa vàng của ngành công nghiệp khai khoáng
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã khẳng định “Khoa học công nghệ là chìa khóa vàng của ngành công nghiệp khai khoáng”. Thứ trưởng cũng đánh giá cao những nỗ lực của các tập thể, cá nhân trong việc xây dựng đổi mới và hiện đại hóa công nghiệp trong ngành khai khoáng.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định: “Khoa học công nghệ là chìa khóa vàng của ngành công nghiệp khai khoáng"Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ban ngành, báo cáo, tổng kết những nhiệm vụ trong giai đoạn vừa qua và vạch ra những nhiệm vụ, phương hướng cụ thể cho giai đoạn 2015-2025 trong đổi mới, hiện đại hóa quy trình và thiết bị công nghệ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành sản xuất. Đặc biệt là phấn đấu đưa ngành công nghiệp khai khoáng trở thành một ngành có trình độ công nghệ, đạt trình độ khu vực vào năm 2015 và trình độ thế giới vào năm 2025.
Tại hội nghị, TS. Nguyễn Huy Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - Bộ Công Thương đã báo tổng kết kết quả thực hiện đề án giai đoạn 2010-2015. Cụ thể: Chương trình KH&CN trọng điểm về công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản đã tổ chức thực hiện và quản lý nghiêm túc, chặt chẽ theo các quy định hiện hành và đã xác lập được nhiều giải pháp, công nghệ phù hợp, làm cơ sở khoa học để các doanh nghiệp thực hiện đổi mới, hiện đại hóa công nghiệp khai thác và chế biến, tăng cường chế biến sâu khoáng sản.
Toàn cảnh Hội nghị tổng kếtXác định KH&CN là chìa khóa vàng của ngành công nghiệp khai khoáng, trong giai đoạn 2010-2015, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã sử dụng nhiều công nghệ hiện đại, tiên tiến của thế giới trong lĩnh vực khai thác dầu khí, như: áp dụng các ứng dụng mới nhất của công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và hóa học... Trong lĩnh vực chế biến dầu khí, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm như: nhà máy Lọc dầu Dung Quất, nhà máy Đạm Phú Mỹ, nhà máy Đạm Cà Mau...
Tương tự, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cũng đã áp dụng nhiều thiết bị cơ giới hóa công suất lớn như ô tô tải trọng tải lớn lên đến 100 tấn, máy khoan đường kính lớn, máy xúc thủy lực... trong khai thác lộ thiên. Trong khai thác hầm lò, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã sử dụng một số giải pháp cơ giới hóa, như: sử dụng các loại chống thủy lực thay thế gỗ, áp dụng công nghệ khấu than bằng thiết bị đồng bộ...
Tóm lại, giai đoạn 2010-2015, chương trình đã thực hiện 69 nhiệm vụ, với tổng kinh phí hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước là 183,440 tỷ đồng, từ nguồn khác là gần 200 tỷ đồng.
Các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện các nội dung đổi mới, hiện đại hóa công nghệ ở các doanh nghiệp. Việc đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ tại các doanh nghiệp cơ bản phù hợp với mục tiêu, định hướng đã phê duyệt trong đề án, góp phần tăng năng suất lao động, giảm tiêu hao năng lượng, giảm chi phí sản xuất, cải thiện điều kiện lao động, an toàn và môi trường, giảm bệnh nghề nghiệp, giảm tổn thất tài nguyên khoáng sản.
Cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thành lập Quỹ phát triển KH&CN đang được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản thực hiện đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ.
Nhiều báo cáo tổng kết, tham luận về nội dung đổi mới, hiện đại hóa công nghệ đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng được thông qua tại hội nghị như: Báo cáo của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam; Báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; Báo cáo của ngành Công nghiệp khai thác và chế biến than...
Cũng tại đây, một số kết quả nghiên cứu trong phục vụ khai thác than và chế biến khoáng sản cũng được trình bày. Thông qua các nghiên cứu này, việc ứng dụng công nghệ, thiết bị mới, hiện đại vào các công trình dự án được phổ biến rộng rãi và đạt được nhiều kết quả như: tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng tài nguyên, năng lượng tái tạo...
Thách thức của ngành công nghiệp khai khoáng trong giai đoạn mới
Song song với những thành tựu đã đạt được trong giai đoạn 2010-2015, việc triển khai đề án vẫn còn nhiều hạn chế. Do nhu cầu vốn cho đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ là rất lớn, nên dẫn đến thực trạng chỉ các cơ sở có điều kiện thuận lợi và có năng lực về tài chính mới thực hiện đầu tư đổi mới được. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho các giải pháp công nghệ chưa thể áp dụng đồng bộ mà mới chỉ được áp dụng thử nghiệm một phần. Ngoài ra, mối liên kết giữa tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp sử dụng kết quả nghiên cứu còn chưa được quan tâm đúng mức.
Tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng môi trường vẫn chưa được khắc phục. Vẫn còn tình trạng xả nước thải trực tiếp ra môi trường, ô nhiễm không khí... Hơn nữa, tài nguyên thiên nhiên nước ta đang ngày cạn kiệt, việc khai thác ngày càng gặp nhiều khó khăn, thành phần vật chất phức tạp đòi hỏi các doanh nghiệp phải quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa cho nghiên cứu, đổi mới hiện đại hóa công nghệ.
Đặc biệt, hạn chế bộc lộ rất rõ ở các doanh nghiệp trong lĩnh vực than, khoáng sản rắn khi mà công nghệ, thiết bị ở các đơn vị này đã lạc hậu, chi phí sản xuất cao, tổn thất tài nguyên lớn, nhưng chưa quan tâm thích đáng hoặc chưa có điều kiện để đầu tư đổi mới, hiện đại công nghệ.Phát biểu tổng kết tại Hội nghị, Thứ
trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh: con đường đưa ngành công nghiệp khai
khoáng Việt Nam trở thành ngành có trình độ thế giới vào năm 2025 còn rất nhiều
chông gai và cần sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ hơn nữa giữa các cơ quan và
doanh nghiệp khai khoáng.
Đặc biệt là sự đồng nhất, hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp
trong và ngoài nước trong việc chuyển giao công nghệ, thiết bị. Các ban, ngành
cũng cần đẩy mạnh nghiên cứu, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, công nhân
viên, tiến tới một tập thể trong sạch, vững mạnh. Thứ trưởng cũng mong muốn,
đến năm 2025, khoa học công nghệ của Việt Nam đạt trình độ thế giới và trở thành
lực lượng quan trọng trong việc nâng cao
hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đảm bảo
an toàn lao động và bảo vệ môi trường.